Theo Nikkei Asia, Knight Frank - công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới - sẽ chính thức công bố Báo cáo Thịnh vượng (The Wealth Report) 2021 vào ngày 2/3 tới.
Họ dự đoán rằng Indonesia - nền kinh tế đứng thứ 3 Đông Nam Á hiện nay - sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc về quy mô phát triển của giới siêu giàu ở nước này.
"Gã khổng lồ kinh tế đang ngủ yên"
Trong vòng 5 năm từ 2021-2025, số lượng cá nhân gia nhập giới siêu giàu - những người sở hữu tài sản ròng khổng lồ - ở Indonesia tăng 67% hàng năm. Báo cáo đặt ra ngưỡng giá trị tài sản ròng để một cá nhân được tính là siêu giàu là 30 triệu USD, bao gồm giá trị nhà ở chính yếu của người đó.
Indonesia được chuyên gia của Knight Frank nhận xét là "gã khổng lồ kinh tế đang ngủ yên". Ảnh: Getty. |
Mức tăng 67% của Indonesia là mức tăng mạnh nhất không chỉ ở châu Á mà còn ở trên toàn thế giới.
“Indonesia vẫn luôn là một gã khổng lồ kinh tế đang ngủ yên ở châu Á, với phần lớn dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng”, bà Victoria Garrett, trưởng phòng phụ trách vấn đề liên quan đến thổ cư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Knight Frank, nhận xét.
“Cùng với lượng tiêu thụ nội địa lớn và các kỳ lân công nghệ mới nổi như Gojek, quốc gia này đang cung cấp rất nhiều cơ hội làm giàu trong nước”, bà nói thêm.
Ấn Độ đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, với tốc độ tăng trưởng thường niên dự kiến là 63%. Tiếp đó, Ba Lan, Thụy Điển, Pháp và New Zealand chiếm vị trí thứ ba đến thứ sáu. Trung Quốc đứng vị trí thứ bảy, với mức tăng trưởng của giới siêu giàu hàng năm dự kiến là 46%.
Bà Garrett cho biết các quốc gia như Indonesia và Trung Quốc, với thị trường rộng lớn và đang phát triển mạnh của họ, đã biến châu Á thành trung tâm nổi bật của sự phát triển thịnh vượng.
“Trong thập kỷ qua, khu vực này đã phát triển và nâng cao khả năng công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng một cách nhanh chóng, chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng toàn cầu về doanh thu của các công ty công nghệ. Điều này cho thấy sự thịnh vượng và thương mại trong khu vực đang phát triển theo cấp số nhân”, bà giải thích.
Dự đoán của Knight Frank về mức tăng trưởng số lượng cá nhân siêu giàu hàng năm ở châu Á, từ 2021 đến 2025. Ảnh: Knight Frank. |
Châu Á - Thái Bình Dương dần khẳng định vị thế trung tâm thịnh vượng
Xếp hạng theo khu vực, châu Á dẫn đầu với sự gia tăng số cá nhân siêu giàu cho đến năm 2025 là 39%, tiếp theo là châu Phi với mức tăng là 33%. Dự kiến tỷ lệ tăng toàn cầu là 27%. Bắc Mỹ, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Âu có mức tăng nằm trong khoảng từ 23% đến 25%.
Knight Frank lưu ý rằng châu Á - Thái Bình Dương đang là nơi có nhiều tỷ phú thế giới nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác, chiếm 36% tổng số toàn cầu. Đến năm 2025, khu vực này có thể chiếm gần một phần tư số cá nhân siêu giàu trên thế giới.
Bà Garrett cũng nhận xét rằng trong khi Covid-19 làm chậm đà phát triển kinh tế thế giới, thì châu Á - Thái Bình Dương nhìn chung đã thích ứng tốt với các xu hướng và cơ hội mới, dần biến mình trở thành trung tâm của sự thịnh vượng.
“Giờ đây, khi vaccine (Covid-19) đang được triển khai trên toàn cầu, người siêu giàu ở châu Á - Thái Bình Dương đang phục hồi một cách lạc quan đáng kể”, bà nói.
Trong một báo cáo đầu tháng hai, nhà cung cấp dữ liệu, nghiên cứu và phân tích Fitch Solutions tin rằng các nền kinh tế hàng đầu châu Á sẽ tăng trưởng tương đối tốt trong năm nay.
“Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ tăng trưởng 10,2% trong năm 2021, sau khi giảm 2,3% trong năm 2020. Đây sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế mạnh nhất châu Á. Chúng tôi kỳ vọng Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực, sẽ phục hồi 9,5%, sau khi giảm khoảng 8,6% trong năm 2020”, báo cáo Fitch viết.
Indonesia dự kiến mức tăng trưởng GDP trong khoảng 4,5% đến 5,5% trong năm nay, sau khi gánh chịu mức giảm gần 2,1% trong năm 2020.
Tháng 1/2021, nước này khởi một động chiến dịch vaccine lớn, với mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 181 triệu người (tương đương 70% dân số) trước tháng 3/2022.
Một cửa hàng cao cấp dành cho giới nhà giàu tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Getty. |
Chiến dịch vaccine này đang đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển của kinh tế Indonesia. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tỏ ra chưa chắc chắn về sự phát triển trong tương lai.
"Trong năm 2021, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng về tốc độ phục hồi của nhu cầu trong nước. Việc tái thắt chặt các hạn chế về di chuyển ở đảo Java và Bali hồi tháng 1 sẽ khiến tốc độ phục hồi trong tiêu dùng tư nhân tiếp tục suy yếu”, Sung Eun Jung, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, viết trong một báo cáo về Indonesia xuất bản hồi đầu tháng hai.
Trong khi đó, Singapore - trung tâm thịnh vượng của Đông Nam Á, dự báo mức tăng trưởng GDP từ 4% đến 6% trong năm nay, sau khi giảm kỷ lục 5,4% vào năm ngoái.
Quý IV/2020, Knight Frank cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu, với sự tham gia của hơn 600 chủ/giám đốc ngân hàng tư nhân, cố vấn tài sản và công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân. Kết quả cho thấy hơn 80% người tham gia khảo sát ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự đoán khách hàng của họ sẽ có lượng tài sản tăng đáng kể trong năm 2021.
Bà Garrett nhấn mạnh rằng với sự khả quan trong vấn đề vaccine, tại các thị trường đáng chú ý trong khu vực như Trung Quốc đại lục, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, khoảng 90% người trả lời khảo sát đều dự đoán sự tăng trưởng dương về tài sản trong năm 2021.
“Các thị trường đang bùng dịch mạnh như Ấn Độ, Malaysia và Philippines cũng dự kiến có sự tăng trưởng tài sản. Điều này cho thấy sức mạnh và sự tự tin trong phát triển thịnh vượng ở châu Á”, bà nói.