Theo văn bản này, doanh nghiệp cho biết chịu tổn thất nặng nề sau khi Covid-19 xuất hiện, đặc biệt từ lúc tạm dừng kinh doanh ngày 15/3 theo chỉ thị của cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp cho biết toàn bộ 7 địa điểm kinh doanh tại TP.HCM đều đóng cửa, nguồn thu mất hoàn toàn, trong khi vẫn phải vay mượn để chi trả hỗ trợ nhân viên, chi phí mặt bằng, lãi vay... Thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Đồng thời, hàng trăm lao động của công ty phải nghỉ việc, phụ thuộc thu nhập vào nguồn trợ cấp.
Một điểm kinh doanh của Nnice trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đóng cửa ngày 1/6. Ảnh: L.A. |
Với quan điểm điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt và hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh đã khôi phục, hệ thống karaoke này đề nghị UBND TP.HCM cùng các cơ quan chức năng đề xuất Chính phủ cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hoạt động trở lại.
Doanh nghiệp cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh, an toàn, phòng chống dịch theo đúng yêu cầu của các cấp chính quyền.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hàng loạt hoạt động trên địa bàn từ 18h ngày 15/3, trong đó có karaoke. Đến ngày 9/5, UBND TP cho phép nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại, tuy nhiên vũ trường và karaoke phải tiếp tục đóng cửa.
Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại phiên họp Thường trực ngày 7/5. Trao đổi với Zing ngay sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng vũ trường và karaoke chưa phải dịch vụ cần thiết so với các dịch vụ khác. Đồng thời, các hoạt động này có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ khi hát karaoke, rất nhiều người dùng chung micro.
Do đó, Chính phủ sẽ tính toán thời điểm thích hợp để cho mở cửa trở lại những dịch vụ này.