Có được cuộc sống đầy đủ hơn những trẻ em khó khăn, trái tim ấm nóng của Juan Mata thôi thúc anh phải đứng lên kêu gọi cộng đồng bóng đá chung tay vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với mọi người một ý tưởng, có lẽ phần nào sẽ giúp thay đổi thế giới này dù cho chỉ là nhỏ nhặt. Và tôi cũng mong các cầu thủ khác trên thế giới sẽ giúp tôi hoàn thành tâm nguyện này. Trước khi giải thích về nó, tôi sẽ nói cho bạn nghe bóng đá với tôi có ý nghĩa thế nào.
Hãy bắt đầu bằng một kỷ niệm cả đời tôi chẳng thể quên.
Tôi có thể nhìn thấy đường bóng đó. Tôi có thể nhìn thấy quả bóng bật ra từ đầu Thomas Muller, vượt qua Petr Cech, đập mạnh vào xà ngang trước khi mảnh lưới rung lên. Và dĩ nhiên, tôi nhớ những âm thanh đó. Tôi thậm chí chẳng thể nghe nổi những suy nghĩ của mình... nó như thể một dòng điện chạy ngang qua.
Phút 83, Bayern Munich đã mở tỷ số ngay trên thánh địa Munich. Tỷ số trận chung kết Champions League 2012 lúc này là Bayern Munich 1-0 Chelsea, những người đồng đội của tôi. Chưa bao giờ tôi nghe thấy âm thanh nào tương tự như vậy.
Vài giây sau, tôi đứng ở vòng tròn giao bóng tại Allianz Arena, đợi các cầu thủ Bayern ngừng ăn mừng bàn thắng mà họ nghĩ đã đem về chiếc cúp vô địch. Didier Drogba chạy tới bên tôi để chuẩn bị giao bóng. Chưa bao giờ tôi thấy anh ấy đầu hàng, chưa bao giờ tôi thấy anh ấy gục ngã - mà giờ hình ảnh đó đang hiện hữu ngay trước mắt rồi.
Không thể hiểu nổi điều gì đang diễn ra. Chúng tôi đã làm mọi thứ để đặt chân tới trận chung kết. Huấn luyện viên trưởng đã bị sa thải vài tháng trước đó nhưng chúng tôi vẫn xuất sắc lội ngược dòng Napoli ở vòng 16 đội. Và rồi kiên cường quật ngã Barcelona chỉ với 10 người ngay ở Camp Nou. Nhưng giờ sao? Tất cả đến đây là kết thúc à?
Đặt tay lên vai Didier, "Nhìn xung quanh đi anh bạn. Hãy nhìn xem chúng ta đang đứng ở đâu. Xin anh đừng bỏ cuộc. Vững tin lên... chỉ cần một chút niềm tin mà thôi".
Dù sao đi nữa, tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ rằng định mệnh đưa chúng tôi tới đây để lên ngôi vô địch.
Vốn dĩ tôi không phải mẫu người nói nhiều, có lẽ bởi thế nên khi được tôi động viên, Didier chẳng tài nào nhịn nổi cười.
Anh ấy nói: "OK, Juan. Tiến lên nào".
Vây quanh chúng tôi là tiếng thét của 50.000 cổ động viên Đức trên khắp các khán đài, nhưng ở dưới sân, cả tôi lẫn Didier đều hiểu rằng, điều Chelsea cần chỉ là một cơ hội duy nhất. Năm phút sau, điều ước cũng thành sự thật. Chúng tôi được hưởng một quả phạt góc. Tôi treo bóng vào trong và Didier bắt đầu tiến sát về phía khung thành. Có lẽ bạn nhớ điều gì xảy ra sau đó nhỉ?
Chắc hẳn fan Chelsea nào cũng chẳng thể quên tiếng hét của Martin Tyler [BLV bóng đá].
"Drogbaaaaaaaa! Một lần nữa Chelsea lại làm nên điều không thể tin nổi! Tin tôi đi, họ không chỉ tới đây để dự trận chung kết Champions League đâu!".
Sau khi ghi bàn gỡ hòa, tôi vẫn tin vào suy nghĩ đó. Khi tiến tới loạt luân lưu định mệnh, tôi vẫn chắc chắn là vậy. Và khi Didier tiến lên chấm phạt đền, tôi đã biết chắc anh ấy sẽ ghi bàn. Thần thái của anh ấy trước khi thực hiện cú sút đã nói lên tất cả. Giống như chúng tôi, anh ấy cũng chẳng biết nên khóc hay cười nữa, tất cả chìm trong một mớ cảm xúc hỗn độn.
