Quần vợt thế giới đã khám phá ra một siêu sao mới vào hôm chủ nhật (4/11) sau khi Karen Khachanov đem đến sự tươi mới để thắng thuyết phục Novak Djokovic trong trận chung kết Paris Masters. Chiến thắng của Khachanov đã tạm thời chấm dứt sự thống trị tuyệt đối của tay vợt người Serbia trong gần 3 tháng qua.
Tay vợt 22 tuổi người Nga đã cho thấy chính xác lý do tại sao anh được xem là một trong những tài năng trẻ hay nhất trong môn thể thao này. Vượt qua khả năng phòng thủ tuyệt vời của Djokovic, người đang sở hữu chuỗi 22 trận thắng liên tiếp, Khachanov đã lên ngôi thuyết phục sau 1 giờ 37 phút.
Karen Khachanov trở thành ngôi sao mới của quần vợt nam thế giới. |
Khi những tay vợt được kỳ vọng gây thất vọng
Giới mộ điệu quần vợt đã quá quen thuộc với sự thống trị của Big 4 trong suốt hơn một thập kỷ qua. Sự thống trị áp đảo trong khoảng thời gian dài đã khiến cho người trong cuộc phải đặt ra câu hỏi: "Ai sẽ đủ sức để cạnh tranh và thay thế những tay vợt này". Những nhà chuyên môn bắt đầu công cuộc tìm kiếm các tay vợt tiềm năng.
Trong lứa các tay vợt thuộc nhóm 9X, Grigor Dimitrov nổi lên đầu tiên khi anh được mệnh danh là "tiểu Federer". Được kỳ vọng nhiều nhưng dưới cái bóng quá lớn của huyền thoại người Thụy Sĩ, Dimitrov vẫn chỉ luẩn quẩn để tìm cách thoát ra khỏi cái mác này.
Sau khi có được danh hiệu Masters 1000 đầu tiên trong sự nghiệp tại Cincinnati vào năm 2017, cùng với đó là chức vô địch ATP Finals ngay lần đầu tham dự, tưởng chừng Dimitrov sẽ bùng nổ trong năm 2018. Tuy nhiên, anh đã "lặn mất tăm" khi thi đấu bết bát, không có nổi một danh hiêu và rơi xuống thứ 18.
Alexander Zverev là cái tên tiếp theo được nhắc tới. Tay vợt sinh năm 1997 này nổi lên từ khá sớm khi anh đoạt 2 danh hiệu Masters 1000 tại Mome và Montreal lúc mới 20 tuổi. Zverev thi đấu khá tự tin trước các tay vợt lớn khi đã có những chiến thắng trước Federer và Djokovic, nhưng anh lại thường gục ngã bởi những đối thủ dưới cơ. Sau một năm 2017 thi đấu đầy thăng hoa với 5 chức vô địch và leo lên hạng 3 thế giới, Zverev đang có dấu hiệu chững tại trong năm 2018.
Zverev từng được đánh giá là tay vợt trẻ nổi bật nhất. |
Tay vợt trẻ người Đức chỉ có được 3 danh hiệu trong năm nay, và thi đấu "kém duyên" tại các giải Grand Slam. Trong 14 lần thi đấu tại các giải Grand Slam, Zverev mới chỉ có được 22 chiến thắng và thua 14. Tứ kết Pháp mở rộng 2018 là thành tích tốt nhất mà anh đạt được trong các lần tham dự.
Cùng với Dimitrov và Zverev, Dominic Thiem cũng từng được hy vọng để có thể thách thức ngôi vị số 1 thế giới. Tuy nhiên, đúng như biệt danh "Hoàng tử sân đất nện", tay vợt người Áo chỉ chơi tốt trên mặt sân đỏ và không có nhiều thành tích nổi bật trên các mặt sân còn lại. Cho đến bây giờ, khi đã bước sang tuổi 25, Thiem chỉ nằm trong nhóm tay vợt loại khá của làng quần vợt nam thế giới.
Chờ đợi điều gì từ Karen Khachanov?
Không nổi lên từ quá sớm nhưng tay vợt người Nga có những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp thi đấu. Khởi đầu năm 2018 với hạng 45 thế giới, Khachanov đã có bước tiến lớn để kết thúc năm ở vị trí thứ 11, và trở thành tay vợt nam số 1 nước Nga.
