Khoảnh khắc Ivan Rakitic bước tới chấm luân lưu để đối mặt với Kasper Schemeichel trong trận chiến với Đan Mạch ở vòng 1/8, tiền vệ người Croatia đã nghĩ gì?
Về bóng ma tại Vienna năm 2008, khi Croatia bị Thổ Nhĩ Kỳ loại sau loạt penalty mà Rakitic nằm trong số những người sút hỏng? Hay về vóc dáng lừng lững của Kasper Schemeichel - người đang chơi trận đấu hay bậc nhất sự nghiệp và đã cản phá thành công ba quả 11m chỉ trong trận đấu giữa Croatia và Đan Mạch?
Theo những gì Rakitic chia sẻ trên tờ The Telegraph, đó là lúc anh nghĩ về... vợ mình: “Tôi có dự cảm tốt về trận đấu. Vợ tôi đã nhắn nhủ tôi rằng: “Trận đấu sẽ kéo dài tới loạt luân lưu và anh sẽ là người ấn định chiến thắng”.
Đó quả thực là những gì đã diễn ra. Để hiểu hơn về Rakitic, không thể không kể về người vợ Raquel Mauri và gia đình của anh. Với Rakitic, chinh phục được nàng Raquel “còn khó hơn cả giành Champions League, với thời gian lâu tương đương”.
Đó là lời nói của một cầu thủ từng góp công lớn trong cú ăn ba của Barcelona mùa giải 2014-15 và trực tiếp ghi bàn mở tỉ số trong trận chung kết Champions League với Juventus.
Hành trình chinh phục nàng Raquel bắt đầu từ năm 2011, khi anh tới Tây Ban Nha để đặt bút ký hợp đồng với Sevilla. Bốn năm khoác áo Schalke chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Rakitic - người vốn được biết tới với tư cách một tiền vệ kiến thiết.
Theo trang chủ Bundesliga, huấn luyện viên khó tính Felix Magath là người đã “nhìn ra phẩm chất phòng ngự ở Rakitic mà không ai nhìn ra”. Trong sơ đồ 4-2-2-2 của Magath, Rakitic được xếp chơi thấp ở tuyến giữa và hoạt động như một tiền vệ con thoi.
Khi dâng lên, Rakitic trở thành trung tâm của hàng tấn công gồm năm người. Tại vị trí này, anh đã ghi tới 6 bàn thắng và tự thừa nhận vào năm 2010: “Vị trí này phù hợp với tôi. Đây là vị trí đặc biệt quan trọng bởi người đảm đương phải lo cả nhiệm vụ phòng ngự lẫn tấn công”.
Chỉ sau nửa đầu mùa giải 2010-11, Sevilla đã quyết định chiêu mộ Rakitic với mức giá chỉ 2,5 triệu euro. Ngày Rakitic đặt chân tới Seville cũng là ngày mà anh lần đầu gặp người vợ tương lai. Do cảm thấy căng thẳng trước cuộc kiểm tra y tế, Rakitic rủ người anh trai Dejan ra ngoài “uống chút đỉnh”.
Phần còn lại của câu chuyện diễn ra như một cảnh trong loạt phim How I Met Your Mother. Rakitic bắt gặp một bóng hồng tại quầy bar khách sạn và quay sang bảo anh trai: “Anh thấy cô phục vụ kia không? Em sẽ chơi bóng cho Sevilla và cưới nàng làm vợ”.
Theo chia sẻ của Rakitic với tờ The Player’s Tribune, ông anh Dejan đã bật cười và nghĩ em mình đang bông đùa. Nhưng Rakitic thực sự thể hiện sự quyết tâm chinh phục người đẹp khi... ở lì khách sạn 3 tháng liền sau khi ký hợp đồng với Sevillas.