Cơn điên loạn hạ dần xuống - tôi chợt nghĩ về gia đình mình. Tất cả họ đang ở kia, trong đám đông điên cuồng của buổi tối này: cha, mẹ, ông bà và những người bạn. Thực lòng mà nói tôi biết ắt hẳn mọi người sẽ đau tim với loạt penalty lắm, nhất là bà nội đáng thương của tôi.
Về sau, có người nói với tôi rằng vì sợ quá nên bà trốn biệt trong phòng tắm cho tới khi trận đấu kết thúc.
Nhìn về phía những người đồng đội đang say trong men chiến thắng, tôi chợt nhận ra đây chính là vẻ đẹp của bóng đá. Một thủ môn người Cộng hòa Séc. Một trung vệ người Serbia, còn anh kia người Brazil. Hàng tiền vệ đủ quốc tịch từ Ghana, Nigeria, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả Anh nữa. Và dĩ nhiên đâu thể thiếu chàng tiền đạo phi thường đến từ Bờ Biển Ngà được?
Từ khắp nơi trên thế giới, với đủ hoàn cảnh khác nhau và nói vô vàn ngôn ngữ khác nhau. Một số lớn lên trong bom đạn. Một vài người khác sống trong tuổi thơ thiếu đói. Nhưng tất cả đều đang đứng đây, cùng nhau bước lên đỉnh châu Âu.
Cái cách mọi người từ khắp nơi hội tụ tại đây, cùng nhau nỗ lực cho một mục đích chung đối với tôi còn ý nghĩa nhiều hơn danh hiệu này. Đó chính là sức mạnh để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Bản thân tôi là một người may mắn. Tôi sinh ra trong một gia đình tuyệt vời ở miền bắc Tây Ban Nha. Cha tôi trước kia cũng là cầu thủ bóng đá - một tiền vệ cực tinh quái. Ông thuận chân trái giống tôi nhưng dám cá rằng ông nhanh hơn tôi nhiều.
Sở thích của ông là đi bóng qua nhiều cầu thủ. Tôi nhớ những cuộn băng ghi lại các trận đấu của ông trong ngôi nhà cũ ở Oviedo. Nhìn cách ông chơi bóng, sao tôi thấy bóng đá lại vui nhộn đến vậy. Và đó cũng chính là điều tôi muốn với trái bóng tròn.
Tôi đã lớn lên như vậy đấy. Dù cha tôi từng là cựu cầu thủ nhưng chưa bao giờ ông ép tôi nối nghiệp bóng đá. Cha mẹ muốn tôi và chị gái Paula được tự do trải nghiệm cuộc sống.
Lần đầu tiên tôi ký tặng người khác lại không phải vì tôi chơi bóng giỏi, mà bởi tôi đã thể hiện xuất sắc trong một cuộc thi đố vui. Khi ấy tôi mới 13 tuổi và được chọn vào đội tuyển tham dự cuộc thi giải đố do địa phương tổ chức, nơi chúng tôi phải trả lời từ 200 - 300 câu hỏi. Cả đội giành chiến thắng và ngày hôm sau, đám nhỏ ở trường học cứ bu lấy chúng tôi để xin chữ ký.
Vài tuần sau đó, đội của tôi có chuyến du lịch tới Áo, Đức, Liechtenstein và Thụy Điển. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được đặt chân ra nước ngoài và chứng kiến đời sống của người dân các nước khác.
Ở cái tuổi đó, nó đã cho tôi thấy nhiều mặt khác nhau trong thế giới này. Dĩ nhiên, khi đó tôi còn quá nhỏ để hiểu hết mọi thứ. Nhưng tôi biết rằng, mình muốn được nhìn nhiều hơn nữa về thế giới xung quanh.
Sang tuổi 15, bóng đá đã cho tôi cơ hội mình hằng ao ước.
Kết thúc trận đấu với đội bóng địa phương của tôi, Asturias, cha đưa tôi về nhà như thường lệ, nhưng lần này là một con đường khác. Chúng tôi tiến vào bãi đỗ xe chỉ có duy nhất một chiếc xe đang đỗ ở đó. Một người đàn ông lạ mặt đang đứng chờ cha con tôi... và tôi nhận ra ông ấy. Đó là một trong những tuyển trạch viên của Real Madrid mà tôi từng thấy trong một vài trận đấu của chúng tôi.
