Hàng nghìn con nghiện và buôn bán ma túy đã bị cảnh sát và lực lượng dân phòng tiêu diệt trong 7 tháng đầu cầm quyền của ông Duterte từ giữa năm 2016. Nạn ma túy ở Philippines gần như đã được kiểm soát.
Kể từ sau khi ông Duterte yêu cầu cảnh sát Philippines ngừng tham gia cuộc chiến chống ma túy vào tháng trước vì lực lượng này “thối nát đến tận lõi”, nhiều con nghiện và kẻ buôn bán ma túy trong cuộc phỏng vấn của Reuters cho rằng vấn nạn này đã ngầm trở lại. Nó được thực hiện một cách kín đáo hơn giữa những người quen biết nhau, mở đầu bằng những tin nhắn.
Cạnh đường ray tàu hỏa cũ kỹ ở Manila, gần khu kinh doanh Makati, người ta có thể dễ dàng tìm mua ma túy với mức giá chỉ vài peso (1 peso bằng 0,02 USD) cho một lần sử dụng. Người dân địa phương cho biết khi những người muốn mua ma túy di chuyển bằng những chiếc xe nhỏ của họ với giá vài peso, họ thường đưa cho một gói thuốc phiện.
Con ngõ hẹp dẫn đến nơi tàng trữ ma túy ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Reuters. |
Eusebio, 52 tuổi, làm nghề đẩy xe để kiếm sống cho biết những người buôn ma túy thỉnh thoảng đi bộ trên đường và gọi hỏi: “Anh mua được với giá bao nhiêu?”
“Bây giờ khi các hoạt động chống ma túy bị tạm đình chỉ, thuốc phiện lại tràn lan”, ông nói. “Những người trước đây trốn chạy nay lại xuất hiện”.
Nơi giấu ma túy bí mật
Trong một căn phòng tối tăm ở Manila, con nghiện ma túy cũng kể những câu chuyện tương tự.
“Bây giờ chúng tôi tự do hơn”, Jason, một nhân viên pha chế 39 tuổi nói với Reuters trong làn khói thuốc phiện. “Kẻ nghiện vẫn là kẻ nghiện, trừ những kẻ đã bị giết”, con nghiện gần 20 năm nói.
Khoảng 2.500 người nghiện ma túy trong tổng số 8.000 kẻ buôn bán và sử dụng ma túy bị cảnh sát Philippines tiêu diệt. Trong khi các nhóm nhân quyền cho rằng nhiều vụ trong số này được thực hiện ngoài vòng pháp luật, Tổng thống Duterte vẫn luôn kịch liệt phản đối điều đó.
Ông Duter nhiều lần khẳng định sẽ truy bắt các trùm ma túy và triệt phá nhiều ổ nhóm lớn và cho đến nay đã có nhiều cuộc đột kích quy mô lớn vào những khu vực sản xuất ma túy. Tuy nhiên, theo Reuters, hầu hết đối tượng bị tiêu diệt trong chiến dịch của ông là những kẻ buôn ma túy quy mô nhỏ ở một số khu vực nghèo nhất Philippines.
Trong khi đó, Cơ quan Chống Ma Túy Philippines hiện tiếp quản nhiệm vụ trước đó của lực lượng cảnh sát trong chiến dịch tiêu diệt ma túy.
Con nghiện hít ma túy ở Manila. Ảnh: Reuters. |
Số vụ giết người giảm
Các tổ chức trấn áp tội phạm hoạt động nhiều hơn về đêm, cách thức tiêu diệt tội phạm như của đội dân phòng vẫn còn tiếp diễn nhưng tốc độ thực thi nhiệm vụ chậm hơn nhiều. Thống kê của cảnh sát cho thấy 398 người đã bị tiêu diệt trong 20 ngày đầu tháng 2. Thông tin về những vụ giết người này không được tiết lộ.
Một số chuyên gia chống ma túy trên thế giới cho rằng xét trên khía cạnh nào đó, chiến dịch tiêu diệt ma túy mạnh tay của ông Duterte đã thất bại.
