Samsung Galaxy Note 5 nhái. Ảnh: H.P. |
Chợ cửa khẩu Tân Thanh hay chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) vốn từ lâu đã có tiếng là điểm nóng, “thiên đường” của hàng điện tử có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc.
Trong đó, điện thoại di động, máy tính bảng, đầu thu truyền hình, loa nghe nhạc, camera hành trình, màn hình GPS cho xe hơi… nhái kiểu dáng, thậm chí đóng logo các thương hiệu có tiếng, uy tín luôn xôm tụ phục vụ nhu cầu của đối tượng khách hàng những người thích chơi đồ công nghệ mới nhưng khả năng tài chính hạn chế.
Tại chợ cửa khẩu Tân Thanh trong những ngày cuối năm giáp Tết Nguyên đán 2016. Những gian hàng rộng hàng chục mét vuông bày bán la liệt đồ điện tử, điện thoại, lắm chỗ người bán còn đông hơn khách.
Theo quan sát của phóng viên ICTnews, bên cạnh những mẫu điện thoại bị nhái… quanh năm ngày tháng là Vertu, Mobiado, GoldVish (những dòng điện thoại quý tộc, giá bán từ vài chục triệu cho tới cả tỷ đồng). Người dùng có thể thấy dòng bình dân Nokia, giá bán tại Tân Thanh chỉ từ 650.000 cho tới hơn 2 triệu đồng, thì có thêm một vài mẫu smartphone mới nhất vừa ra mắt trong năm 2015 của các hãng tên tuổi bị nhái là Samsung Galaxy Note 5, Galaxy S6, iPhone 6S và vài mẫu của Oppo.
iPhone 6S màu vàng hồng chạy... Android. Ảnh: H.P. |
“Mua đi anh, Note 5, iPhone 6S, Oppo, toàn các mẫu mới nhất bây giờ đấy. iPhone 6S màu hồng, Galaxy Note 5 giá 2,5 triệu”, một người phụ nữ tầm 40 tuổi nói liến thoắng rồi quay sang mời chào hai vị khách hàng khác đang ngó chiếc Galaxy Note 5.
Dù rằng, mức độ hoàn thiện chưa cao, nhưng nếu chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài, có lẽ khó có thể nhận ra ngay đâu là một chiếc iPhone 6S màu hồng hay Galaxy Note 5 hàng nhái xuất xứ Trung Quốc so với hàng thật.
Ví dụ, với chiếc “iPhone 6S” màu hồng chạy hệ điều hành… Android, nếu không bật nguồn để xem kỹ thì những người dùng điện thoại không hiểu biết về công nghệ sẽ rất khó nhận ra đây là hàng nhái bởi dòng máy nhái này được cài đặt sẵn hệ điều hành Android giả lập giao diện hệ điều hành iOS.
Thấy phóng viên ICTnews và hai vị khách khác vẫn tỏ vẻ phân vân chọn lựa, người bán hàng này tiếp lời: “Nếu các anh lấy thì em giảm cho anh 200.000 đồng, mở hàng mới bán giá đấy đấy”.
Nghe người bán nói giọng nhấn đến chuyện “mở hàng” (dù khi đó đã là hơn 2 giờ chiều, chẳng còn sớm gì), các “thượng đế” có mặt tại gian hàng bỗng lần lượt tản ra chỗ khác như để tránh chuyện bị con buôn sẵn sàng văng tục khi “thượng đế” xem nhiều, hỏi lắm mà không chịu mua – những kiểu ứng xử vốn xảy ra như cơm bữa ở cái khu thương mại vùng biên này.
Một chiếc Galaxy S6 hàng nhái, giá hơn 2 triệu đồng. Ảnh: H.P. |
Hình thức bên ngoài của iPhone 5S, iPhone 6 với logo táo khuyết được nhái y hệt. Ảnh: H.P. |
Hiện nay giá hàng phân phối chính hãng của Galaxy Note 5 vào khoảng 17 triệu đồng, iPhone 6S từ 16GB cũng từ 18 triệu đồng. Chính vì thế, đây là lý do lớn nhất khiến mẫu smartphone hàng nhái y chang, giá thấp hơn 7 – 8 lần có đất sống, được những người muốn sắm hàng công nghệ thời thượng nhưng khả năng tài chính hạn chế mua về.
Trao đổi với ICTnews, anh Tuấn, một người kinh doanh điện thoại lâu năm tại Hà Nội cho hay những mẫu điện thoại nhái nêu trên hiện được bán tại Hà Nội (chủ yếu qua kênh online) với giá từ 3 – 3,5 triệu đồng, thậm chí đội lốt “Galaxy Note 5 Đài Loan”, “Hong Kong”.
Cũng theo anh Tuấn, tiền nào của đấy, mua những chiếc điện thoại nhái nói trên có thể người dùng được thỏa mãn về kiểu dáng nhưng cũng rất dễ dính phải “quả đắng” do chất lượng khó lường.
Những chiếc điện thoại hàng nhái dù có được bảo hành từ 3 – 6 tháng nhưng chỉ bảo hành ngay tại điểm bán, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì nếu là khách mua ở xa, cách từ vài trăm km trở lên thì khi vướng sự cố như loạn màn hình cảm ứng, liệt cảm ứng, mất sóng, pin rộp, mất nguồn, hỏng camera… sẽ gặp rất nhiều rủi ro, chịu thiệt.
Chính vì thế, trước khi mua người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng, chọn được điểm bán uy tín để tránh chuyện máy hỏng, tiền mất.