Theo Decrypt, gã khổng lồ tài chính JPMorgan Chase đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho một chatbot theo chủ đề tài chính với tên gọi IndexGPT vào đầu tháng này.
Trong đơn đăng ký vào ngày 11/5 gửi tới Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ, chatbot sẽ được sử dụng cho các dịch vụ quảng cáo và tiếp thị, chỉ số giá trị chứng khoán, thông tin tài chính trực tuyến và tư vấn đầu tư.
"AI và nguyên liệu thô sẽ cung cấp dữ liệu cho IndexGPT. Chatbot này rất quan trọng đối với thành công trong tương lai của công ty", Giám đốc điều hành JPMorgan Chase - Jamie Dimon - cho biết trong một lá thư gửi các cổ đông vào tháng trước.
Dẫn đầu thị trường
Trong một cuộc khảo sát khách hàng hồi tháng Hai của JP Morgan, hơn một nửa nói rằng trí tuệ nhân tạo sẽ là công nghệ có ảnh hưởng lớn nhất trong việc định hình các giao dịch tài chính, ít nhất là trong ba năm tới.
Theo CNBC, việc ứng dụng ChatGPT và OpenAI thành công vào năm ngoái đã buộc các thị trường phải học cách tiếp cận với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo. Và hiện tại, AI đã trở thành một cuộc đua thực sự trong việc đổi mới nền tảng để phục vụ khách hàng.
JPMorgan Chase đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho một chatbot theo chủ đề tài chính có tên là IndexGPT vào đầu tháng này. Ảnh: Decrypt. |
Ngành tài chính đặc biệt quan tâm đến khả năng xử lý dữ liệu của AI. Các ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley đã bắt đầu thử nghiệm trí tuệ nhân tạo trong hệ thống nội bộ. Cách áp dụng mới dừng ở mức cơ bản khi giúp các kỹ sư tạo mã hoặc trả lời các câu hỏi thông tin mà cố vấn tài chính đưa ra.
Nhưng JPMorgan có thể là công ty tài chính đầu tiên muốn phát hành chính thức một sản phẩm tư vấn giống như cách GPT đang làm cho khách hàng trên toàn thế giới, Josh Gerben - một chuyên gia về nhãn hiệu - đánh giá.
“Đây là một dấu hiệu cho thấy, JPMorgan đang nắm một sản phẩm tiềm năng để ra mắt trong tương lai gần. Bởi một công ty như JPMorgan không chỉ đăng ký nhãn hiệu cho vui", Gerben nói thêm.
Cũng theo Gerben, JPMorgan phải ra mắt IndexGPT trong vòng 3 năm kể từ ngày được phê duyệt hồ sơ để đảm bảo tính pháp lý. Ông cho biết các nhãn hiệu thường phải mất gần 1 năm để được giới chức trách phê duyệt do nhiều hồ sơ còn tồn đọng tại Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ.
Gerben nói thêm, IndexGPT là một chương trình AI giúp chọn mã chứng khoán cho khách hàng. Điều này cho thấy JPMorgan đang cố gắng giảm tải chi phí cố vấn tài chính trong hoạt động kinh doanh của công ty.
Nỗi sợ hãi mới
Đầu tuần này, các giám đốc điều hành tại JPMorgan đã giới thiệu về những tiến bộ của họ trong việc áp dụng AI vào các hoạt động tại đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty.
Giám đốc công nghệ toàn cầu Lori Beer của JPMorgan cho biết công ty đang tìm cách tận dụng trí tuệ nhân tạo trong các hệ thống tài chính của mình.
Các cố vấn tài chính đang lo sợ AI sẽ thay thế vai trò của họ. Ảnh: CNBC. |
Cụ thể, JPMorgan đang có hơn 2.000 kỹ sư cao cấp quản lý và làm việc về dữ liệu phần mềm của ngân hàng. Họ hiện thử nghiệm công nghệ GPT vào một số trường hợp cụ thể để xem xét hiệu quả với hệ thống và khách hàng.
“Chúng tôi đã nhận ra sức mạnh và cơ hội của công cụ này mang lại khi hiệu quả nhanh và chi phí rẻ hơn. Đồng thời cam kết sẽ khám phá ra tất cả những cách áp dụng có thể mang lại giá trị cho công ty. ", Beer nói.
Lâu nay, các cố vấn tài chính vẫn lo sợ sự xuất hiện của AI sẽ thay thế vai trò của họ trên thị trường. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi đó phần lớn chưa thành hiện thực, bởi các công ty quản lý tài sản bao gồm Morgan Stanley và Bank of America's Merrill mới chỉ cung cấp các dịch vụ cố vấn tài chính tự động bằng AI rất đơn giản.
Nhưng với những động thái mới đây của JPMorgan, nỗi sợ này càng được củng cố.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế