Lắm tài nhiều tật là những gì truyền thông quốc tế nói về James Corden. Nam MC liên tục bị chỉ trích vì những lần xem thường văn hóa nước khác, có phát ngôn phân biệt chủng tộc, đặc biệt nhắm đến người châu Á.
Sự việc chê bai món trứng vịt lộn, chân gà là ghê tởm từ tháng 6 chưa lắng xuống, James Corden tiếp tục có phát ngôn không tôn trọng các thành viên nhóm BTS. Theo Los Angeles Times, người hâm mộ và các chuyên gia yêu cầu James Corden chấm dứt hành vi xúc phạm văn hóa.
James Corden gần đây có phát ngôn xem thường nhóm nhạc BTS. Ảnh: People. |
Chuỗi hành động, phát ngôn tranh cãi
Tại talk show The Late Late Show With James Corden phát sóng ngày 20/9, James Corden đề cập đến sự xuất hiện của nhóm nhạc BTS tại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Nhóm nhạc trước đó vinh dự trở thành đặc phái viên của tổng thống Hàn Quốc và hộ tống ông Moon Jae In trong chuyến thăm đến Mỹ.
Trong chương trình, James Corden giới thiệu các thành viên nhóm BTS là “những vị khách mời không bình thường trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc”. Ngoài ra, MC còn nhận xét mang tính chế giễu cộng đồng ARMY - fandom nhóm BTS.
“Đây là thời khắc mang tính lịch sử, đánh dấu lần đầu các cô gái 15 tuổi trên khắp thế giới ước mình có thể trở thành tổng thư ký António Guterres”, James Corden nói.
Theo Mydaily, sau những phát ngôn xem thường BTS, cộng đồng người hâm mộ liên tục chỉ trích chương trình lẫn MC người Anh. Một số khán giả cho rằng James Corden phủ nhận công sức của 7 ngôi sao đến từ Hàn Quốc, xem thường thần tượng người châu Á. Việc nhấn mạnh “các cô gái 15 tuổi” được xem là trò đùa mang tính xem thường phụ nữ.
Tiết mục Spill Your Guts của chương trình The Late Late Show liên tục gặp phản ứng vì xem thường đồ ăn quốc gia khác. Ảnh: Getty. |
Sau làn sóng chỉ trích, ê-kíp chương trình phải xóa bỏ nhận xét của James Corden về nhóm BTS và fandom ARMY. Tuy nhiên, mạng xã hội vẫn dấy lên cuộc tranh cãi trước phát ngôn của nam MC.
Theo SCMP, chương trình The Late Late Show trên Google bị đánh giá thấp, từ 4,2 sao xuống còn 1,2 sao. Các bài đăng chủ yếu chỉ trích phát ngôn của nam diễn viên về nhóm nhạc người Hàn Quốc.
MC tai tiếng im lặng trước những ý kiến phản đối từ khán giả.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu James Corden có phát ngôn vạ miệng. MC từng vấp phải làn sóng tẩy chay, yêu cầu ngưng xúc phạm văn hóa từ các chuyên gia lẫn khán giả.
Giữa tháng 6, diễn viên người Anh bị chỉ trích vì trò chơi mang tên Spill Your Guts trong The Late Late Show. Trong đó, khách mời được quyền lựa chọn trả lời câu hỏi đáng xấu hổ hoặc bắt buộc ăn thức ăn được MC xem là “kinh tởm, không thể ăn được”.
Điều đáng nói, những món ăn được cho là đáng sợ đều là đặc sản của nhiều nền văn hóa trên thế giới, trong đó có các nước châu Á. Món ăn đặc trưng ẩm thực của Philippines, chân gà, trứng vịt lộn của người châu Á... đều bị nam MC gọi là "món ăn khủng khiếp và thực sự kinh tởm" trong số phát sóng cùng Jimmy Kimmel.
“Trả lời câu hỏi hoặc ăn món kinh tởm” là đặc trưng trong show của Corden. Nhiều ngôi sao nổi tiếng như Cher, Kobe Bryant, Kim Kardashian, Harry Styles và Justin Bieber... từng xuất hiện trong chương trình.
Ngôi sao mạng xã hội Kim Saira là người khởi xướng phong trào yêu cầu James Corden xin lỗi, ngưng có hành vi xúc phạm văn hóa. Cô thu thập được 13.200 chữ ký trên trang Change.org, kêu gọi Corden hoặc thay đổi thể lệ, hoặc loại bỏ trò chơi khỏi chương trình. Kiến nghị cũng yêu cầu ê-kíp chương trình và James Corden đưa ra tuyên bố xin lỗi chính thức.
Trong chương trình Today, Kim Saira tiết lộ cô ngừng xem show của Corden sau khi nam MC chế nhạo món ăn truyền thống của Philippines. “Tôi rất bối rối và cảm thấy bị xúc phạm. Đây là văn hóa của tôi. Tôi không hiểu sao anh ấy lại chế giễu điều đó”, Saira nói.
Theo Los Angeles Times, sau vụ việc James Corden, các nhà phê bình văn hóa vào cuộc và yêu cầu chương trình nên tôn trọng người châu Á, đặc biệt giữa lúc bạo lực chống người gốc Á diễn ra gay gắt trên đất Mỹ.
