Đấy là một cuộc chiến vương quyền thực sự giữa hai người có quyền lực lớn bậc nhất tại Old Trafford, nhưng đứng trên hai hệ giá trị hoàn toàn khác nhau, nếu không muốn nói là đối lập. Mourinho hiểu bóng đá, Ed Woodward thì ngược lại.
Hai gương mặt Ed Woodward
Ed Woodward là ai và đóng vai trò gì tại MU? Đó là một câu chuyện dài bắt đầu từ năm 2005, khi Ed Woodward đóng vai cố vấn chính trong màn thâu tóm MU của nhà Glazer. Trước đó, người đàn ông sinh năm 1971 này là một chuyên gia phân tích tài chính của JP Morgan, một trong những quỹ đầu tư uy tín nhất thế giới.
Sau chiến công thâu tóm MU ngày đó, Ed Woodward được bổ nhiệm vào ban kế hoạch tài chính của “Quỷ đỏ”. Hai năm sau, Ed Woodward nhận lấy trách nhiệm phụ trách các hoạt động thương mại và truyền thông. Trong vòng 5 năm, Ed được tin tưởng giao trách nhiệm, thương hiệu MU tăng phi mã trên thị trường.
Ed Woodward là nhân vật quan trọng trong hành trình thâu tóm MU của nhà Glazer vào năm 2005. |
Trước khi Ed Woodward phụ trách mảng này, MU chỉ thu về 48,7 triệu bảng mỗi năm. Sau 7 năm, con số MU thu về trong một năm tăng lên thành 117,6 triệu bảng. Tất cả đều do công của Ed Woodward. Cũng trong năm 2012, MU chứng kiến sự thay đổi lớn ở khâu thượng tầng khi David Gill, cánh tay phải của Sir Alex Ferguson cũng là Giám đốc điều hành của MU từ chức.
Gill như nhiều người đã biết là cặp bài trùng rất ăn ý với Sir Alex trong việc quản lý MU giai đoạn 2003-2012. Ông am hiểu thể thao, là người đề ra các ý tưởng và ủng hộ Sir Alex thực hiện chúng. Nhiều người tin rằng nếu không có Gill đứng ra đảm bảo sẽ duy trì những giá trị nguyên thủy của MU sau khi nhà Glazer thâu tóm CLB, Sir Alex sẽ không ở lại sân Old Trafford lâu đến vậy.
“David là một giám đốc điều hành tuyệt vời. Tất nhiên, chúng tôi từng có hàng nghìn cuộc tranh cãi, nhưng tôi vẫn thích chúng, bởi tôi biết David có hai phẩm chất rất tốt: ông ấy thẳng thắn và luôn đặt Manchester United lên trước”, Sir Alex Ferguson tri ân Gill khi ông từ chức.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi về chiến lược của MU sau mất mát mang tên David Gill, nhất là khi Ed Woodward được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành của CLB. Ed Woodward hoàn toàn là một chuyên gia kinh tế thay vì thể thao như David Gill. Cùng với đó là việc Sir Alex nghỉ hưu, MU buộc phải bước vào kỷ nguyên mới với sự xáo trộn lớn cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Sir Alex và David Gill là cặp bài trùng trong những năm tháng hoàng kim của "Quỷ đỏ". Ảnh: Getty Images. |
Thực tế nói rằng, Ed Woodward đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa MU trở thành thương hiệu bóng đá lớn nhất toàn cầu. Số liệu của Statisa nói rằng “Quỷ đỏ” đang là CLB sở hữu thương hiệu mạnh nhất với thế giới khi được định giá 1,895 tỷ bảng, hơn đội xếp thứ hai Real Madrid tới 300 triệu bảng.
Hãy nhớ rằng lần cuối cùng MU vô địch Premier League là năm 2013, trong khi Champions League là 2008. Trong từng đấy năm, Real Madrid vô địch Champions League 4 lần, con số tương tự với Barcelona là 3 lần. Chelsea cũng có 4 chức vô địch Premier League, 1 Champions League. Song không một ai đọ được MU về mặt giá trị thương hiệu. Công lao đó dĩ nhiên thuộc về Ed Woodward.
Song trên khía cạnh thể thao, Ed Woodward thất bại toàn tập trong việc duy trì sức mạnh của “Quỷ đỏ” so với thời Sir Alex và David Gill. MU thay 3 đời HLV sau khi Sir Alex giải nghệ, 2 trong số đó theo dạng sa thải (David Moyes và Louis Van Gaal), chi gần 800 triệu bảng nhưng vẫn không thể hình thành nên bộ khung ưng ý và liên tục vớ phải “hàng hớ” (Angel Di Maria, Radamel Falcao, Memphis Depay…)
Ed Woodward khiến MU bị ép giá rất nhiều trên thị trường chuyển nhượng |
Cầu thủ hay nhất của MU vẫn là David De Gea được mang về dưới thời Sir Alex. Antonio Valencia và Ashley Young vẫn được tin tưởng giao cho vị trí chính thức. Kiến thức nền là kinh tế khiến Ed Woodward mất phương hướng trên thị trường chuyển nhượng. Điều tối quan trọng trong vị trí vốn bị đặt nhiều trách nhiệm trong thời buổi hiện tại.
