Quá "bám" người yêu cũng là nguyên nhân khiến mối quan hệ rạn nứt. Ảnh minh họa: Miriam Alonso/Pexels. |
Khi yêu, ai cũng thích dành nhiều thời gian ở bên đối phương. Tuy nhiên, nếu mong muốn gắn bó thông thường phát triển thành sự đeo bám, mọi chuyện sẽ phát triển theo chiều hướng tiêu cực.
Nghiên cứu của Phó giáo sư Menelaos Apostolou (Đại học Nicosia, Cyprus) công bố trên SAGE Journals vào tháng 2/2021 cho rằng hành vi đeo bám (clingy) là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến mối quan hệ rạn nứt.
Việc này có thể bắt nguồn từ việc một người thiếu lòng tự trọng hoặc sợ bị nửa kia từ chối. Dù ở thế chủ động hay bị động, chúng ta đều khó tránh khỏi cảm giác mệt mỏi và áp lực.
Song, không quá khó để giải phóng bản thân và người xung quanh khỏi hành vi đeo bám. Dưới đây là một số cách giúp chấm dứt tình trạng trên, giúp mọi người duy trì mối quan hệ cân bằng, lành mạnh, theo Science Of People.
Tâm lý bám víu thường xuất hiện ở cá nhân từng trải nghiệm hoặc chứng kiến bạo lực gia đình thuở nhỏ. Ảnh minh họa: Kai James/Pexels. |
Thế nào là bám dính?
Cá nhân có nhu cầu bám dính luôn tìm cách để ở cạnh hoặc phụ thuộc vào ai đó để được hỗ trợ về mặt cảm xúc và cảm giác an toàn.
Một số người sẽ thấy bất an, buồn bã hoặc tuyệt vọng nếu không thể thỏa mãn nhu cầu này.
Thực tế, không có cơ sở để phân định một hành vi đeo bám gây hại với nhu cầu được ở gần bạn trai/bạn gái đơn thuần.
Song, nếu nhận thấy bản thân hoặc đối phương có nhiều dấu hiệu được liệt kê dưới đây, bạn nên cân nhắc lại về tính thân mật của mối quan hệ:
- Luôn cần được trấn an (ví dụ: bạn luôn hỏi nửa kia những câu như “Anh có thực sự yêu em không?”, “Em sẽ luôn bên anh mà nhỉ?”)
- Sợ phải sinh hoạt, làm việc một mình
- Lo sợ đối phương sẽ rời đi, dù là bất kỳ lý do gì
- Cảm thấy ghen tị khi đối tác lãng mạn đi chơi với người khác
- Luôn đòi hỏi nửa kia cập nhật trạng thái, vị trí để tránh cảm giác bất an
- Tìm cách kiểm tra tin nhắn, cuộc gọi trên điện thoại nửa kia
- Phát hoảng chỉ vì đối phương không kịp trả lời tin nhắn
- Theo dõi mạng xã hội của đối phương
Nhiều người đeo bám như một cơ chế đối phó để cảm thấy an toàn hơn. Trạng thái tâm lý này có thể xuất phát từ nhiều bất an sâu sắc bên trong bắt nguồn từ thời thơ ấu: từng bị gia đình bỏ lại một mình, trải nghiệm hoặc chứng kiến hành vi bạo lực của người thân.
Sự bám víu cũng có thể xuất phát từ các lý do như:
- Thèm khát sự chú ý
- Ghen tị
- Kém tự tin
- Thiếu kỹ năng xã hội
- Thiếu bản sắc hoặc mục đích
- Sợ bị từ chối
Đừng ngại tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ một cách chuyên nghiệp. Ảnh minh họa: Ba Tik/Pexels. |
Lối ra
Cá nhân đeo bám thường tìm kiếm điều gì đó ở người khác nhằm hướng đến cảm giác trọn vẹn, an toàn hoặc kiểm soát.
Để chấm dứt tình trạng trên, đôi bên phải dành thời gian khai phá những lý do ẩn, cũng như dành cho nhau sự cảm thông, sẵn sàng hỗ trợ.
Tìm hiểu gốc rễ vấn đề
Trước hết, hãy tự hỏi mình một số câu như sau:
- Sự thân mật có ý nghĩa gì với bạn?
- Làm thế nào để bạn nuôi dưỡng những người gần gũi với bạn trong cuộc sống của bạn?
- Bạn có sợ ở một mình không? Nếu có, đâu là nguyên nhân?
- Bạn cảm thấy thế nào khi một người mình quan tâm lại quá bận rộn, ít dành thời gian cho bạn vào lúc này?
- Nỗi sợ hãi nào nảy sinh khi mọi người không trả lời bạn ngay lập tức?
Trong trường hợp gặp khó khăn với việc trả lời, đừng ngại tìm đến các chuyên gia tâm lý. Được hỗ trợ kịp thời bởi người có chuyên môn, chúng ta sẽ không phải tốn quá nhiều thời gian cho quá trình này.
Xây dựng lịch trình cá nhân bận rộn
Đôi khi sự đeo bám có thể xuất phát từ sự buồn chán hoặc lo lắng tiềm ẩn.
Nếu thiếu chuyện để bận tâm, cá nhân sẽ rơi vào vòng lặp mệt mỏi, chẳng hạn kiểm tra điện thoại cứ sau 5 phút, hy vọng bạn bè hoặc nửa kia nhắn tin cho bạn. Khi mọi thứ không diễn ra đúng với kỳ vọng, họ sẽ dễ tủi thân, thấy bị bỏ rơi.
Nhằm hạn chế cảm giác trên, chúng ta cần lấp đầy lịch trình của mình bằng nhiều hoạt động liên quan đến sở thích hoặc các khóa học. Bạn vừa loại bỏ cảm giác trống trải, lại có thêm tương tác với nhiều người và mở rộng vòng tròn quan hệ xã hội. Nhờ đây, thời gian lo âu, mắc kẹt với suy nghĩ “họ chẳng để tâm đến mình” sẽ được giảm đi đáng kể.
Thiết lập, tôn trọng giới hạn của nhau
Về cơ bản, giới hạn là quy tắc tương tác trong các mối quan hệ. Một trong những điều khó khăn nhất về tính đeo bám là cảm giác vượt qua ranh giới của chính mình và những người bạn quan tâm. Hiểu cách thiết lập ranh giới là rất quan trọng để chấm dứt hoàn toàn hành vi đeo bám.
Để thiết lập ranh giới cho mối quan hệ, một người có thể cân nhắc các yếu tố sau:
- Tần suất bạn muốn liên lạc (nhắn tin, gọi điện hoặc gặp trực tiếp)
- Bạn gặp nhau thường xuyên như thế nào
- Những loại chủ đề đôi bên tránh thảo luận
- Làm gì khi mỗi người cần thời gian riêng
- Cách đôi bên tương tác với nhau
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.