Theo New York Post, James Corden sau đó phải lên tiếng xin lỗi. Trong chương trình The Howard Stern Show, nam MC cho rằng anh luân phiên thay đổi các món ăn trong thực đơn, không cố ý chế nhạo văn hóa nước nào.
“Chúng tôi lắng nghe và tuyệt đối không sử dụng lại món ăn gây tranh cãi. Chương trình muốn mang lại niềm vui và không làm ai phiền lòng”, Corden nói. Lời xin lỗi của James Corden sau đó bị chỉ trích không thành thật. Saira nói cô thất vọng vì cách phản hồi của Corden, giống kiểu "xin lỗi cho có".
Người đàn ông có mặt khắp mọi nơi
Trong bài viết Tại sao người đàn ông này có mặt ở khắp mọi nơi?, tạp chí Mama Mia cho rằng James Corden xuất hiện hầu hết ở lễ trao giải lớn, chương trình uy tín.
Cuối những năm 1990, James Corden có mặt trong phần lớn các quảng cáo ở Anh. Corden sau đó bén duyên diễn xuất vào đầu những năm 2000, sau khi trở thành khách mời của series Little Britain nổi tiếng. Nam diễn viên đóng chính trong bộ phim truyền hình Fat Friend (2000-2005).
James Corden tại sự kiện BAFTAs 2008. Ảnh: Getty. |
Năm 2007, nam diễn viên có bước đột phá trong sự nghiệp. Anh đóng vai chính, đồng thời là đồng tác giả trong Gavin & Stacey. Sitcom giúp nam diễn viên giành được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có BAFTA.
Trong cuộc phỏng vấn với New Yorker, James Corden thừa nhận bản thân là người háo thắng trong suốt sự nghiệp. “Tôi cư xử như một đứa trẻ. Đôi lúc tôi không nghĩ đó là mình”, ngôi sao người Anh nói.
Theo Mama Mia, sự nghiệp của James Corden gắn với những bài phản ánh về thái độ “tồi tệ”. Nam diễn viên không ngại va chạm người nổi tiếng, có lần dùng từ ngữ dung tục khi trò chuyện với tài tử Patrick Stewart tại lễ trao giải Glamour.
Song, mặc những hành vi bị chỉ trích thô lỗ, James Corden có vị trí nhất định ở Hollywood. Nam diễn viên vẫn được mời vào những bộ phim có kinh phí lớn vì danh tiếng sẵn có. Tuy nhiên, diễn xuất của Corden gần đây thường xuyên gây tranh cãi.
Hai bộ phim hoạt hình có sự góp giọng của Corden là The Emoji Movie và Peter Rabbit thường xuyên bị mang ra bàn tán. Trong khi Emoji Movie nhận cơn mưa lời chê, vai diễn của Corden trong Peter Rabbit bị một nhà phê bình nhận xét là gây khó chịu, ức chế.
Ba vai diễn gần đây của James Corden là Bustopher Jones trong Cats, Barry Glickman trong The Prom và James phiên bản làm lại Cinderella.
Về Cats, phim bị nhận xét là thảm họa vì thất bại từ doanh thu cho đến ý kiến của giới phê bình. Tác phẩm chỉ nhận được 2,7/10 điểm trên iMDb. Trong khi đó, The Prom, bộ phim nhạc kịch của Netflix bị chỉ trích khi mời diễn viên nhiều tranh cãi như James Corden đóng vai chính.
Trong The Prom, James Corden đóng vai diễn viên nhạc kịch Barry Gluckman. Việc chọn MC tai tiếng đóng vai nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQ+ bị đánh giá không phù hợp. Ngoài ra, màn trình diễn làm lố hành động nữ tính đã tăng thêm định kiến về người đồng tính.
Nhà phê bình Samuel Spencer của Newsweek nhận xét: “Rất ít diễn viên dị tính thể hiện được nhân vật đồng tính. Đây là vai diễn mang nặng tính rập khuôn từ thập niên 1980 và rất phản cảm”.
James Corden được đề cử hạng mục Diễn viên xuất sắc trong nhạc kịch hoặc phim hài tại Quả cầu Vàng 2020. Ảnh: Elite Daily. |
Richard Lawson của Vanity Fair gọi đây là bộ phim mang tính xúc phạm. Không nên có diễn viên dị tính nào đóng vai đồng tính cho đến khi “tội lỗi của The Prom được chuộc một cách xứng đáng”.
Bất chấp lời chê từ giới phê bình, James Corden vẫn nhận một đề cử tại Quả cầu Vàng 2020. Trong năm nay, James Corden trở lại với Cinderella. Nam diễn viên lồng tiếng cho vai chuột tiên.
Câu hỏi Mama Mia đặt ra là, lý do gì Hollywood không từ bỏ James Corden sau những gì diễn ra? Câu trả lời thỏa đáng nhất là thành - bại đều đến từ chương trình đêm khuya The Late Late Show with James Corden.
Mặc tranh cãi, chương trình trò chuyện đêm khuya thành lập từ năm 2015 mang lại doanh thu lớn cho đài truyền hình. Dưới góc độ kinh doanh, James Corden là cái tên hái ra tiền. Những tranh cãi chỉ làm giàu cho James Corden, nhà sản xuất và giúp nam diễn viên giữ vững vị trí MC đắt giá tại Hollywood.