Lãnh đạo các công ty sản xuất chip lớn nhất của Mỹ, bao gồm Intel và Xilinx đã có một cuộc gặp với Bộ Thương mại Mỹ vào cuối tháng 5 để trao đổi về việc đưa Huawei vào danh sách đen. Theo Reuters, Qualcomm cũng đã gặp đại diện Bộ Thương mại Mỹ về vấn đề này.
Các công ty sản xuất chip cho rằng mảng thiết bị như smartphone và máy chủ của Huawei sử dụng nhiều linh kiện phổ thông, tiềm ẩn ít nguy cơ về an ninh hơn là mảng thiết bị 5G. Qualcomm muốn được tiếp tục bán các loại chip cho Huawei để sử dụng trên smartphone, đồng hồ thông minh.
Hiệp hội bán dẫn Mỹ (SIA) xác nhận đã thực hiện một số cuộc gặp với đại diện chính phủ để chỉ rõ hơn ảnh hưởng từ lệnh cấm này đối với các công ty bán dẫn.
Huawei sử dụng linh kiện Mỹ trên nhiều sản phẩm như máy chủ, smartphone. Ảnh: Bloomberg. |
“Các công nghệ không liên quan đến an ninh quốc gia có lẽ không nên bị đưa vào danh sách này. Chúng tôi đã làm rõ quan điểm này với chính phủ”, ông Jimmy Goodrich, Phó chủ tịch về chính sách toàn cầu tại SIA cho biết.
Năm 2018, Huawei chi 70 tỷ USD để mua linh kiện thì có tới 11 tỷ USD dành cho các linh kiện từ Mỹ như Qualcomm, Intel hay Micron Technology. Việc cấm bán công nghệ cho Huawei rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới các công ty sản xuất chip của Mỹ.
Broadcom, một công ty sản xuất chip tại Mỹ vừa cho biết những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng lệnh cấm Huawei sẽ khiến họ thiệt hại 2 tỷ USD doanh thu trong năm 2019.
“Đây không phải là hành động giúp đỡ Huawei, mà là nỗ lực giảm ảnh hưởng đối với các công ty Mỹ”, một nguồn tin cho hay.
Về phía Huawei, công ty Trung Quốc cho biết không nhờ vả đối tác nào để vận động nhằm giảm lệnh cấm của Mỹ.
“Họ làm vậy là vì lợi ích của họ, bởi với nhiều công ty thì Huawei là một trong những khách hàng lớn nhất”, ông Andrew Williamson, Phó chủ tịch đối ngoại của Huawei cho biết.
CEO của Huawei, trong cuộc phỏng vấn vào tháng 5, cho biết có khoảng một nửa số chip của họ mua từ Mỹ, một nửa là tự sản xuất.
“Chúng tôi không thể bị tách biệt ra khỏi thế giới. Chúng tôi có thể làm những con chip như Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi sẽ không mua từ họ”, ông Nhậm Chính Phi, CEO của Huawei nói.
Intel, Qualcomm đều không muốn mất đi khách hàng lớn của mình. Ảnh: Reuters. |
Một nhà bình luận cho rằng các công ty Mỹ đang đi trên một lằn ranh rất nhỏ: họ vừa muốn bảo vệ lợi ích của mình, không muốn mất đi một khách hàng lớn, vừa phải cẩn trọng nếu không muốn bị coi là hỗ trợ cho một công ty mà Mỹ coi là gián điệp, ăn cắp công nghệ.
Khi được hỏi, đại diện Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này “thường xuyên nhận được phản hồi từ các công ty liên quan đến các chính sách”, nhưng điều đó “không làm ảnh hưởng đến việc thực thi luật pháp”.
Sau gần 1 tháng bị đưa vào danh sách đen, Huawei vẫn chưa có lần tiếp xúc nào với các quan chức chính phủ Mỹ. Công ty này vốn không có nhiều hoạt động vận động hành lang tại Mỹ.
“Huawei đang không biết phải làm gì tiếp theo. Vị thế của họ tại Mỹ rất tệ, không ai muốn giúp đỡ họ cả”, ông Jim Lewis, chuyên gia về an ninh mạng tại Viện chiến lược và nghiên cứu quốc tế Washington chia sẻ.
Sau khi đưa Huawei vào danh sách cấm giao dịch công nghệ, Bộ Thương mại Mỹ đã cấp giấy phép tạm thời để các công ty có thể tiếp tục hợp tác với Huawei, nhằm đảm bảo lợi ích cho các khách hàng đang sử dụng sản phẩm của Huawei tại Mỹ. Giấy phép này sẽ hết hạn vào ngày 19/8.