Cha nói chuyện với ông ấy một vài phút rồi quay sang bảo rằng Real Madrid muốn ký hợp đồng với tôi. Choáng váng... Làm sao tôi có thể tin nổi chứ. Madrid? Real Madrid? Họ muốn có tôi sao?
Tôi dành vài ngày sau đó để bàn bạc cùng gia đình. Thật khó để cha mẹ đồng ý cho tôi một mình tới thành phố lớn như Madrid, nhưng cuối cùng họ nói: "Đôi khi cơ hội chẳng đến hai lần, con trai ạ".
Hôm nay, cơ hội đã đến với tôi. Nhưng tôi hiểu rằng có thể nó sẽ chẳng bao giờ tìm đến lần nữa.
Tôi cũng nói chuyện với ông nội, cổ động viên bự nhất của tôi. Ông là người đưa tôi tới sân tập và các trận đấu mỗi khi cha mẹ bận việc. Chưa bao giờ ông bỏ lỡ trận đấu nào của tôi. Ông nội bảo rằng hãy cứ nghe theo tiếng gọi trái tim bởi giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp thì lúc nào chẳng đi kèm với rủi ro.
Khi người ta nói về bóng đá, thường thì sẽ là những câu chuyện liên quan đến tiền và danh hiệu. Nhưng với những cầu thủ trẻ, bóng đá còn đem lại một vài điều khác nữa. Nó cho họ kinh nghiệm quý báu về cuộc sống bên ngoài. Và đôi khi, cuộc sống đó thực sự rất khó khăn.
Ở học viện của Madrid, tôi được dạy cách sống tự lập khỏi vòng tay gia đình. Khi bạn chỉ còn một mình, bạn sẽ có nhiều cơ hội khám phá bản thân hơn. Tôi bắt đầu hiểu những hy sinh vất vả của cha mẹ và ông bà để tôi có thể đứng đây ngày hôm nay.
Tôi nhận ra mình có trách nhiệm phải làm việc chăm chỉ và tận dụng tối đa mọi cơ hội có được để đền đáp họ. Nhưng bạn biết đấy, ở một câu lạc bộ như Madrid - nơi mà giờ đây là những Beckham, Figo, Zidane, Roberto Carlos và vô số ngôi sao khác - quá khó để tạo nên sự khác biệt.
Vậy nên mùa hè năm 2007, tôi quyết định ký hợp đồng với Valencia. Ước gì tôi có thể nói rằng quãng thời gian ở đây thật hoàn hảo, nhưng thực tế chẳng phải vậy. Tôi nhớ rằng đội bóng đã thay tới 3 huấn luyện viên trong mùa đầu tiên tôi đến đây.
Bạn tưởng tượng xem, khi đó tôi mới 19 còn xung quanh toàn những cầu thủ tầm 30 tuổi. Gia đình thực sự lo lắng cho hoàn cảnh của tôi, đặc biệt là ông nội. Ông tới xem rất nhiều trận đấu của Valencia. Khi nào không đến sân được, ông sẽ theo dõi qua TV.
Chưa bao giờ ông bỏ lỡ một trận đấu chuyên nghiệp nào của tôi. Giờ tôi vẫn nhớ như in cuộc gọi lúc nửa đêm từ ông, trong khi tôi đang chật vật với cuộc sống mới.
"Thứ bóng đá cháu chơi và sự nghiệp của cháu nữa, đó là tất cả cuộc sống của ông. Cháu chính là niềm tự hào của ông".
Cuộc gọi đó đã tác động rất nhiều tới tôi - và cái nhìn của tôi về trò chơi này. Những gì tôi đang làm trong cả sự nghiệp mình đâu chỉ vì riêng tôi. Nó dành cho tất cả chúng tôi. Tôi chơi bóng để đem lại niềm vui cho mọi người, điều đó có ý nghĩa hơn nhiều việc chỉ biết chăm chăm ghi bàn.
Ông nội tôi là hiện thân sống động cho thứ cảm xúc chân thành này. Khi đã hiểu được nó, tôi muốn giữ trọn vẹn những suy nghĩ đó tới hết cuộc đời mình.
4 năm ở Valencia giống như một "tấm bằng thạc sỹ", bởi ở đây tôi được học về vẻ đẹp của bóng đá và hiểu thêm nhiều mặt khác nhau về cuộc sống.
