Chiều 15/5, khi 12 nhân viên AP và những cộng tác viên tự do đang làm việc và nghỉ ngơi trong văn phòng thì nhận được cuộc gọi từ quân đội Israel. Họ thông báo những người có mặt trong tòa nhà có một tiếng để sơ tán.
Mọi người đã kịp thoát ra ngoài, trước khi ba quả tên lửa hạng nặng tấn công và san phẳng tòa nhà 12 tầng.
Mặc dù không ai bị thương, cuộc không kích đã phá hủy một trụ sở quan trọng của các nhà báo AP, đồng thời đánh dấu một chương mới trong mối quan hệ vốn đã chai sạn giữa quân đội Israel và giới truyền thông quốc tế.
Tòa nhà chứa có các văn phòng của hãng thông tấn lớn ở thành phố Gaza sụp đổ sau khi bị tấn công trong cuộc không kích của Israel. Ảnh: AP. |
"Thế giới sẽ biết ít hơn về những gì đang xảy ra ở Gaza"
Các nhóm tự do báo chí đã lên án vụ tấn công. Họ lên án quân đội khi họ đổ lỗi vô căn cứ rằng tòa nhà là nơi chứa chấp tình báo quân sự của lực lượng Hamas. Israel còn cho rằng những cơ quan truyền thông tại đây đã cố gắng kiểm duyệt thông tin theo hướng bất lợi với họ về cuộc tấn công nhằm vào các chiến binh Hamas.
Trước khi sơ tán, AP đã gọi điện khẩn cấp cho quân đội, ngoại giao và văn phòng thủ tướng Israel nhưng đều bị phớt lờ hoặc nói rằng không thể làm gì.
“Chúng tôi bị sốc và kinh hoàng vì quân đội Israel nhắm mục tiêu vào tòa nhà có văn phòng của AP và các cơ quan truyền thông khác ở Gaza”, ông Gary Pruitt, chủ tịch và giám đốc điều hành của AP, cho biết. "Thế giới sẽ biết ít hơn về những gì đang xảy ra ở Gaza vì vụ tấn công xảy ra ngày hôm nay".
Trong 15 năm, văn phòng AP là vị trí đắc địa để đưa tin về các cuộc xung đột của Israel với lực lượng Hamas ở Gaza, bao gồm các cuộc chiến năm 2009, 2012 và 2014.
Máy quay của hãng tin này đã cung cấp các cảnh quay trực tiếp 24 giờ khi tên lửa được bắn ra từ Dải Gaza, cũng như các cuộc không kích của Israel tấn công thành phố và khu vực xung quanh trong tuần này.
Tòa nhà nói trên còn là nơi đặt trụ sở của một số cơ quan báo chí, bao gồm cả văn phòng của kênh vệ tinh Arab Al-Jazeera. Hàng chục cư dân sống tại các căn hộ ở các tầng trên cũng phải di dời.
Một đoạn video do Al-Jazeera phát đi cho thấy chủ sở hữu của tòa nhà, ông Jawwad Mahdi, đã cầu xin một nhân viên tình báo Israel đợi 10 phút qua điện thoại để cho phép các nhà báo vào bên trong tòa nhà và lấy các thiết bị có giá trị trước vụ ném bom.
"Những gì tôi yêu cầu là để bốn người vào trong và lấy máy ảnh của họ", ông nói.
"Chúng tôi sẽ không nín lặng"
Cuối ngày 15/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng tòa nhà đã được tình báo quân đội Hamas sử dụng. “Đó không phải là một tòa nhà vô tội”, ông nhấn mạnh.
Israel thường lấy cớ về sự hiện diện của Hamas làm lý do để nhắm mục tiêu vào các tòa nhà. Quân đội nước này cũng cáo buộc lực lượng Hamas đã sử dụng các nhà báo để làm lá chắn nhưng không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh cho các tuyên bố.
Khung cảnh đổ nát sau các cuộc không kích từ Israel. Ảnh: AP. |
Trung tá Jonathan Conricus, một phát ngôn viên quân đội, từ chối cung cấp bằng chứng cho những tuyên bố trên vì lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực tình báo.
Đối với các nhà báo của AP, đó là một khoảnh khắc khó khăn. Hầu hết nhân viên của AP đã sinh sống tại đây trong suốt cuộc giao tranh vì tin rằng văn phòng của hãng thông tấn quốc tế là một trong số ít những nơi an toàn ở Dải Gaza.
Trong một lãnh thổ bị tê liệt bởi các cuộc tấn công và phong tỏa, văn phòng được trang bị máy phát điện, cung cấp những tiện nghi hiếm có như điện, máy lạnh và nước sinh hoạt.
Phóng viên Fares Akram cho biết anh đang nghỉ ngơi trong căn phòng trên lầu thì nghe thấy tiếng la hét hoảng loạn của các đồng nghiệp về lệnh sơ tán. Các nhân viên vội vàng thu thập các thiết bị cơ bản, bao gồm máy tính xách tay và máy ảnh trước khi chạy xuống tầng dưới.
Al-Jazeera, mạng tin tức do chính phủ Qatar tài trợ, đã phát sóng trực tiếp cuộc không kích khi tòa nhà sụp đổ.
“Kênh của chúng tôi sẽ không bị bịt miệng. Al-Jazeera sẽ không bị im lặng”, nhân viên Halla Mohieddeen nghẹn ngào nói. "Chúng tôi có thể đảm bảo với bạn điều đó ngay bây giờ".
Đầu ngày 16/5, Hamas đã bắn một loạt tên lửa lớn vào thủ đô Tel Aviv để đáp trả vụ việc.
Hiệp hội Báo chí Nước ngoài, đại diện cho khoảng 400 nhà báo làm việc ở các tổ chức truyền thông quốc tế tại Israel và Palestine, cũng bày tỏ "sự lo lắng và thất vọng" về vụ tấn công.
"Việc cố ý phá hủy văn phòng của một số cơ quan tin tức lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới đặt ra câu hỏi đáng lo ngại về việc Israel sẵn sàng can thiệp vào quyền tự do báo chí", tổ chức này cho biết. "Sự an toàn của các cơ quan truyền thông khác ở Gaza đang được đặt ra".