Apple - công ty hiện gặp khó khăn tại các thị trường đang phát triển vì giá iPhone - đang áp dụng một chiến lược mới và bắt đầu cho thấy hiệu quả. Họ đang đẩy mạnh việc bán những model đời cũ, kèm giá cả phải chăng tại các nước như Ấn Độ, Việt Nam, Brazil và hàng loạt thị trường đang phát triển.
iPhone 4 - mẫu điện thoại ra mắt từ tháng 6/2010 của Apple - đang là nhân tố quan trọng trong kế hoạch đó.
Một người dùng bước ra khỏi cửa hàng bán lẻ - nơi trưng bày quảng cáo iPhone 4 ngay tại mặt tiền ở Mumbai, Ấn Độ. |
“Bạn có thể khoe với cả thế giới bạn đang cầm một chiếc iPhone nhưng không thể làm vậy với điện thoại Android”, Punit Mathur, phó chủ tịch một công ty truyền thông tại Ấn Độ cho hay. Ông này vừa mới chuyển từ một chiếc Nexus 4 sang iPhone 4S. Chiếc iPhone 5S có giá khoảng 870 USD tại Ấn Độ là quá đắt, "nhưng một chiếc iPhone 4S cũng đã là một sự nâng cấp", ông này cho hay.
Tại Ấn Độ - thị trường có tốc độ phát triển nhanh gấp đôi Mỹ và Trung Quốc, Apple đã tăng gấp đôi doanh số bán điện thoại trong quý I so với năm ngoái. Đây là một chiến lược quan trọng giúp Apple thành công tại một đất nước nơi 2/3 người dân có mức sống dưới 2 USD/ngày.
“Khi Apple thành công hoàn toàn với chiến lược này, họ sẽ tiếp tục mở rộng ra các thị trường khác”, một nhà phân tích cho hay, “đặc biệt là Brazil, Nga, Indonesia và một vài thị trường mới nổi”. Apple bán được 325.000 iPhone trong quý I và là nhà bán lẻ lớn thứ 5 tại Ấn Độ.
Trong quá khứ, hãng từng dùng đẳng cấp thương hiệu để “làm mờ mắt” người dùng thay vì giá cả, nhưng hiện tại, mọi chuyện đang dần thay đổi. “Apple đang dần hiểu Ấn Độ là một thị trường nhạy cảm về giá”, một nhà phân tích tại New Delhi cho hay. “Người Ấn Độ muốn chứng tỏ địa vị của họ. Vì vậy, họ tìm đến với Apple. Không quan trọng đó là một chiếc điện thoại 2-3 năm tuổi. Chỉ cần đó là Apple”.
Không giống như Mỹ, Nhật, nhà mạng tại Ấn Độ và các nước đang phát triển không bán điện thoại kèm hợp đồng bởi phần lớn người dùng không muốn ký các bản hợp đồng sử dụng trong nhiều năm. Ngoài ra, rất khó để họ xác định danh tính thực sự của người mua hợp đồng.
Một tấm biển quảng cáo nhỏ dành cho iPhone 4 tại Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg. |
Hầu hết người dùng Ấn Độ mua smartphone từ shop bán lẻ, không phải từ nhà mạng. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng phải trả “tiền tươi” cho các sản phẩm họ mua. Do đó, các nhà bán lẻ tại nước này đã chủ động lên những kế hoạch bán trả góp cho khách. “Không có nhiều người sẵn sàng trả 800 USD cho một chiếc smartphone. Đó là giá của một chiếc laptop. Nhưng nếu bạn chia 800 USD ra thành 24 tháng, bạn sẽ bán được hàng”, Giám đốc chuỗi bán lẻ Mobile Store tại Ấn Độ cho biết.
Bán những thiết bị đời cũ sẽ trở thành trọng tâm trong kế hoạch của Apple tại Ấn Độ. Để tăng doanh số tại những thị trường như Việt Nam, Brazil, họ sẽ lặp lại kế hoạch tương tự.
“Bạn sẽ thấy Apple mang trở lại những model đời cũ đến nhiều thị trường hơn. Đó là cách tốt để đánh vào tâm lý người dùng và đưa họ đến với hệ sinh thái của Apple. Từ những thiết bị đời cũ, giá thấp, người dùng có thể sẽ có tâm lý nâng cấp lên model đời mới hơn khi họ có điều kiện”.