Anh kể: “Mỗi sáng tôi đều xuống quầy bar để tìm nàng. Nếu không thấy nàng thì tôi sẽ bỏ đi luôn. Những ngày thấy nàng là những ngày tuyệt vời nhất. Ban đầu, tôi không biết một chữ Tây Ban Nha bẻ đôi, dù có thể nói trôi chảy tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Italy, tiếng Pháp và tiếng mẹ đẻ.”
Sau hơn... 30 lần mời đi chơi bất thành, cuối cùng Rakitic cũng tiếp cận được nàng Raquel. Đó là bước ngoặt cuộc đời cũng như sự nghiệp của Rakitic, như chính anh bộc bạch: “Tôi không nghĩ mọi người thực sự hiểu các cầu thủ chịu nhiều ảnh hưởng thế nào từ những người quanh họ. Khi được phỏng vấn, các phóng viên luôn hỏi huấn luyện viên về chiến thuật hay các buổi tập. Hầu như chẳng ai hỏi về những gì bên ngoài sân cỏ cả".
"Đối với tôi, những gì bên ngoài sân cũng quan trọng chẳng kém trong sân. Trong vòng sáu năm, tôi đã di chuyển từ Thụy Sỹ tới Đức và rồi Tây Ban Nha. Đó là một quãng thời gian áp lực kèm theo sự cô đơn. Tại Basel và Schalke, tôi đã là một cầu thủ khá cừ nhưng luôn cảm thấy mình thiếu đi một cái gì đó”.
“Khi tôi gặp vợ mình, cuối cùng tôi đã cảm nhận được ý nghĩa của cuộc đời và thấy mình có động lực để chiến đấu. Sự nghiệp của tôi được nâng tầm kể từ đó. Năm 2013, tôi trở thành đội trưởng ngoại quốc đầu tiên của đội bóng kể từ Maradona".
"Đó là một vinh dự đặc biệt với tôi, nhất là khi Sevilla mang ý nghĩa rất lớn với ông của vợ tôi. Ông là một fan nhiệt thành của Sevilla và từng quyết mang chiếc đồng hồ mang logo đội bóng theo mình xuống mồ”.
Sự động viên và niềm tin của người vợ mà Rakitic vô cùng yêu thương đã chắp cánh giúp anh thăng hoa trong sự nghiệp cũng như vững bước khi đối mặt với Kasper Schemeichel.
Anh tâm sự với tờ The Telegraph: “Trong khoảnh khắc đó, mỗi giây dài tựa một giờ, do vậy bạn có rất nhiều thời gian để nghĩ về những gì sẽ xảy ra. Sáng hôm đó, tôi đã dành cả buổi để xem các video về Schmeichel và xem các động tác, cách anh ấy phản xạ trước những quả đá phạt trực tiếp và phạt đền. Tôi cũng trò chuyện với Andrej Kramaric - người từng là đồng đội của Schmeichel tại Leicester - để tìm hiểu thêm về anh ta. Vậy nên tôi cũng khá tự tin”
“Trước khi đá quả quyết định, Domagoi Vida bảo với tôi: ‘Tôi xin cậu, làm ơn sút vào được không?’”. Vậy nên tôi phải quên đi rằng đối thủ của mình đã chặn đứng ba quả phạt đền. Khoảnh khắc ấy, tôi chỉ tập trung vào vợ và các con gái.”
Gia đình có ảnh hưởng quan trọng tới Ivan Rakitic - đứa con lưu lạc của Croatia. Anh là đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại Thụy Sỹ, sau khi bố mẹ anh quyết định rời bỏ quê hương trước khi cuộc chiến tranh Nam Tư nổ ra. Hình ảnh đất nước Croatia đến với Rakitic qua lời kể của bố mẹ và những hình ảnh trên truyền hình.
World Cup 1998 là bước ngoặt lớn của dân tộc Croatia, khi đất nước này lần đầu tham gia giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh kể từ khi độc lập. Xuyên suốt giải đấu, hai anh em Rakitic mặc những chiếc áo đội tuyển Croatia và không muốn cởi ra, kể cả khi tới trường.
