Trong bức ảnh mô phỏng do bệnh viện Bambino Gesu công bố, khu vực màu đỏ là nơi tập trung nhiều biến đổi sinh học so với chủng virus ban đầu. Đột biến giảm dần ở các vùng màu cam, vàng và xanh, theo RT.
Các đột biến cho thấy virus đã biến đổi để thích nghi tốt hơn với cơ thể con người.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận hiện còn quá sớm để kết luận độc lực của biến chủng Omicron có cao hơn các biến chủng khác hay không.
Trước đó, giới khoa học thừa nhận biến chủng Omicron chứa số lượng đột biến lớn hơn nhiều so với Delta - biến chủng vốn có khả năng lây lan mạnh hơn nhiều so với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu.
Các đột biến của biến chủng Omicron tập trung ở gai protein, bộ phận giúp virus bám dính vào tế bào của con người.
Hình ảnh so sánh các đột biến trên biến chủng Omicron và Delta. Ảnh: RT. |
Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách "biến chủng đáng lo ngại".
Hàng loạt quốc gia gồm Australia, Bỉ, Anh, Đức, Italy và Cộng hòa Czech đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron. Hà Lan và Đan Mạch phát hiện một số ca mắc Covid-19 nghi do biến chủng Omicron gây ra.
Trước đó, ca nhiễm biến chủng Omicron được ghi nhận ở Nam Phi, Botswana, Israel và Hong Kong (Trung Quốc).
Việc phát hiện ra biến chủng Omicron đã làm dấy lên lo ngại toàn cầu, dẫn đến làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại của nhiều quốc gia.