Tham dự giải đấu cuối cùng trong năm với thứ hạng 18, Khachanov đã vượt qua bốn tay vợt trong top 10 thế giới để giành chức vô địch Paris Masters một cách thuyết phục. Danh hiệu tại Paris mà Khachanov giành được có lẽ khởi nguồn từ quê nhà Moscow. Khachanov đã có giải đấu thành công trên quê nhà để giành chức vô địch, tiếp thêm sự tự tin hướng tới sân chơi cao hơn là Paris Masters. Đây cũng là giải đấu đánh dấu tên tuổi của Khachanov. Năm 2013, Khachanov mới 17 tuổi và xếp hạng 808 thế giới, anh bất ngờ hạ hạt giống số 3 Janko Tipsarevic để vào tứ kết.
Một tay vợt sở hữu 22 trận thắng liên tiếp như Djokovic cũng phải dành những lời ngợi khen cho Khachanov: "Tôi muốn nói rằng cậu ta đã thi đấu tốt trong cả tuần này. Câu ta xứng đáng có được chiến thắng trong trận chung kết. Karen là một tay vợt trẻ đang tiến bộ từng ngày. Cậu ta đã cho thấy phong độ tuyệt vời ngày hôm nay, và thể hiện lý do vì sao chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn nữa tới cậu ấy trong tương lai".
Sở hữu chiều cao 1,98 m, tay vợt người Nga có những pha giao bóng uy lực và hiểm hóc. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để các tay vợt thi đấu ở sân chơi quần vợt đỉnh cao. Trong năm 2018, Khachanov tung ra 655 cú giao bóng ghi điểm trực tiếp, tỷ lệ giao bóng 1 ghi điểm đạt 76%. Đồng thời, chiều cao cũng giúp cho tay vợt này trả giao bóng hai khá ấn tượng khi đạt tỷ lệ giành điểm 51%.
Niềm hy vọng mới của quần vợt thế giới - Khachanov. |
Không chỉ giao bóng tốt, Khachanov còn sở hữu những cú quả ấn tượng. Trong trận chung kết với Djokovic, những pha đánh thuận tay uy lực đã nhiều lần giúp cho tay vợt người Nga ghi điểm winner. Thêm vào đó, tay vợt này cũng thể hiện được lối chơi trên lưới khá ấn tượng khi có được 10 điểm trong tổng số 12 lần lên lưới trước "Nole". Di chuyển hợp lý và nhãn quan chiến thuật tốt giúp cho Karen làm chủ được thế trận trên sân.
Một điều thấy được nữa ở Khachanov là tâm lý thi đấu tốt và bản lĩnh vững vàng. Trong lần đầu tiên được tham dự trận chung kết Masters 1000, anh không hề tỏ ra bị căng cứng tâm lý. Sự tự tin và thi đấu thoải mái đã giúp tay vợt người Nga thể hiện được tối đa những gì mà mình có.
Trước đó, tại vòng 3 US Open, tay vợt 22 tuổi đã chơi một trong những trận đấu hay nhất sự nghiệp khi đối đầu với Nadal. Phải mất hơn 4 giờ thi đấu, tay vợt số 1 thế giới khi đó mới có được chiến thắng với các tỷ số 5-7, 7-5, 7-6(7) và 7-6(3).
Có thể thấy, lối chơi của Karen Khachanov rất phù hợp với lối đánh sân cứng. Và minh chứng cho điều này là cả 4 danh hiệu mà anh có được đều đến từ mặt sân này. Đặc biệt, trong năm 2018, tay vợt người Nga có được 3 danh hiệu đều thuộc mặt sân cứng trong nhà (Marseille, Moscow và Paris Masters).
Dù còn quá sớm để đánh giá chính xác về khả năng thăng tiến của Karen Khachanov. Tuy nhiên với những gì mà tay vợt này làm được trong khoảng thời gian cuối mùa giải 2018, người hâm mộ hy vọng sẽ thấy được một Karen đủ sức để đoạt thêm các danh hiệu lớn trong thời gian tới, và là đối trọng thực sự với các tay vợt trong nhóm Big 4.