Quãng thời gian ở Anh với tôi lại giống như cuộc sống đằng sau cánh cửa trường đại học. Nó là chuỗi ngày tươi đẹp với hai năm liền nhận được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Chelsea cùng chức vô địch Champions League.
Nhưng đâu đó vẫn có một nốt trầm. Năm thứ ba của tôi ở London thật sự rất khó khăn. Tôi mất vị trí khỏi đội hình chính thức và bắt đầu tự đặt ra dấu hỏi về khả năng của chính mình. Nhưng chắc chắn tôi chưa bao giờ trách cứ bất kỳ ai, bởi đó không phải cách tôi trưởng thành.
Tôi trân trọng những mối quan hệ của mình. Trong thế giới bóng đá, đôi khi nó hơi chút phức tạp. Khi rời Chelsea tới Manchester United, tôi vẫn dành sự quan tâm lớn tới đội bóng cũ. Tôi muốn đảm bảo rằng họ đã nhận được một khoản phí thích hợp và tôi vẫn có thể giữ liên lạc với những người ở London.
Giờ thì tôi đã khoác lên mình màu áo Quỷ đỏ nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy hối tiếc vì quyết định đó. Luôn có những đội bóng vĩ đại trên thế giới và Manchester United chính là một điển hình.
Sớm thôi, ngay ở mùa giải thứ hai trong màu áo đỏ, tôi đã hiểu ra Manchester United có ý nghĩa thế nào. Năm đó, tôi lập một siêu phẩm xe đạp chổng ngược vào lưới Liverpool ngay trên sân Anfield, và đến giờ mọi người vẫn luôn nhắc về bàn thắng này khi nói về tôi.
Tôi sinh ra ở một thị trấn nhỏ của Tây Ban Nha, có lẽ mỗi khi tôi ghi bàn cũng có cả ngàn người chứng kiến, nhưng giờ đây, đó là tất cả khán giả ở khắp nơi từ Oviedo hay Los Angeles, Bắc Kinh hay là Melbourne. Cộng đồng fan United trải rộng khắp thế giới này, họ đã cho tôi hiểu được sức mạnh liên kết con người của môn thể thao vua.
Từng năm, từng năm một, tình yêu tôi dành cho các cổ động viên United lại ngày một nhiều hơn. Tôi thật vinh dự khi là người đem cho họ những cảm xúc thăng hoa trong trận đấu trước Liverpool. Nhưng hồi tháng hai vừa qua, chính những con người ở thành phố Manchester lại đã cứu rỗi tâm hồn tôi.
Ông nội - người chưa từng để lỡ một trận đấu chuyên nghiệp tôi góp mặt - đang lâm bệnh nặng. Khi đang ở trên xe bus sau trận thắng Saint-Etienne 1-0, tôi và ông trò chuyện qua FaceTime, giọng ông lúc này đã yếu lắm rồi.
Tôi có thể nhận ra tình trạng của ông lúc đó ra sao. Từng lời, từng lời ông nói ra, yếu ớt và chậm chạp, nhưng ông vẫn cố gắng gượng để nói với tôi một điều: "Đường kiến tạo của cháu cho Henrikh Mkhitaryan tuyệt lắm đấy".
Trong cả sự nghiệp của tôi, đó chính là đường kiến tạo đặc biệt nhất. Bởi đó cũng là lần cuối ông được nhìn thấy cháu trai mình trên sân. Vài ngày sau đó, ông đã từ biệt cõi đời.
Có những thời khắc trong cuộc đời khiến bạn nhớ chính xác mọi thứ khi nó diễn ra. Tôi vẫn in sâu những ký ức về trận đấu hôm đó, về quãng đường trên xe bus đi về nhà. Nếu có thể gặp lại ông lần nữa, ước rằng chúng tôi có thể trò chuyện cùng nhau về nó.
Ít ngày sau đó, tôi đáp chuyến bay tới Tây Ban Nha để dự lễ tang ông. Vừa đặt chân trở lại Manchester, tôi mở điện thoại lên và đập vào mắt là vô vàn lời chia buồn từ các cổ động viên United trên mạng xã hội, ước gì ngay lúc đó, tôi có thể chạy tới ôm chặt mọi người.