Đó cũng là giải đấu khiến Rakitic thần tượng tiền vệ Robert Prosinecki. Những Prosinecki, Davor Suker, Zvonimir Boban, Aljosa Asanovic, Mario Stanic... đã làm nên lịch sử khi giúp đội tuyển Croatia đoạt giải ba ngay lần đầu tham dự giải. Trận đấu nổi bật nhất chiến dịch ấy là khi Croatia đánh bại Đức 3-0 tại tứ kết.
Rakitic mới chỉ 10 tuổi khi France 98 diễn ra nhưng vẫn nhớ như in cảm giác tự hào. “Bạn có thể hỏi bất kỳ người Croatia nào và họ đều sẽ nhớ tới trận tứ kết với Đức. Làm sao mà quên được cơ chứ?"
"Chúng tôi chỉ được FIFA chính thức công nhận vào năm 1992 và sáu năm sau, chúng tôi đã được đá tứ kết World Cup với Đức ngay trong lần đầu dự giải! Cha tôi như muốn phát điên. Tôi nghĩ cả đời này, tôi chưa từng gặp ai cuồng say bóng đá như cha mình. Và ấy là tôi còn đang chơi bóng cho Barcelona cơ đấy!”
“Cha tôi từng chơi bóng thời trẻ ở vị trí tiền vệ phòng ngự và khoác áo số 4. Khi phải tới Thụy Sỹ tha hương, ông phải từ bỏ nghiệp quần đùi áo số để làm nghề xây dựng. Vậy nên khi Croatia đánh bại Đức, ông hạnh phúc khôn nguôi. Nhiều khi tôi nghĩ rằng mình đang thực hiện giấc mơ không chỉ của mình, mà cả của cha mình nữa".
"Cha tôi từng chơi bóng ở đẳng cấp cao ở Bosnia trước khi quyết định chuyển tới Thụy Sỹ. Và khi ông buộc phải treo giày, ông sẵn sàng làm mọi thứ để tới sân xem tôi chơi bóng. Bóng đá và Croatia có ý nghĩa rất lớn với ông ấy.”
Rakitic tin rằng, thế hệ năm 1998 đã viết nên một chương kỳ vĩ trong lịch sử nước nhà. “Mọi thứ thật đặc biệt, không chỉ bởi kết quả mà còn vì cách họ đã chơi bóng, cách họ cho thế giới thấy họ xuất sắc như thế nào, cách họ chiến đấu vì danh dự Croatia".
"Sự đặc biệt khi tham gia World Cup lần đầu và làm nên lịch sử là thứ không bao giờ có thể tái hiện. Kể cả khi chúng tôi đoạt cúp năm nay thì mọi thứ cũng không thể sánh bằng. Đối với cả dân tộc Croatia, đó là một giải đấu đặc biệt sau khi thoát khỏi chiến tranh.”
Khi phải chọn lựa giữa nơi mình sinh ra và lớn lên với quê hương của cả gia đình, Ivan Rakitic đã đi theo tiếng gọi con tim. Anh là một trường hợp đặc biệt khi từng khoác áo các cấp đội tuyển từ U17 tới U21 của Thụy Sỹ, nhưng cuối cùng lại chọn đội tuyển quốc gia Croatia để phụng sự sau khi được Slaven Bilic thuyết phục.
Những ký ức khó quên tại giải đấu trên đất Pháp đã ảnh hưởng lớn tới lựa chọn của Rakitic. “Khoác áo đội tuyển đồng nghĩa với việc bạn đặt trên vai một sức ép lớn, nhưng đó là sức ép tích cực. Bạn khao khát chứng tỏ cho thế giới thấy Croatia có thể làm gì. Bạn muốn tiếp nối di sản của những người hùng như Bilic hay Suker”, anh cho biết.
