Galaxy S Ultra như một chiếc Note mới. Ảnh: Xuân Sang. |
Samsung hiện duy trì 2 dòng flagship tại Việt Nam, Galaxy S và Z. Dòng Note từng được yêu thích đã ngừng ra mắt máy mới từ 2020. Model Galaxy Z có tính mới, độc đáo về tính năng màn hình gập, giúp công ty thu hút nhóm khách hàng đang dùng iPhone.
Trong khi đó, Galaxy S nhận nhiệm vụ chuyển đổi người dùng đang dùng thiết bị Samsung thấp cấp hơn và dòng Galaxy Note sang.
Dòng gập không thay thế Note
Đã 3 năm từ thời điểm chiếc Galaxy Note cuối cùng được ra mắt. Về lý thuyết, dòng điện thoại gập Z Fold và Z Flip, là những lựa chọn mới, thay thế cho dải sản phẩm nổi tiếng hơn 10 năm tuổi. Dòng Z cũng được định vị ở phân khúc cao cấp, hướng đến người dùng doanh nhân, cần thiết bị phục vụ công việc. Công ty Hàn Quốc ra mắt máy này vào nửa cuối năm, tại sự kiện vốn dành cho dòng Note.
Galaxy Z màn hình gập, giúp Samsung có nhiều khách hàng mới ở phân khúc đắt tiền. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thực tế, điều này lại không hoàn toàn chính xác. Việc Galaxy Note bị loại bỏ là một phần của kế hoạch tinh giản flagship từ Samsung. Việc duy trì 3 model cao cấp trong vòng một năm gây ra áp lực lớn cho đội ngũ nghiên cứu và phát triển, tốn kém chi phí truyền thông… Do vậy, chỉ Galaxy S và Z được giữ lại.
Ngoài ra, định vị, mục tiêu của Galaxy Z và Note là không giống nhau. Trả lời Zing, đại diện Samsung Vina cho biết dòng điện thoại gập mang đến tỉ lệ chuyển đổi cao tại Việt Nam. Theo dữ liệu của công ty này, phần lớn khách hàng mua dòng Z là người dùng mới. Trước đó, họ sử dụng flagship từ thương hiệu khác, đa phần là iPhone.
Do vậy, với các yếu tố mới về công nghệ, trải nghiệm, dòng Z có nhiệm vụ lôi kéo khách hàng lần đầu tới hệ sinh thái Samsung.
Trong khi đó, dải Galaxy S dần kế thừa các đặc điểm nổi bật của dòng Note. Hiện tại, mẫu Galaxy S23 Ultra có màn hình lớn, bút S Pen, tính năng ghi chú và hỗ trợ công việc. Đây gần như là một thiết bị Note, trừ cái tên.
Giữ lại người dùng Note
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng khiến người dùng dòng Note bị “bỏ rơi”. Theo ông Nguyễn Vũ Duy Khoa, Quản trị viên cộng đồng người dùng Galaxy Note tại Việt Nam, dòng máy có bút của công ty này vốn sở hữu tính riêng, thu hút người hâm mộ hơn. Sau thời kỳ dịch bệnh, sản phẩm Galaxy Note mới không còn ra mắt, nhiều người dùng đã chuyển dịch sang thương hiệu mới.
Samsung tìm cách chuyển dịch người dùng Note sang S Ultra. Ảnh: Xuân Sang. |
Ông Quang Minh, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM, một khách hàng lâu năm của Galaxy Note đã đổi sang iPhone sau khi dòng máy yêu thích bị ngừng từ năm 2021.
Mặt khác, cuộc đua flagship hiện tại không chỉ có Samsung, Apple. Tại Việt Nam, Oppo, Xiaomi, vivo, Oneplus và Sony cũng kinh doanh các mẫu máy đắt tiền, trên 20 triệu đồng. Do vậy, nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới có thể đánh mất nhóm khách hàng này vào tay các đối thủ mới nổi.
Samsung có nhiều động thái để níu giữ nhóm người dùng dòng sản phẩm cao cấp này ở lại với thương hiệu. Năm 2022, khi xác nhận dừng sản xuất Galaxy Note, đại diện công ty Hàn Quốc thông báo rằng thế hệ cũ sẽ hiện diện qua dòng S Ultra. Đây giống như một cách để hướng khách hàng sang dòng máy mới.
Công ty Hàn Quốc tổ chức sự kiện, tặng thêm ưu đãi để người dùng Note lâu năm nâng cấp lên dòng mới. Ảnh: Xuân Sang. |
Tại Việt Nam, Samsung cũng tổ chức chương trình tri ân cho người dùng Galaxy Note. “Đây là cách của Samsung để níu giữ người dùng, chuyển hóa nhóm khách hàng từ dòng Note sang S”, ông Khoa nói với Zing.
Ngoài ra, nhiều người mua Galaxy S là khách hàng của Samsung từ trước. Ông Trần Xuân Nam, Giám đốc ngành hàng Samsung của hệ thống FPT Shop cho biết người dùng Galaxy S vốn được chuyển hóa từ nhóm khách hàng thiết bị Samsung từ trước. Đó là những người dùng dòng Galaxy A, Galaxy J có nhu cầu nâng cấp lên sản phẩm cao cấp hơn.
Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.