Vài năm gần đây, Apple áp dụng chính sách mỗi năm tung thêm một màu mới cho iPhone nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Năm 2013, họ lần đầu tiên tung iPhone 5S màu vàng (gold champagne). 2 năm sau đó, họ tiếp tục tung iPhone 6s màu vàng hồng (rose gold). Đáng chú ý đến thời iPhone 7, Táo khuyết hào phóng tung đến 3 màu mới gồm đen nhám, đen bóng và đỏ.
Tuy nhiên, chính sách này có vẻ không đem lại hiệu quả kể từ sau thời iPhone 6S.
Giá iPhone 128 GB ngang bản 32 GB
Có một hiện tượng lạ đang xuất hiện tại thị trường Việt Nam: Hàng loạt nhà bán lẻ lớn cho niêm yết giá iPhone 128 GB tương đương với bản 32 GB. Theo đó, người dùng có thể mua cả 2 phiên bản này với giá 17,99 triệu đồng, trong đó bản 128 GB chỉ hạ giá cho màu đen bóng.
Nói không quá khi iPhone màu đen bóng đang là “cục nợ” của nhiều nhà bán lẻ bởi lượng người mua cực thấp. Màn giảm giá đến 2 triệu đồng cho màu này là việc bất đắc dĩ họ phải làm để đẩy hàng tồn. Ngay cả khi giảm giá trong nhiều ngày qua, sức mua của người dùng cho màu này vẫn cực kỳ hạn chế.
iPhone 7 128 GB màu đen bóng được bán với giá ngang bằng với phiên bản 32 GB. |
Tương tự là trường hợp của iPhone 7, 7 Plus màu đỏ (Product Red) khi người dùng trong nước gần như không ngó ngàng gì đến sản phẩm này. Nếu như iPhone đen bóng thê thảm đến mức phải bán đại hạ giá thì màu đỏ còn may mắn hơn khi giá niêm yết của nó vẫn ngang ngửa với các màu còn lại.
Điểm chung của 2 màu này là về nước cực kỳ rầm rộ. Trên thị trường xách tay, người ta chào bán chúng với giá chênh đến vài triệu đồng so với màu khác. Tuy nhiên, khi thị trường bình ổn trở lại, chúng lập tức trở thành những màu ế ẩm nhất.
Màu truyền thống lên ngôi
Chính sách tung màu mới mỗi năm của Apple bắt đầu bộc lộ sự thất bại từ thời iPhone 6S. Vẫn với kịch bản cũ, iPhone 6S màu vàng hồng khi về nước được cả làng di động săn đón, bán chênh giá và khan hàng.
Sau đó, model này từng có thời điểm bán giá thấp hơn các màu còn lại ở thị trường xách tay do nhu cầu thấp. Đến nay, hiện tượng này lặp lại với iPhone màu đen bóng và màu đỏ.
Với màu đen bóng, người ta dễ dàng thấy nhiều điểm bất tiện của sản phẩm này khi máy dễ trầy xước, bám vân tay khiến người dùng không thoải mái khi sử dụng. Trong khi đó, màu đỏ - cũng giống trường hợp của màu vàng hồng trên iPhone 6S trước đây – không phải sản phẩm dành cho số đông.
Những phiên bản màu đỏ hay vàng hồng không dành cho số đông người dùng. Ảnh: Thành Duy. |
“Không phải ai cũng thích những màu cá tính như vàng hồng hay đỏ. Nó chỉ dành cho một nhóm nhỏ khách hàng”, Lạc Huy – đại diện một hệ thống bán lẻ di động nói.
Anh này cho hay sau thời gian ngắn biến động, vẫn là những màu truyền thống sẽ lên ngôi trên thị trường. Hiện tại, iPhone màu vàng và đen nhám đang bán ổn định nhất, trong đó iPhone màu vàng luôn là model bán chạy nhất từ thời iPhone 5S đến nay.
“Ngoài một vài yếu tố tâm linh, chẳng hạn màu vàng tượng trưng cho phú quý, sang trọng thì iPhone màu vàng khi bán lại cũng được giá và dễ tìm khách hàng hơn. Yếu tố ‘bán lại được giá’ cực kỳ quan trọng với người dùng Việt Nam. Nó giống như xe của Toyota với các hãng khác vậy”, Nguyễn Tuấn Anh – CEO của một hệ thống kinh doanh iPhone ở Hà Nội nhận định.
Giá iPhone 7 phân hóa
Liên quan đến sản phẩm iPhone 7, các nhà bán lẻ cho hay doanh số sản phẩm này tại Việt Nam đang vào giai đoạn bán chậm, một phần do xu hướng chung của thị trường, phần khác do lượng tin đồn về iPhone 8 xuất hiện dày đặc.
Giá bán của sản phẩm này cũng đang phân hóa sâu sắc. Ở nhóm chính hãng, các đại lý lớn – nhập khẩu sản phẩm trực tiếp từ Apple – chào bán giá cao nhất, tiếp đến là sản phẩm chính hãng giá mềm hơn từ một vài đại lý cấp 2.
Chỉ riêng hàng chính hãng, iPhone 7 và 7 Plus đã có sự phân hóa về giá bán tại các đại lý. Đồ họa: Thành Duy. |
Ở nhóm xách tay, ngoài loại máy mới 100%, một lượng lớn loại máy qua sử dụng và máy khóa mạng nhập từ Hong Kong, Trung Quốc cũng đang đánh chiếm thị trường. Ưu thế của loại sản phẩm này là giá bán cực rẻ. Chẳng hạn, một chiếc iPhone 7 128 GB khóa mạng có giá bán khoảng 11 triệu đồng. Trong khi đó, nếu mua máy chính hãng từ Thế Giới Di Động hoặc FPT Shop, người dùng phải bỏ ra số tiền lên đến 20 triệu đồng (18 triệu cho bản đen bóng).
Tất nhiên, đi kèm với yếu tố giá rẻ là nhiều yếu tố rủi ro kèm theo, chẳng hạn nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng, phụ kiện bị thay đổi. Máy khóa mạng cũng gặp một số lỗi vặt, buộc người dùng phải sử dụng một loại bản mạch gắn kèm khay SIM gọi là SIM ghép.