iPhone có mặt trên thị trường từ 2007 nhưng phải đến giữa 2009, những chiếc iPhone hàng dựng mới xuất hiện.
Thời điểm đó, iPhone 3G đang là tâm điểm của thị trường. iPhone 2G mặc dù đã ngừng sản xuất nhưng vẫn được bán dưới dạng hàng mới với số lượng lớn, lẫn trong đó là máy dựng.
Thuật ngữ điện thoại dựng khi đó không xa lạ với người dùng Việt Nam. Trước đó, những chiếc điện thoại O2 hay BlackBerry làm lại có mặt từ lâu. iPhone dựng khác với các sản phẩm hàng nhái. Máy sử dụng ruột của iPhone cũ và một số linh kiện bên ngoài, thay vỏ hoặc mài lại sau đó đóng hộp bán như điện thoại mới.
Hình ảnh chiếc iPhone 3GS hàng dựng xuất hiện tại Việt Nam năm 2009. Ảnh: ICT News. |
Nhớ lại lần đầu tiên "chạm mặt" một chiếc iPhone hàng dựng, anh Mai Phú Phong - người có nhiều năm kinh doanh sản phẩm Apple cho hay, đó là một chiếc iPhone 3GS. Anh Phong được đối tác chào bán 3GS hàng dựng thời điểm 10/2009 - tức là chỉ 4 tháng sau khi model này chính thức lên kệ.
Anh này khi đó từ chối kinh doanh loại sản phẩm nói trên và tìm cách cung cấp thông tin rộng rãi ra ngoài để người dùng cảnh giác. iPhone 3GS dựng khi đó tinh vi nhiều người am hiểu công nghệ cũng khó tìm ra điểm khác biệt.
Cũng ở thời điểm này, những chiếc iPhone 2G hay 3G dựng cũng bắt đầu xuất hiện tràn lan trên thị trường. Những model này được đóng lại với bo mạch iPhone cũ, thay màn hình, thay vỏ, khe SIM và đóng hộp mới, chạy lại phần mềm để bán cho khách. Máy dựng khi đó được quảng cáo là mới, bán rẻ hơn khoảng 2 triệu đồng so với hàng xịn.
Những năm về sau, iPhone hàng dựng ngày càng phổ biến hơn. Thông thường, khi iPhone đời mới ra mắt cũng là lúc iPhone đời cũ hàng dựng phát triển rầm rộ nhất. Hiện tại, iPhone 5S, 5 hàng lướt đang làm mưa làm gió trên thị trường.
"Qua vài năm, mức độ phổ biến của iPhone dựng tăng cao, tâm lý tẩy chay hàng dựng của người dùng iPhone cũng giảm đi nhiều", anh Nguyễn Tuấn Anh - đại diện một hệ thống kinh doanh tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
iPhone 5S hàng dựng với giá xấp xỉ 7 triệu đồng đang phổ biến tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Squarespace. |
Anh này cho hay, do phát thị trường nở rộng, chỗ đứng cho các sản phẩm hàng dựng ngày một lớn, giá bán cũng rẻ hơn so với máy mới, không như cách đây vài năm. Ngoài ra, công nghệ dựng iPhone hiện cũng ở mức hoàn thiện cao. Do đó, không có chuyện máy bị "chết" khi nâng cấp firmware như iPhone 3GS trước đây. Tuy nhiên, người dùng vẫn gặp phải hiện tượng máy bắt sóng Wi-Fi yếu, chất lượng cuộc gọi không ổn định, pin kém bởi dù sao đây cũng là dòng máy đã được đóng lại.
Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh hiện tại sẵn sàng cung cấp đầy đủ thông tin về máy dựng để khách nắm bắt, thay vì buôn bán mập mờ, giả dạng hàng mới để lừa khách hàng. Khi bán máy, họ kèm theo chế độ bảo hành 3 - 6 tháng, có nơi lên đến một năm như một cam kết về chất lượng đủ tốt của sản phẩm.
"Khách hàng chỉ kì thị những đơn vị làm ăn dối trá, bán điện thoại dựng nhưng quảng cáo là máy mới, thậm chí máy chính hãng. Nếu cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của máy cho khách hàng, phần nhiều họ đều chấp nhận bởi với số tiền bỏ ra không lớn, chất lượng máy không tệ - nếu không muốn nói là tốt, người mua sẽ chấp nhận", anh Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị kinh doanh, iPhone hay điện thoại dựng vẫn là những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Chúng thường không qua khâu kiểm định, một số tính năng kém hơn hàng mới. Ngoài ra, sự phát triển của nhóm điện thoại dựng khiến thị trường xáo trộn, nhiều người kinh doanh hàng chính hãng gặp khó.