Nhiều nguồn tin và hình ảnh rò rỉ đã xác thực việc Apple sẽ loại bỏ giắc cắm 3,5 mm lên thế hệ iPhone mới. Cùng lúc đó, tập đoàn điện tử Intel cho biết: USB-C sẽ trở thành công nghệ thay thế chuẩn giắc cắm tai nghe truyền thống trên điện thoại Android và máy tính trong tương lai.
Chiếc headphone Philips Fidelio M2L kết nối với cổng Lighting của iPhone. Ảnh: TechInsider. |
Mặc dù bị đặt vào thế bị động trước sự thay đổi từ phía OEM, các công ty sản xuất tai nghe vẫn tỏ ra khá lạc quan. Giám đốc điều hành của những công ty này thậm chí còn tin tưởng, qua sự kiện trên doanh số tai nghe Bluetooth sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Headphone thay đổi ra sao khi giắc cắm không còn?
Tai nghe có dây có thể sẽ chia thành hai loại: Loại dùng cổng Lightning và loại dùng cổng USB-C .
Vẫn có những nhà sản xuất sử dụng giắc cắm truyền thống. Nhưng tất cả rồi sẽ thay đổi, dù sớm hay muộn. Vì vậy, để không bị thụt lùi so với thế giới, bản thân chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ càng.
Nếu không muốn bỏ ra một khoản tiền để sắm tai nghe mới, người dùng có thể sử dụng dongle (thiết bị có tác dụng như cầu nối, giúp tận dụng chiếc headphone cũ). Một đầu của dongle được thiết kế phù hợp với cổng kết nối của các thiết bị hiện đại (USB-C, Lightning…), đầu còn lại là ổ cắm 3,5 mm.
Chiếc dongle dành cho tai nghe sử dụng kết nối Lightning. Ảnh: Macrumors. |
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có một số loại tai nghe có thể tháo rời cáp nhằm tránh hư hỏng khi phải di chuyển nhiều. Song tính năng này hiện mới chỉ có ở những thiết bị phân khúc cao cấp như Oriolus, Westone…
Thị trường cáp tai nghe từ đó cũng trở nên sôi động hơn hẳn, doanh thu của các nhà sản xuất hàng đầu như V-Moda, Master & Dynamic, Audeze đồng loạt tăng mạnh.
Tai nghe Bluetooth lên ngôi
Chia sẻ với báo giới, giám đốc thương mại của Skullcandy - Sam Paschel cho rằng: “Đây là sự thay đổi lớn đối với bản thân công ty và người tiêu dùng. Điều này sẽ kích thích mua sắm, chủ yếu ở mảng sản phẩm tai nghe không dây”.
Tai nghe Bluetooth Jaybird X2 .Ảnh: Tech Insider. |
Đương nhiên, những công ty chuyên sản xuất thiết bị Bluetooth như Jaybird tỏ ra hết sức vui mừng trước chuyển biến này. Rene Oehlerking - đại diện của công ty khẳng định, thời khắc này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với hãng.
Công nghệ không dây dường như trở thành miếng bánh béo bở, khiến các công ty khác cũng rục rịch tham gia vào cuộc đua cạnh tranh thị phần.
Những lo ngại về chất lượng
Mặc dù có ưu thế về sự tiện dụng, song tai nghe Bluetooth có những vấn đề quen thuộc như tuổi thọ pin, khả năng tương thích… Tuy nhiên, điều người dùng lo ngại nhất nằm ở chất lượng âm thanh.
Liệu công nghệ wireless mà các hãng này sử dụng có thể sánh được với kết nối Lighting, USB-C hay không? Tuy nhiên vấn đề phụ thuộc vào cả hai yếu tố: thiết bị ngoại vi (smartphone, máy nghe nhạc, máy tính,...) và tai nghe. Sự khác biệt về chuẩn giữa bộ đôi này có thể khiến chất lượng âm thanh thu được không như mong muốn.
Ví dụ, một chiếc điện thoại được trang bị bộ chuyển đổi tín hiệu kỹ thuật số (DAC) và bộ khuếch đại tốt (amplifier) nhưng lại kết hợp cùng chiếc tai nghe giá rẻ, thì chất lượng âm thanh thu được sẽ chẳng khác nào đồ bỏ và ngược lại.
Giám đốc Kỹ thuật và Phát triển của Skullcandy - Jeff Hutchings hy vọng trong thời gian từ 12 - 24 tháng tới, giá thành của các thiết bị sẽ trở nên đồng đều hơn, giúp người dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn nhằm cân bằng chất lượng giữa máy phát và thiết bị nghe.
Khách quan mà nói, tai nghe Bluetooth vẫn chưa thể sánh được với các sản phẩm truyền thống. Âm thanh thu được thường kém sắc nét và chi tiết như tai nghe có dây. Hy vọng trong tương lai, chất lượng của chúng sẽ được cải thiện.
Tại sao thời đại của giắc cắm 3,5 mm đã hết?
Liệu các giao thức kết nối mới ngoài việc tăng hiệu suất làm việc của tai nghe, cách âm (ANC), giảm tạp âm… còn cải tiến nào khác?
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên lý làm việc của ANC liên quan đến việc tăng cường theo dõi chuyển động và dữ liệu sinh trắc học.
Tuy nhiên, người dùng chưa thực sự cần các tính năng mới này, do sự cách âm tuyệt đối làm giảm chất lượng âm thanh. Ngoài ra, các thiết bị này thường chỉ được dùng một, hai lần. Bởi sự linh hoạt, độ bền, kiểu dáng, giá thành,… mới là những thứ người dùng quan tâm hàng đầu.
Về phần Apple, nhiều người tin rằng lý do “Táo khuyết” thay thế giắc 3,5 mm bằng cổng Lightning vì muốn hợp tác với Beats (đã được hãng mua lại) trong việc sản xuất tai nghe. Apple độc quyền công nghệ này nên bất cứ OEM nào muốn sản xuất tương tự đều phải thông qua ông lớn vùng Silicon. Vì vậy, nếu giá thành tai nghe Lightning tăng mạnh trong thời gian tới cũng là điều dễ hiểu.
Dù muốn hay không, cuộc đua giữa những công ty tai nghe đang bước vào giai đoạn cam go nhất. Nó sẽ giúp phân định giữa một nhà sản xuất “tốt” và một nhà sản xuất “tuyệt vời”.
Đường dài mới biết ngựa hay, chưa thể nói trước bất cứ điều gì về kết quả của cuộc cách mạng mang tính lịch sử này. Hãy cùng chờ đợi sự ra mắt của những sản phẩm chất lượng trong thời gian tới.