Người hùng Prosinecki của Rakitic từng tới Tây Ban Nha và chơi bóng cho Barcelona, Real Madrid và Sevilla. Đó là một phần lý do khiến anh chuyển tới xứ sở đấu bò tót và khoác áo hai trong số ba câu lạc bộ thần tượng mình từng chơi. Năm 2014, Rakitic chính thức tới với sân Camp Nou. Mùa bóng anh chuyển tới cũng là mùa giải cuối cùng của Xavi Hernandez tại Camp Nou, như một sự chuyển giao đặc biệt.
Tại Barcelona, vai trò của Rakitic đặc biệt quan trọng, như trong mùa giải vừa kết thúc. Rakitic chơi 56 trận (nhiều nhất đội) và đóng góp năm bàn thắng cùng sáu pha kiến tạo.
Theo trang Whoscored, số pha tắc bóng thành công trung bình của Rakitic là 1,5; cùng với 0,9 đường chuyền tạo cơ hội mỗi trận. Các con số thậm chí còn không nói lên hết sự xuất chúng của Rakitic, khi anh thường xuyên có những pha di chuyển thông minh để bọc lót cho hàng phòng ngự cũng như tạo khoảng trống khi tham gia tấn công.
Barcelona là nơi mà anh “được chơi với những cầu thủ tấn công hay nhất thế giới”. Rakitic viết trên tờ The Player’s Tribune: “Với tư cách một fan của bóng đá, được chơi bóng với Lionel Messi mỗi ngày là một niềm hạnh phúc".
"Nhưng không chỉ anh ấy mà còn nhiều người khác, từ Neymar và Xavi Hernandez trước đây cho tới Luis Suarez, Andres Iniesta hay Gerard Pique. Barcelona mà bạn xem trên TV là một chuyện, đối đầu với họ và rồi trực tiếp chơi cho họ lại là những chuyện khác. Nếu bạn không mê thứ bóng đá ở Barcelona thì bạn không phải là người mê bóng đá.”
Tại World Cup 2018, niềm vui chơi bóng vẫn được tiếp tục ở Rakitic, trong khi người đồng đội xuất chúng của anh tại Barcelona là Messi lại ở tình cảnh trái ngược. Trận đấu thất vọng nhất của Messi diễn ra tại vòng bảng, khi Croatia đè bẹp Argentina 3-0. Rakitic là người ấn định tỉ số ở những phút bù giờ và quyết định chỉ nhắn tin thay vì nói chuyện với Messi sau trận đấu.
Anh tâm sự trên tờ The Telegraph: “Nếu ở tình cảnh của Messi, tôi sẽ chẳng muốn nói chuyện với ai nên tôi quyết định nhắn tin cho cậu ấy. Với sự tôn trọng dành cho những đội khác, tôi tin rằng Croatia đã có trận đấu hay nhất tại kỳ World Cup. Sau bàn thắng đầu tiên, chúng tôi có cảm giác muốn tiếp tục chơi hay nữa và tôi tin rằng ai cũng cảm thấy mình không thể thua được. Chúng tôi còn không muốn trận đấu kết thúc.”
Thế hệ của Rakitic, Luka Modric, Marcelo Brozovic, Mateo Kovacic và Mario Mandzukic đang trên con đường tái hiện thành công của các đàn anh năm 1998. Tại tứ kết, họ sẽ phải đương đầu với đội chủ nhà Nga. Với Rakitic, thế hệ 1998 của Croatia là “những người hùng của thế hệ này, thế hệ sau và cả 10 thế hệ nữa”.
Nhưng giờ đã tới lúc anh cùng những đồng đội viết nên trang sử cho riêng mình tại World Cup 2018. Để hàng chục năm sau, sẽ có những bài viết của một ngôi sao Croatia kể về ký ức bóng đá đầu đời: “Giải đấu World Cup đầu tiên mà tôi nhớ rõ là tại Nga. Ivan Rakitic đã tỏa sáng rực rỡ năm đó và trở thành nguồn cảm hứng giúp tôi trở thành cầu thủ bóng đá”.