Chúng tôi tiếp đà chiến thắng trước Southampton, nhưng sau tất cả, tại sao tôi lại thấy trống rỗng thế này? Ông chẳng còn ở đây để chia sẻ cùng tôi niềm hân hoan thắng lợi. Một trong những điều tự hào nhất sự nghiệp tôi là việc được chia sẻ cùng gia đình mọi khoảnh khắc tuyệt vời.
Nhưng giờ đây, khi tôi khao khát được kể cho ông nghe những cảm xúc này, ông đã đi xa mất rồi.
Tôi bắt đầu nghĩ về những điều bóng đá đem đến cho tôi và những gì tôi muốn để lại sau này. Tôi biết cuộc đời mình tràn ngập những điều may mắn - nhưng đâu phải ai cũng có một gia đình như tôi. Và dù đã tham gia từ thiện nhiều lần trước đây, trong tôi vẫn rạo rực khao khát làm được nhiều hơn thế nữa. Tôi ước rằng những đứa trẻ khác cũng sẽ có nhiều cơ hội như tôi từng có.
Vậy nên từ ngày hôm nay, tôi sẽ đóng góp 1% tiền lương vào quỹ Common Goal, một quỹ từ thiện được điều hành bởi tổ chức phi lợi nhuận streetfootballworld - nơi hỗ trợ các tổ chức bóng đá trên toàn cầu. Dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng mong rằng nó sẽ góp phần thay đổi bộ mặt thế giới.
Tôi kêu gọi những cầu thủ chuyên nghiệp khác hãy cùng tôi chung tay đóng góp cho quỹ từ thiện Common Goal.
Tôi là người dẫn đầu nhưng dĩ nhiên chẳng ai muốn phải bước đi một mình.
Một trong những bài học đầu tiên tôi được dạy khi đặt chân vào thế giới bóng đá là tình đoàn kết vươn tới giấc mơ chung. Đó chính là nguyên tắc sống còn của mỗi cầu thủ trên sân, nhưng bên ngoài xã hội kia, có vẻ chân lý này vẫn còn xa rời với cuộc sống.
Khởi đầu từ đây, bóng đá có thể tạo nên những ảnh hưởng tích cực trên toàn cầu. Bóng đá có đủ sức mạnh để làm điều đó, chỉ cần chúng ta đồng lòng.
Hiện tại, tôi chỉ mong nhận được sự ủng hộ từ giới cầu thủ. Nhưng một ngày không xa, khát vọng của tôi là kêu gọi toàn ngành công nghiệp bóng đá ủng hộ 1% tổng doanh thu để xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn thông qua môn thể thao vua này.
Chỉ vừa tháng trước thôi, tôi bay tới Mumbai, Ấn Độ để tham dự một chương trình từ thiện. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc sống đói nghèo của một khu ổ chuột ngoại ô thành phố. Bạn thật sự không thể tin vào mắt mình khi lần đầu nhìn thấy những cảnh đó.
Tôi không tưởng tượng nổi những đứa trẻ kia sẽ sống sao trong điều kiện kinh khủng như vậy. Linh hồn tôi tưởng như co thắt lại.
Sau đó, chúng tôi tiến tới bắt chuyện cùng những đứa trẻ này. Tiếng Anh của chúng không tốt lắm và chắc trong số này cũng ít ai biết tôi là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng chính những trận đấu đã gắn kết tất cả với nhau. Tôi cười, chúng cũng cười. Khi tôi chạy, chúng cũng chạy theo.
Tôi cảm nhận được thứ sức mạnh vô hình đang len lỏi xung quanh. Và tôi chợt nhận ra rằng, cũng như cái cách tôi làm cuộc đời ông nội thêm ý nghĩa, những đứa trẻ tội nghiệp này đã cho tôi thấy giá trị của cuộc sống.
Vậy nên, giờ đây tôi muốn kêu gọi tất cả mọi cầu thủ hãy cùng chung tay. Chúng ta là những người may mắn bởi chúng ta đã có cơ hội được sống với giấc mơ của mình. Vì vậy, hãy cùng nhau tạo nên một thế giới để những đứa trẻ đáng thương này có thể bước ra ánh sáng và tận hưởng những điều đẹp đẽ như chúng ta đang có.
Bằng cách này, chúng ta sẽ chứng minh cho toàn bộ ngành công nghiệp bóng đá về sự thiết thực của quỹ Common Goal. Tôi tin chắc nó sẽ thành công, bởi đó là điều đúng đắn mỗi chúng ta nên làm trong đời.