Cựu Tổng thống Colombia, ông César Gaviria, nói với tờ New York Times hồi đầu tháng này rằng cuộc chiến chống ma túy kéo dài của nước ông từng thực hiện không chỉ thất bại trong việc tiêu diệt đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ ma túy mà còn đẩy ma túy và tội phạm sang các nước láng giềng, trong khi “hàng chục nghìn người đã bị giết hại”.
Thái Lan từng phát động cuộc chiến chống ma túy vào năm 2003, tiêu diệt khoảng 2.800 người trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, về lâu dài con số này không tác động lớn đến việc cung cấp hay nhu cầu tiêu thụ ma túy ở nước này.
“Thế giới từng thua trong cuộc chiến chống ma túy, không chỉ riêng Thái Lan”, Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Paiboon Koomchaya phát biểu hồi tháng 7/2016.
Khi một chiến dịch chống ma túy mạnh tay được khởi động, nguồn cung ma túy có thể khan hiếm trong một thời gian, giá ma túy buôn bán (chui) trên phố có thể tăng vọt, nhưng cuối cùng nạn ma túy vẫn không giảm, Reuters dẫn lời các nhà nghiên cứu về cuộc chiến chống ma túy cho hay.
Gói ma túy dưới ánh đèn mờ ở thủ đô Manila. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi chưa thấy mô hình nào trên thế giới có cách tiếp cận cứng rắn mà hiệu quả với vấn nạn này”, Jeremy Douglas, trưởng đại diện khu vực của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), cho biết. Ông nói lực lượng chức này có thể tạm thời làm gián đoạn hoạt động buôn bán ma túy trên đường phố những không thể cắt dứt nhu cầu của những con nghiện.
Chiến dịch mất đà
Một số sĩ quan cảnh sát Philippines cho biết họ đã nhận được báo cáo về việc gia tăng các hoạt động buôn bán ma túy trên đường phố kể từ khi chiến dịch này được chuyển giao cho cơ quan khác thực hiện.
Quan chức cảnh sát Manila Olivia Sagaysay nhận định cuộc chiến chống ma túy đã bị mất động lực, tinh thần của các sĩ quan cảnh sát đã bị ảnh hưởng kể từ khi họ ngừng tham gia vào chiến dịch này.
“Thật đáng buồn. Nhưng chúng tôi không còn cách nào khác ngoài nghe lệnh”, bà nói. Bà Olivia cũng cho hay việc buôn bán ma túy có thể tái diễn nhưng không thể đạt được mức độ như trước đó.
Người phát ngôn của lực lượng Cảnh sát Quốc gia Philippines Dionardo Carlos cho biết ma túy sẽ “tái xuất” trên đường phố vì đó là “ngành công nghiệp siêu lợi nhuận”. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, chiến dịch chống ma túy của Philippines không thất bại.
“Chúng tôi đã đạt được các mục tiêu đề ra, hoàn thành nhiệm vụ của mình trong 7 tháng qua và hy vọng Cơ quan Chống Ma Túy Philippines sẽ làm nốt phần việc còn lại”, ông nhấn mạnh.
Cơ quan Chống Ma Túy Philippines quy tụ khoảng 1.800 nhân viên trong khi lực lượng cảnh sát Philippines lên tới 160.000 người. Người phát ngôn của Cơ quan, ông Derrick Carreon, cho biết đơn vị sẽ bổ sung thêm nhân viên và Tổng thống Duterte sẽ sớm ban hành sắc lệnh cho phép thành lập hội đồng chống ma túy liên ngành.
Ông cho hay những kẻ buôn ma túy đã nhầm khi cho rằng chúng nằm trong vòng an toàn.
Tuy nhiên, Jason, nhân viên pha chế nghiện ma túy nhắc đến ở trên, nói chiến dịch của ông Duterte hướng đến nhầm đối tượng. Người cần nhắm đến phải là những người sản xuất ma túy. Jason nói ma túy có sức hấp dẫn khiến anh quên đi nỗi sợ bị cảnh sát bắn chết.
“Tôi vẫn mua ma túy mỗi ngày”, Jason nói trong cơn say thuốc.