Nhà báo Al Jazeera Shireen Abu Akleh bị bắn chết vào ngày 11/5. Ảnh: Al Jazeera. |
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz lên án cuộc điều tra của FBI là "can thiệp vào công việc nội bộ của Israel". Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo với Bộ Tư pháp Israel về quyết định điều tra vụ việc, Axios đưa tin.
"Tôi đã nói rõ với đại diện phía Mỹ rằng chúng tôi ủng hộ các binh sĩ IDF (Lực lượng phòng vệ Israel), và chúng tôi không phối hợp với các bất kỳ cuộc điều tra bên ngoài nào", ông Gantz nói thêm, nhấn mạnh việc Bộ Tư pháp Mỹ điều tra cái chết của bà Shireen Abu Akleh là một "sai lầm nghiêm trọng".
FBI quyết định mở cuộc điều tra sau nhiều tháng chịu áp lực từ gia đình nhà báo Abu Akleh - người có gốc Mỹ và Palestine. Hơn 20 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cũng ký đơn kêu gọi điều tra vụ việc.
Bà Shireen Abu Akleh thiệt mạng hồi tháng 5 khi đang đưa tin về hoạt động quân sự của Israel ở thị trấn Jenin thuộc khu Bờ Tây của Palestine. Khi vụ việc xảy ra, bà đang mặc trang phục của phóng viên.
Bà Shireen Abu Akleh khi đang tác nghiệp tại Jerusalem. Ảnh: Shireennasri/Twitter. |
Lực lượng phòng vệ Israel ban đầu phủ nhận liên quan đến cái chết của bà Abu Akleh và cáo buộc các tay súng Palestine. Tuy nhiên, báo cáo của Liên Hợp Quốc và các hãng truyền thông kết luận phóng viên Al Jazeera đã không ở gần các tay súng Palestine lúc bị bắn chết, theo Guardian.
IDF đã đóng lại vụ việc vào tháng 9 và thừa nhận bà Abu Akleh nhiều khả năng bị giết bởi vụ "nổ súng ngoài ý muốn" của binh sĩ Israel - những người không biết bà là nhà báo.
Liên Hợp Quốc cho rằng binh sĩ Israel đã bắn "vài viên đạn, có vẻ nhắm mục tiêu chính xác" vào bà Abu Akleh và các nhà báo khác. Chính quyền Tổng thống Biden và các hãng truyền thông lớn ở Mỹ cũng kết luận quân đội Israel nhiều khả năng đã bắn phát súng chí mạng.
Từ Beirut đến Jerusalem
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Từ Beirut đến Jerusalem: Hành trình ‘đi để hiểu’ Trung Đông của một nhà báo Mỹ” của tác giả Thomas Friedman, do NXB Thế giới xuất bản năm 2014. Cuốn sách viết về những xung đột gay gắt ở Trung Đông, ghi lại những khoảnh khắc sống động và trải nghiệm sống còn mà tác giả từng trải qua.