Tối 4/1, một số người dùng Facebook đã chia sẻ một số ý kiến xung quanh việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà (Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, TP.HCM) về việc thay gạch, nhà thầu...
Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM, Chánh xứ, Trưởng ban trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, đã có buổi trò chuyện cùng PLO xung quanh vấn đề trung tu Nhà thờ Đức Bà. Buổi trò chuyện vào ngày 31/12/2019, nhân việc Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm được xếp hạng là di tích của thành phố.
Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM, Chánh xứ, Trưởng ban trùng tu Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn trong buổi trò chuyện. |
- Linh mục có thể chia sẻ về việc trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn suốt hơn hai năm qua và dự kiến thời gian hoàn thành?
- Năm 2019 đã làm khá nhiều việc giờ chúng tôi đang chuẩn bị tổng kết việc trùng tu. Phải nói trùng tu khi vào rồi mới thấy phức tạp.
Tôi là linh mục đương nhiên tôi làm cho giáo hội nhưng tôi cũng là công dân thành phố này, tôi làm còn cho thành phố bởi đây là điểm du lịch, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật... của thành phố.
Khi nhận lệnh của Bề Trên là Đức cố Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, ngài nói ráng làm cho tốt nhất, tôi cũng đi theo đó làm cái gì tốt nhất cho trùng tu nhà thờ từ vật tư nhập từ nước ngoài: Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan... cũng như tư vấn kỹ thuật.
May mắn là ngày 18/3/2019 chúng tôi ký kết được với Tập đoàn Monument, là tập đoàn Bỉ, cũng là Công giáo chuyên về trùng tu. Tập đoàn này từng trùng tu xong Nhà thờ Đức Bà Rouen (Cathédrale primatiale Notre Dame de l'Assomption de Rouen, Pháp); đang trùng tu Nhà thờ Đức Bà Tournai (Notre Dame de Tournai) ở Bỉ suốt 20 năm qua.
Trùng tu Notre Dame de Tournai đã tốn 50 triệu euro cho 20 năm qua và 10 năm nữa tốn thêm 30 triệu euro mới xong vì đây là nhà thờ Di sản thế giới do UNESCO công nhận đã có lịch sử 800 năm. Tập đoàn này cũng trùng tu Nhà thờ Đức Bà Anges (Notre Dame des Anges, Pháp) được UNESCO công nhận di sản phần tháp chuông cao 125 m, gấp đôi tháp chuông nhà thờ ở Sài Gòn mình, có kiến trúc rất đặc biệt...
Khi ký hợp đồng với họ tôi rất an tâm. Họ sang khảo sát lại từ đầu, họ kết luận móng nhà thờ rất tốt, kết cấu nhà thờ không có gì nghiêm trọng nhưng để kéo dài tuổi thọ chí ít 100 năm cho thế hệ mai sau như ý định tòa tổng thì còn nhiều việc phải làm.
Chúng tôi may mắn gặp anh Mark Willems, người Pháp cũng là Công giáo là giám đốc kỹ thuật của dự án trùng tu, nhiều đơn vị khác hỗ trợ kết nối... gặp gỡ các tập đoàn ở châu Âu.
Cuối tháng 9 tôi vừa sang Đức và Pháp với sự giới thiệu Tập đoàn Monument để mua giàn giáo Layher về, nhẹ, nhanh, chắc chắn. Sau Tết Dương lịch, các chuyên gia từ Hà Lan sẽ tiếp tục lắp ráp dàn giáo phía sau nhà thờ đối diện Diamond Plaza.
Phần sau nhà thờ từng múi rất đẹp nhưng rất khó làm. Giờ đang vệ sinh ngói, gỡ ngói... phần sau. Chúng tôi dự kiến làm sao cuối năm 2020 các mái ngói phải lợp xong. Dự kiến tháng 3/2020 sẽ gỡ các dàn giáo cũ hai bên, khi đó bà con sẽ thấy những mái ngói lợp rồi...
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn đang trùng tu. |
- Vậy kế hoạch trùng tu tháp chuông như thế nào, thưa linh mục?
- Tháp chuông và hai tháp nhọn trên dự kiến tháng 6/2020 lắp dàn giáo bởi phải lắp vận thang. Thang máy nhập từ Đức để chuyển vật liệu đến độ cao cơ bản công nhân mới leo. Còn nhiều vấn đề phải làm lắm.
- Hiện dự kiến bao giờ hoàn thành cơ bản trùng tu, thưa linh mục?
- Như cuối năm ngoái trong buổi gặp với ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, tôi có nói ít nhất cuối năm 2023, nhưng bây giờ có lẽ phải cuối 2025. Sở dĩ lâu bởi việc thay gạch hai vách nhà thờ mất thời gian vô cùng, phải đục từng viên rồi làm lại, giờ gạch vẫn đang đặt. Sau đó còn kính màu, nội thất...
- Chi phí trùng tu hiện nay từ nguồn đóng góp của giáo dân có bảo đảm không?
- Giáo dân TP rất tốt, những giáo dân từng ở đây giờ sống nước ngoài vẫn đóng góp, chúng tôi nhận và cảm ơn. Nhưng xin nước ngoài chúng tôi không xin, chỉ trông cậy lòng quảng đại của giáo dân TP.
- Linh mục có thể chia sẻ góc nhìn của riêng ông về di sản Công giáo trong dòng chảy chung của di sản Sài Gòn - TP.HCM?
- Xét về di sản TP.HCM rất nhiều và trong đó có di sản Công giáo, lãnh đạo TP nhất là ông Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã có quyết định công nhận di tích cho hai di chỉ ở Thủ Thiêm đó là sự trân trọng và giữ gìn cho thế hệ mai sau. Nếu chúng ta xóa thì mất đi cái hồn của TP và thế hệ mai sau không ai biết. Những di tích như Nhà thờ Đức Bà thì có đạo hay không có đạo gì cũng xem là kiến trúc đẹp. Chúng tôi có nói với TP làm sao sau khi trùng tu đêm về Nhà thờ Đức Bà vẫn là điểm đến chứ không chỉ ngày.
Xin cảm ơn linh mục!