Ant Group đang đứng trước tương lai trở thành công ty tài chính bình thường như mọi ngân hàng trên khắp Trung Quốc. Sau khi đợt chào bán cổ phiếu bị hoãn ngay phút cuối, tập đoàn đã đạt được thỏa thuận với chính phủ nước này về kế hoạch tái cơ cấu hoạt động.
Theo Bloomberg, Ant Group sẽ trở thành công ty cổ phần tài chính chịu giám sát của ngân hàng trung ương với nhiều quy định khắt khe. Động thái này của giới chức Trung Quốc cũng dập tắt luôn hy vọng thống trị giới công nghệ nội địa của Ant Group.
Ant Group có cón giữ được sự năng động sau khi chịu giám sát của ngân hàng trung ương? Ảnh: SCMP. |
Thế nào là một ngân hàng?
Ví thanh toán điện tử Alipay là sản phẩm thành công nhất của tập đoàn với hơn 700 triệu người dùng hàng tháng. Công ty cũng cung cấp các dịch vụ tài chính khác như đầu tư, bảo hiểm và cho vay, mở rộng đế chế của Jack Ma với giá trị khoảng 635 tỷ USD.
Theo CNN, sau 10 năm thoải mái hoạt động, công ty mẹ của Alipay với quyền kiểm soát hơn nửa thị trường thanh toán di động Trung Quốc đã bị giới chức đưa vào tầm ngắm.
“Chính phủ Trung Quốc đang chỉnh đốn mạnh tay với các ứng dụng thanh toán di động. Họ không muốn giết chết hẳn các công ty này. Song giai đoạn phát triển tự do, cũng như hy vọng thay thế ngân hàng truyền thống đã hết", Doug Fuller, Phó giáo sư tại Đại học Hong Kong cho biết.
Cuộc đàn áp giới công nghệ của chính quyền Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Không chỉ hoãn đợt IPO trị giá hàng chục tỷ USD của Ant Group và điều tra chống độc quyền Alibaba, giám đốc Tencent và Pinduoduo cũng bị thẩm vấn, nhiều quy định mới đã được bổ sung.
Tháng 9 năm ngoái, theo quy tắc mới được điều chỉnh thuộc Hiệp ước Basel, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc yêu cầu công ty cổ phần tài chính phải có vốn cân xứng với số tài sản đang sở hữu. Nếu Ant Group trở thành công ty tài chính, tập đoàn này phải tăng lượng tiền mặt dự trữ hoặc cắt giảm quy mô kinh doanh.
Ví thanh toán điện tử Alipay là sản phẩm thành công nhất của Ant Group với hơn 700 triệu người dùng hàng tháng. Ảnh: CNN. |
Ji Shaofeng, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Công nghiệp, Tín dụng Vi mô và Nhỏ (China Small and Micro Credit Industry Research Association) cho rằng Ant Group sẽ kém linh hoạt và sáng tạo hơn sau khi tái cấu trúc. Ông cũng cho rằng lượng dữ liệu người dùng khổng lồ mà Ant Group thu thập được giờ đây có thể đã nằm trong tầm ngắm các nhà quản lý.
“Đối với một công ty công nghệ cần liên tục đổi mới, những quy định như vậy sẽ tạo ra áp lực cực kỳ lớn”, Ji Shaofeng đánh giá.
Jack Ma đã lo ngại điều này từ trước. Ông chỉ trích cơ quan quản lý kìm hãm sự đổi mới phát triển của các doanh nghiệp non trẻ trong một diễn đàn tài chính diễn ra tháng 10/2020 tại Thượng Hải. “Hiệp ước Basel giống câu lạc bộ cho người cao tuổi”, ông nói.
Nhiều tờ báo lớn cho rằng nhà sáng lập Alibaba đã làm phật ý chính phủ khi tỏ ra quá gay gắt trước các quy định giới cầm quyền đặt ra. Đó cũng là lần phát biểu cuối cùng trước công chúng của Jack Ma, sau đó IPO của Ant Group bị hủy bỏ.
Khi đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải mập mờ cho biết đợt niêm yết bị hủy do không đáp ứng các yêu cầu cơ bản. Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá động thái của chính phủ nhằm khẳng định lại quyền lực của mình.
Lo ngại gia tăng
Alex Capri, nhà nghiên cứu Quỹ Hinrich cho rằng mối quan tâm chính của nhà nước Trung Quốc vẫn là duy trì quyền kiểm soát kinh tế. “Sự phát triển nhanh chóng của những gã khổng lồ công nghệ làm giảm ảnh hưởng từ các ngân hàng quốc doanh và tổ chức tài chính, dẫn đến suy giảm quyền lực nhà nước”, ông Alex nhận định.
Bên cạnh đó, nó còn là lo ngại tác động từ những công ty này đến nền kinh tế. Từ lâu, các nhà chức trách vẫn cảnh giác ảnh hưởng của các công ty công nghệ có thể gây rủi ro cho cấu trúc tài chính. Nếu bất cứ ông lớn công nghệ nào sa chân, nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ bị tàn phá.
Capri cho rằng quyết định siết chặt của chính phủ còn nhằm buộc các công ty phải hỗ trợ nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, mạng lưới Internet vạn vật và ra mắt đồng nhân dân tệ điện tử.
Dù Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ công ty nhà nước hơn các doanh nghiệp như Alibaba, giới phân tích đánh giá khu vực quốc doanh có năng suất hoạt động và đổi mới không hiệu quả như tư nhân.
Thẳng thừng chỉ trích các quy định nhà nước khiến Jack Ma nhận phải đòn đau. Ảnh: Bloomberg. |
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia quan sát kinh tế Trung Quốc cho rằng việc tăng cường quản lý do lo ngại rủi ro tài chính và khả năng độc quyền của các công ty công nghệ lớn. Tuy nhiên, Julian nhận định giới chức nước này đã đi quá xa.
“Việc này có khả năng gây suy yếu động lực tăng trưởng kinh tế gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ”, ông nói thêm.
Theo dự đoán của Martin Chorzempa, chuyên gia tài chính tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chính quyền đất nước tỷ dân sẽ cẩn thận để không giết hẳn những công ty này. "Các 'siêu ứng dụng' rất quan trọng đối với hệ sinh thái đổi mới của Trung Quốc. Nó còn được kỳ vọng sẽ đạt vị thế cao trên trường quốc tế", ông nhận định.
Doug Fuller, Phó giáo sư tại Đại học Hong Kong cũng chung ý kiến. Ông cho rằng nếu Trung Quốc muốn cạnh tranh với phương Tây, quốc gia này cần theo đuổi chính sách công nghiệp và công nghệ hiệu quả hơn. "Họ buộc phải chọn giữa hai mục tiêu, thúc đẩy sự đổi mới hoặc can thiệp sâu hơn vào thị trường tự do", Fuller nói.