Trong cuộc họp tại Đài Loan ngày 15/6, Liao Syh-jang, Chủ tịch Pegatron nhấn mạnh khả năng mở rộng nhà máy lắp ráp iPhone sang những quốc gia khác. Theo Reuters, nguyên nhân đến từ các đợt phong tỏa nhằm kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc khiến việc sản xuất gặp khó khăn.
Vào tháng 4, Pegatron đã tạm dừng hoạt động các nhà máy tại Thượng Hải và Côn Sơn do chính sách phong tỏa nghiêm ngặt. Đến 16/5, cơ sở tại Thượng Hải mới được cấp phép hoạt động theo quy trình khép kín. Sang tháng 6, các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn.
Dù trở lại hoạt động bình thường, Pegatron đang gặp tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Điều đó khiến công ty này "nhấn mạnh" khả năng mở rộng nhà máy sang những đất nước ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch Pegatron nhấn mạnh mở rộng dây chuyền sản xuất iPhone ngoài Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi phải đối mặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid trong 2 tháng. Đây là điều không thể lường trước, do đó tôi nhấn mạnh về việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Bắc Mỹ để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, khoảng cách giữa mùa nhu cầu cao, thấp điểm và tận dụng hiệu quả năng lực sản xuất", ông Liao cho biết.
Pegatron là một trong những đơn vị gia công iPhone lớn của Apple. Cùng với Foxconn, công ty này còn chịu trách nhiệm lên kế hoạch ra mắt sản phẩm mới, còn gọi là NPI (New Product Introduction). Trong giai đoạn này, các nhà cung ứng cùng làm việc với Apple để phác thảo quy trình sản xuất, đưa thiết bị từ bản vẽ ra đời thực để gia công hàng loạt.
Mỗi năm, Pegatron lắp ráp khoảng 20-30% tổng số iPhone trên toàn cầu. 2 nhà máy tại Trung Quốc là nơi sản xuất iPhone duy nhất của Pegatron do cơ sở mới tại Ấn Độ chưa hoạt động.
Những năm gần đây, Pegatron đã lên kế hoạch mở rộng nhà máy tại Đông Nam Á và Bắc Mỹ. Tung Tzu-Hsien, Chủ tịch Pegatron cho biết khách hàng của công ty có nhiều lý do để đặt nhà máy tại Việt Nam, Ấn Độ và Mexico.
"Một trong những lý do chung đó là giảm sự tập trung quá nhiều nhà máy tại Thượng Hải, Tô Châu và Trùng Khánh", ông Tung cho biết. Vị này tiết lộ thêm việc tuyển nhân sự tại Trung Quốc ngày càng khó khăn trong 7-8 năm qua.
Với việc đại dịch Covid-19 đang lắng xuống trên toàn cầu, Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa và mùa mua sắm cao điểm cuối năm sắp đến, ông Tung cho rằng tình hình sản xuất trong thời gian tới sẽ cải thiện hơn.
"Kết hợp những yếu tố trên, tôi kỳ vọng tình hình trong nửa cuối năm nay sẽ tốt hơn, thậm chí tốt hơn nhiều so với quý II", chủ tịch Pegatron cho biết. Ngoài ra, Foxconn cũng dự báo nguồn cung iPhone sẽ ổn định trở lại trong nửa cuối năm 2022, Reuters đưa tin.
Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc khiến đối tác Apple tìm cách mở rộng sản xuất tại những quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Tháng 9/2020, Pegatron công bố đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam. Dự án đầu tiên có tổng vốn khoảng 19 triệu USD đặt tại Hải Phòng, trong khi dự án thứ 2 có vốn khoảng 481 triệu USD, nằm ở Khu công nghiệp Deep C thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Giai đoạn 2025-2026, Pegatron dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD cho dự án thứ 3.
Đầu tháng 6, Nikkei đưa tin đối tác BYD chuẩn bị dời một phần dây chuyền lắp ráp iPad từ Trung Quốc sang Phú Thọ, trở thành dòng thiết bị quan trọng thứ 2 của Apple được gia công tại Việt Nam sau AirPods từ năm 2020.
Theo danh sách chuỗi cung ứng được công bố tháng 6/2021, Việt Nam có 21 nhà cung ứng cho Apple, gồm 7 doanh nghiệp thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc như Luxshare và Goertek.