Không khó để thấy MU hoàn toàn bị ép giá trong gần như mọi vụ mua bán kể từ khi Ed Woodward lên nắm quyền. Những CLB có người thừa biết MU khờ khạo như thế nào trên thương trường. Việc của họ chỉ là hét giá thật cao, chờ phó chủ tịch MU sa vào bẫy.
Việc thiếu năng lực trong công tác điều hành thể thao nói riêng còn khiến Ed Woodward không có được tiếng nói chung với những đời HLV trưởng MU sau Sir Alex. Tới khi Mourinho ngồi vào ghế nóng, mâu thuẫn giữa hai con người có hệ giá trị rất khác nhau này nhanh chóng bùng nổ.
Tổng tiền mà MU đã chi ra sau khi Sir Alex Ferguson từ giã sự nghiệp. |
Cuộc chiến vương quyền với Mourinho
Là “dân” kinh tế, Ed Woodward hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Trong ba năm kể từ khi ngồi lên ghế huấn luyện MU, Mourinho buộc Ed Woodward phải ký hợp đồng với 9 cầu thủ mới với tổng giá trị chuyển nhượng lên tới 388,9 triệu bảng. Đổi lại, MU có được 1 Europa League, 1 League Cup và vị trí về nhì tại Premier League 2017/18.
Không cần những con số cụ thể thì cũng có thể đánh giá sơ bộ rằng khoản tiền đầu tư khổng lồ mà MU bỏ ra không thu về kết quả tương xứng. Khi đã chi quá nhiều nhưng không thu về kết quả, những nhà kinh tế thuần như Ed Woodward từ chối chi thêm, muốn người quản lý (Mourinho) thay đổi phương pháp để cho ra kết quả.
Dĩ nhiên, đó không phải cách làm phù hợp trong môi trường bóng đá đỉnh cao nói chung, nhất là tại Anh vốn cực kỳ căng thẳng. Hãy nhìn sang Man City để so sánh, Pep Guardiola trong cùng kỳ đã yêu cầu ban lãnh đạo Man City bỏ ra tới 542 triệu bảng nhằm phục vụ những ý muốn của riêng ông.
Kết quả là Man City vô địch Premier League mùa trước với điểm số kỷ lục cùng việc công phá mọi cột mốc trong lịch sử, đồng thời trình diễn thứ bóng đá mãn nhãn làm hài lòng mọi cổ động viên. Tách kinh tế khỏi thể thao, thì Man City rõ ràng đã quá thành công với những đầu tư đó.
Người chịu trách nhiệm mua người cho Man City, giám đốc thể thao Txiki Begiristain, trái ngược với Ed Woodward, hiểu rất rõ cách vận hành của bóng đá đỉnh cao khi ông vốn là cựu cầu thủ, thậm chí từng thi đấu cho Barcelona trong thập niên 90. Đó cũng là khác biệt lớn nhất tạo ra sự chênh lệch giữa MU và Man City cho tới lúc này.
Mourinho với hơn hai mươi năm gắn bó cùng bóng đá đỉnh cao trên đủ các cương vị hiểu rất việc huấn luyện viên cần phải có được sự ủng hộ như thế nào từ các quan chức cấp cao để có được thành công. Ông muốn điều đó từ Ed Woodward nhưng không thể. Lăng kính của vị phó chủ tịch MU hoàn toàn dựa vào kinh tế, trái ngược hoàn toàn so với Mourinho.
Cuộc chiến vương quyền giữa Mourinho và Ed Woodward khiến MU suy yếu. |
Đó là căn nguyên cơ bản cho tình trạng rối ren tại sân Old Trafford lúc này. Ed Woodward từ chối cấp tiền cho Mourinho mua sắm, trong khi lực lượng của “Quỷ đỏ” vẫn không trọn vẹn. Sự đồng thuận không có, MU gãy đổ là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Ed Woodward có quyền lực đủ lớn để sa thải Mourinho bất cứ khi nào ông muốn, và thực tế cũng cho thấy người đàn ông sinh năm 1971 không phải tuýp người kiên nhẫn. Ông sa thải David Moyes sau 34 trận, sa thải Van Gaal vì không thể giành vé tham dự Champions League.
HLV Mourinho đủ quyền lực để biến MU thành thảm họa mà trận thua trước Brighton là ví dụ điển hình. Ian Wright trên Talksport nói rằng có tin đồn Mourinho không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào cho các cầu thủ và chỉ xua họ vào sân thi đấu.
Chưa biết tin đồn này có tính xác thực đế đâu, song rõ ràng là MU đang có quá nhiều vấn đề ở khâu thượng tầng mà cuộc chiến vương quyền giữa Ed Woodward và Mourinho là nổi cộm hơn cả.
Chỉ tội nghiệp các CĐV MU năm này qua năm khác chờ ngày trở lại của đội bóng con cưng để rồi nhận lại chỉ toàn nỗi thất vọng.