Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ISO 9001 và ISO 14000 được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất

Áp dụng hai hệ thống quản lý ISO 9001 và ISO 14000 là một trong những giải pháp quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020” (dự án 604) thuộc chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp đến năm 2020” (chương trình 712) đã tạo được sự chuyển biến lớn về năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó, dự án có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

he thong quan ly chat luong anh 1

Các hệ thống quản lý là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 85.000 doanh nghiệp. Trong đó 14.500 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, hoá chất, thép, điện tử, năng lượng, cơ khí, nhựa, thực phẩm…

Theo báo cáo thống kê của Vụ Khoa học và Công nghệ từ kết quả phản hồi của 2.450 doanh nghiệp ngành công thương, tới cuối năm nay, 60% doanh nghiệp đang áp dụng ít nhất một trong các hệ thống quản lý, công cụ và mô hình cải tiến trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng lực và cải tiến chất lượng sản phẩm.

5% doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng sẽ áp dụng và hơn 1/3 doanh nghiệp, chiếm khoảng 36% chưa có hoạt động tiếp cận các hệ thống quản lý, công cụ và mô hình cải tiến. Bên cạnh đó, 12% doanh nghiệp đang áp dụng mô hình quản lý chất lượng, cải tiến năng suất, lập kế hoạch nguồn lực hay quản trị theo mục tiêu.

he thong quan ly chat luong anh 2

Doanh nghiệp áp dụng ISO 9001 kết hợp TPM (bảo trì năng suất toàn diện) cho hiệu quả cao.

Các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, gồm hai chứng nhận chính là ISO 9001 - hệ thống quản lý chất lượng và ISO 14000 - hệ thống quản lý môi trường. 84% doanh nghiệp áp dụng ISO 9001 nhận định năng suất có tăng lên; 91% nhận thấy chất lượng sản phẩm được cải tiến.

So sánh giữa khả năng nâng cao năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, ISO 9001 có ưu thế trong việc mang lại cải tiến chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp ngành công thương.

Là chứng nhận phổ biến thứ hai đối với doanh nghiệp thuộc hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, ISO 14000 mang đến bộ các tiêu chuẩn liên quan đến quản lý môi trường. Tiêu chuẩn này hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm thiểu sự lãng phí, sử dụng nhiên liệu hiệu quả, cắt giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp, tuân thủ theo đúng pháp luật, chính sách môi trường. ISO 14000 được nhiều doanh nghiệp áp dụng, trong đó 19% doanh nghiệp cơ khí, 15% doanh nghiệp nhựa, 12% doanh nghiệp điện tử...

75% doanh nghiệp nhận định năng suất có tăng lên, và 81% nhận thấy chất lượng sản phẩm được cải tiến sau khi áp dụng ISO 14000.

Bên cạnh các chứng nhận phổ biến, nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đến những chứng nhận đặc thù và ít phổ biến như HACCP - phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn, ISO 22000 - quản lý An toàn thực phẩm, IATF 16949 - quản lý chất lượng dành cho nhà cung cấp linh kiện ôtô… Đây thường là các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, phát triển theo cơ cấu tổ chức bài bản, có định hướng rõ ràng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, phần lớn các doanh nghiệp đều thừa nhận tác động tích cực của các hệ thống quản lý đến năng suất và chất lượng doanh nghiệp. Để doanh nghiệp Việt có thể phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, việc xây dựng những mô hình điểm; áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế được chú trọng.

Bên cạnh đó, các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng như 5S, Kaizen, TPM, BSC, 6 Sigma, đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng cao... cũng giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Thái Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm