Viện nghiên cứu Manaaki Whenua-Landcare Research đã ký văn bản hợp tác trị giá 2,8 triệu USD với nhóm bảo tồn Predator Free Rakiura của đảo Rakiura/Stewart. Mục đích của việc hợp tác này là để tiêu diệt các loài săn mồi bao gồm thú có túi, chuột, mèo hoang và nhím trong vòng 4 năm tới, theo Guardian.
Dự án cũng sẽ bao gồm các chương trình nghiên cứu để hiểu rõ hơn về quá trình sinh sôi của sâu bệnh và cách quản lý chúng tốt nhất.
Rakiura là hòn đảo nằm ngoài khơi của đảo Nam. Nơi đây có diện tích khoảng 180.000 ha, với dân số thường trú 400 người và đón khoảng 45.000 du khách mỗi năm.
Hòn đảo tự hào là nơi có các công viên quốc gia, hệ sinh thái đặc biệt, cồn cát và hệ thống nước ngọt vô cùng sạch. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật bản địa dễ bị tổn thương như các loài chim, tắc kè và dơi.
Tuy nhiên, sự xâm nhập của các loài gây hại đã ảnh hưởng đến hệ động thực vật của hòn đảo này. Trong đó chim kiwi - biểu tượng của New Zealand - và chim kākāpō, loài vẹt nặng nhất và không biết bay duy nhất trên thế giới, cũng bị tác động.
Chim kākāpō - một trong những loài động vật bản địa bị ảnh hưởng bởi động vật ăn thịt du nhập từ bên ngoài. Ảnh: Nature Picture Library/Alamy. |
“Rakiura hiện tại đang ở trong trạng thái buồn bã”, Dean Whaanga, đồng chủ tịch của tổ chức Te Puka Rakiura Trust, cho biết.
Ông nói: “Nhìn bề ngoài, du khách có thể nhìn thấy kho báu tuyệt đẹp. Tuy nhiên, khi các loài bản địa quay trở lại với số lượng như tổ tiên của chúng ta đã chứng kiến, chúng ta có thể nhìn ra sức mạnh và bản chất thực sự của hòn đảo này”.
Manaaki Whenua-Landcare Research cho biết: “Những gì chúng tôi học được (từ kinh nghiệm) ở đây sẽ giúp mở đường cho mục tiêu không có thú ăn thịt trên cả nước”.
Các dự án diệt trừ động vật ăn thịt tương tự đã được tiến hành trên khắp thế giới. Dự án trên đảo Nam Georgia, ở phía nam Đại Tây Dương là một ví dụ. Nơi đây đã tiến hành diệt chuột trên 350.000 ha diện tích của hòn đảo dù cho dân số trên đảo chỉ khoảng 20 đến 30 người.