Mùa hè ở Italy đã đến và băng trên các dãy núi cao đang được bảo vệ khỏi sự nóng lên toàn cầu.
Ở miền Bắc Italy, sông băng Presena đã mất hơn một phần ba khối lượng kể từ năm 1993, theo Guardian.
Khi mùa trượt tuyết kết thúc và cáp treo ngừng hoạt động, các nhà bảo tồn phải chạy đua trong việc ngăn chặn băng tan chảy bằng cách sử dụng các tấm bạt trắng phủ lên để chặn các tia nắng Mặt Trời.
“Khu vực này liên tục bị thu hẹp, vì vậy chúng tôi phải phủ bạt hết mức có thể”, ông Davide Panizza, 34 tuổi, người đứng đầu công ty Carosello-Tonale thực hiện công việc phủ bạt, nói.
Từ khoảng 30.000 m2 diện tích được bao phủ vào năm 2008 khi dự án bắt đầu, nhóm của ông Panizza đang thực hiện bao phủ 100.000 mét vuông băng.
Công nhân phủ bạt lên sông băng Presena ở Italy. Ảnh: AFP. |
Lớp phủ là những tấm “vải địa kỹ thuật, phản xạ ánh sáng mặt trời, giúp duy trì nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bên ngoài và bảo tồn được số băng”, ông nói với AFP.
Trên ranh giới giữa các khu vực Lombardy và Trentino Alto Adige, các công nhân tháo các cuộn vải và trải ra trên một khu vực ở độ cao 2700-3000m.
Họ đi xuống núi để kéo căng các tấm phủ và khâu chúng lại với nhau để đảm bảo không khí ấm không len vào phía dưới. Họ cũng đặt bao cát lên để ngăn những tấm bạt bị gió thổi bay.
Khi đã được đặt vào vị trí hẳn hoi, hầu như không thể phân biệt được các tấm bạt có kích thước 70 m x 5 m này với nền tuyết bên dưới.
“Trên một vài sông băng của Áo cũng có hệ thống che phủ tương tự ở Italy, nhưng diện tích bề mặt được phủ bạt nhỏ hơn nhiều”, theo ông Panizza.
Các tấm bạt do Áo sản xuất có giá lên tới 400 euro (450 USD) mỗi chiếc và các công nhân phải mất sáu tuần để trải chúng ra. Họ cũng mất sáu tuần nữa để thu dọn chúng trước khi mùa đông bắt đầu.
Ông Franco Del Pero, 48 tuổi, lãnh đạo của dự án cho biết những cải tiến công nghệ giúp các tấm bạt bảo vệ băng tốt hơn các phiên bản trước đó.
“Khi gỡ chúng ra vào tháng 9 và chúng tôi thấy những tấm bạt này có tác dụng, chúng tôi cảm thấy tự hào”, ông Pero nói.