Với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận dành cho kế hoạch Brexit (Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu - EU) của bà May, đây là thất bại nặng nề nhất của chính phủ Anh tại quốc hội trong lịch sử chính trị hiện đại nước này, theo AFP.
Diễn biến này đặt nước Anh vào tình thế rối ren khi họ có thể phải rời EU mà không có thỏa thuận nào trong tay vào ngày 29/3, thời hạn đã được thống nhất. Trước mắt, bà May cũng phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể buộc bà phải từ bỏ cương vị.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với thủ tướng, được đề xuất bởi lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn, sẽ diễn ra vào lúc 19h ngày 16/1 (giờ địa phương).
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại quốc hội sau cuộc bỏ phiếu hôm 15/1. Ảnh: Reuters. |
EU lập tức cảnh báo về nguy cơ không có thỏa thuận Brexit nào - kết quả có thể làm gián đoạn hoạt động giao thương, khiến nền kinh tế Anh bị đình trệ cũng như làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu, nơi London đóng vai trò lớn.
"Nếu không thể có được thỏa thuận, và không ai muốn điều này xảy ra, thì ai rốt cuộc sẽ có can đảm mà nói giải pháp tích cực duy nhất là gì", Chủ tịch EU Donald Tusk nói trên Twitter.
Bà May đưa ra thông điệp mang tính hòa giải, nói các nghị sĩ có quyền thách thức vai trò lãnh đạo của bà và cam kết tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn để đạt được một thỏa thuận khác khi thời hạn 29/3 đang đến gần.
Bà nói quốc hội đã lên tiếng và chính phủ sẽ lắng nghe, nhưng nói thêm rằng: "Rõ ràng là Hạ viện không ủng hộ thỏa thuận này nhưng cuộc bỏ phiếu tối nay cũng chẳng cho chúng ta thấy họ ủng hộ cái gì".
"Không gì cả về việc làm thế nào, hay thậm chí là liệu họ có ý định tôn trọng quyết định mà người Anh đã đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý do quốc hội quyết định tổ chức nữa hay không", bà nói.
"Người dân, đặc biệt là công dân EU đang sống ở đây và công dân Anh đang sống trong EU, xứng đáng được biết rõ câu trả lời cho những vấn đề này càng sớm càng tốt. Những người mà công việc của họ phụ thuộc vào thương mại giữa chúng ta với EU cũng cần sự rõ ràng".
Thủ tướng Anh nói nếu bà vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà sẽ tiến hành đối thoại với các đảng khác để xác định các cách tiếp cận về Brexit "có thể đàm phán một cách chân thành và nhận được đủ lá phiếu ủng hộ " từ các nghị sĩ. Bà cũng sẽ trở lại Brussels để đàm phàn lại với EU về những đề xuất này.
Một cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra nếu chính phủ của bà May bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Song chưa rõ liệu phe đối lập có đủ số lượng để lật đổ chính phủ hay không.