Giữa lúc Thủ tướng Giuseppe Conte cố gắng duy trì trật tự và đoàn kết xã hội trong cuộc phong tỏa toàn quốc đã được gia hạn đến giữa tháng 4, miền Nam Italy đang biến thành một thùng thuốc súng.
Cảnh sát đã được triển khai trên đường phố Palermo, thủ phủ vùng Sicily, giữa lúc có thông tin về việc các băng đảng đang dùng mạng xã hội để kêu gọi tấn công các cửa hàng. Một công ty vận hành phà bị phá sản đã dừng tuyến đi đến hòn đảo này, bao gồm các chuyến phà cung cấp thực phẩm và thuốc men quan trọng.
Trong lúc đất nước Địa Trung Hải đang căng mình chống chọi trước dịch bệnh, các quan chức lo ngại giới mafia có thể sắp sửa can dự, theo Bloomberg.
Hành khách được kiểm tra y tế tại bến phà thành phố Messina, Sicily. Ảnh: Reuters. |
"Sự quẫn bách có thể biến thành bạo lực"
Bộ trưởng Y tế Italy, Roberto Speranza, hôm 30/3 nói việc phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài "ít nhất là cho đến lễ Phục Sinh" (12/4), dù có một số dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đã giảm tốc.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết số ca dương tính hiện tại, không tính số người đã tử vong hoặc đã xuất viện, đã tăng lên đến 75.528, thêm 1.648 ca - mức tăng theo ngày thấp nhất kể từ ngày 10/3. Tuy nhiên, tổng số ca nhiễm, bao gồm các ca tử vong và hồi phục, đã lên đến 101.739, trong đó số người chết tăng thêm 812, lên đến 11.591 - nhiều nhất trên thế giới.
Theo các quan chức Italy đề nghị giấu tên, việc ngăn chặn tình trạng bất ổn ở khu vực được gọi là Mezzogiorno, vùng kém phát triển ở phía nam từ lâu đã tụt hậu hơn so với các vùng giàu có ở phía bắc, đã trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Cùng với việc Italy - nước đang gánh khoản nợ công nguy hiểm nhất trong Liên minh châu Âu (EU) - chiến đấu với người Đức về các thỏa thuận hỗ trợ tài chính mà họ cần, hệ lụy có thể tác động đến những nơi rất xa Rome nếu ông Conte thất bại.
"Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng, hơn cả nhanh chóng", Thị trưởng thành phố Palermo, Leoluca Orlando, nói với báo La Stampa. "Sự quẫn bách có thể biến thành bạo lực".
Cảnh sát đã được triển khai bên ngoài các siêu thị ở Palermo sau khi ít nhất một nhóm cư dân giận dữ không trả tiền mua hàng.
"Chúng tôi không có tiền để trả, chúng tôi phải ăn", một người được cho là đã hét lên như vậy với nhân viên thu ngân, theo báo La Repubblica.
Cảnh sát được triển khai tại Palermo, Sicily. Ảnh: AFP. |
Tại các thị trấn khác ở Sicily, các chủ cửa hàng nhỏ vẫn được phép mở cửa đang bị cư dân địa phương gây áp lực cho họ thực phẩm miễn phí, theo báo Il Corriere della Sera.
Tờ báo nói đang có một "quả bom hẹn giờ trong xã hội" tại vùng này, nơi có dân số 5 triệu người và đã ghi nhận chính thức 57 ca tử vong vì dịch bệnh.
National Revolution, nhóm kín trên Facebook với khoảng 2.600 thành viên, đang thúc giục những người khác thực hiện các cuộc tấn công như ở siêu thị Palermo, theo La Repubblica. Các nền tảng mạng xã hội khác, bao gồm WhatsApp, đang được theo dõi.
"Tôi lo ngại rằng sự lo lắng của đa số người dân - về sức khỏe, thu nhập, tương lai - sẽ biến thành nỗi tức giận và căm hận nếu cuộc khủng hoảng này tiếp diễn", ông Giuseppe Provenzano, người phụ trách miền Nam trong nội các của Thủ tướng Conte, bình luận.
Trong bối cảnh đó, công ty phà Tirrenia CIN hôm 30/3 quyết định tạm dừng mọi chuyến đi đến Sicily, Sardinia và các đảo nhỏ khác vì khó khăn tài chính. Chính phủ tuyên bố sẽ đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẽ được cung cấp.
Người dân xếp hàng chờ vào siêu thị tại Catania, Sicily, hôm 23/3. Ảnh: Reuters. |
Bờ vực sụp đổ
Thủ tướng Conte đang nghiên cứu gói kích thích kinh tế mới trị giá ít nhất 30 tỷ euro (33 tỷ USD), sau gói giải ngân 25 tỷ euro ban đầu, các quan chức cho biết, theo Bloomberg.
Trong khoản hỗ trợ mà ông đã công bố, ông Conte đang cố gắng chuyển tiền vào miền Nam. Cuối tuần qua, ông đã nhận được 4,3 tỷ euro từ một quỹ đoàn kết cho các đô thị và thêm 400 triệu euro cho các thị trưởng, số tiền có thể được chuyển đổi thành phiếu giảm giá tại cửa hàng tạp hóa.
"Không ai sẽ bị bỏ lại phía sau", thủ tướng Italy nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở phía nam đang đòi hỏi nhiều hơn. Họ nói rằng tiền từ quỹ đoàn kết vốn là đã dành cho họ và thiệt hại kinh tế từ việc phong tỏa đã đưa địa phương họ đến bờ vực sụp đổ.
Điều đó mở ra một mặt trận khác cho ông Conte, người đang đấu tranh để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế Italy và chiến đấu với EU trong việc phát hành nợ chung giúp giảm áp lực tài chính cho chính phủ của ông. Sản lượng kinh tế của Italy dự kiến giảm 6,5% trong năm 2020, theo nhóm nghiên cứu Prometeia.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Ảnh: Reuters. |
Việc phong tỏa đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến 3,7 triệu người Italy làm việc trong nền kinh tế ngầm vì họ không nhận được tiền lương thường xuyên và gặp khó khăn trong việc tiếp cận trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người trong số họ tập trung ở miền Nam.
Ở miền Nam, "nhiều người sống cầm cự qua ngày, làm những công việc lặt vặt như bốc dỡ xe tải ở chợ, và họ đang gặp khó khăn", ông Stefano Paoloni, lãnh đạo một liên minh cảnh sát, nói qua điện thoại. "Chúng tôi cần cảnh giác để xem liệu có tội phạm có tổ chức đứng đằng sau bất ổn xã hội hay không".
Ông Provenzano, bộ trưởng phụ trách miền Nam, cho biết chính phủ cũng nên trợ cấp khẩn cấp cho những người trong nền kinh tế bất hợp pháp. Rủi ro là các băng đảng tội phạm có tổ chức sẽ đứng ra hỗ trợ cho những người có nhu cầu, lấp đầy khoảng trống do nhà nước để lại.
Chính phủ cần phải hành động "một cách dứt khoát", nghị sĩ Graziano Delrio, người đứng đầu các nhà lập pháp tại hạ viện của đảng Dân chủ, nhóm lớn thứ hai trong liên minh của ông Conte, cho biết.
Rome cần "làm bất cứ điều gì cần thiết cho nhu cầu thiết yếu của các gia đình", ông nói trong một cuộc phỏng vấn.