Wiens (33 tuổi) là đồng sáng lập và CEO của iFixit - công ty có sứ mệnh “dạy mọi người cách sửa mọi thứ”. Trên website của họ, người dùng có thể tìm thấy hướng dẫn từng bước cách sửa phanh xe, cách tạo lửa không cần bật lửa..., nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cách sửa laptop và điện thoại Apple.
Năm ngoái, 94 triệu người trên thế giới học được cách sửa chữa thứ gì đó với sự giúp đỡ của iFixit. Đối với Wiens, đó là một sự thất vọng bởi mục tiêu của anh là tiếp cận khoảng 100 triệu người.
iFixit cung cấp thông tin miễn phí cho người dùng một cách đúng nghĩa. Trang web không có quảng cáo, người dùng cũng không cần đăng ký. 90% doanh thu của iFixit đến từ việc bán linh kiện và công cụ để người dùng tự sửa chữa đồ đạc của mình. Phần còn lại đến từ phần mềm họ phát triển và đào tạo thợ sửa chữa - khoảng 15.000 người.
Đồng sáng lập iFixit Kyle Wiens (trái) và Luke Soules (phải). Ảnh: Inc. |
Cách làm không giống ai này giúp iFixit tạo ra một ngành kinh doanh thực sự. Công ty có tuổi đời 14 năm, 125 nhân viên này đạt mức tăng trưởng 30% mỗi năm. iFixit đạt doanh thu 21 triệu USD năm ngoái và có lợi nhuận ổn định.
iFixit và sứ mệnh của họ có vẻ không làm mất lòng ai, ngoại trừ công ty lớn nhất thế giới - Apple. Táo khuyết theo dõi rất kỹ mọi động thái của iFixit.
iFixit tạo ra một phiên bản khác của bộ phận bảo hành Apple và chia sẻ cách làm với tất cả mọi người. Họ bán những linh kiện, công cụ tùy biến thay thế cho linh kiện Apple.
Làm theo cách của iFixit, người dùng có thể thay thế một tấm màn hình vỡ, hoặc viên pin bị chai với giá rẻ hơn nhiều so với khi đem đến Apple Store. Một cách đơn giản, iFixit tin rằng việc mua một chiếc iPhone mới là vô cùng lãng phí và Apple không thích điều này.
iFixit cũng không thích Apple. Tại trụ sở của họ ở San Luis Obispo (California), họ gắn những thùng đựng rác với logo Apple. Tại 6 bang của nước Mỹ, 2 công ty này đang đấu tranh quyết liệt vì một thứ gọi là “quyền được sửa chữa”. Nếu Apple thua, họ sẽ mất quyền kiểm soát độc quyền nhiều thứ đang bán hiện tại, ảnh hưởng lớn đến doanh thu từ việc sửa chữa.
Apple không công bố doanh thu từ mảng này. Tuy nhiên, Warranty Week ước tính, mảng này mang về cho Apple 5,9 tỷ USD từ chương trình bảo hành kéo dài Apple Care năm 2016. “Nó là chương trình bảo hành kéo dài lớn nhất thế giới, lớn hơn chương trình của GM, Volkswagen, Best Buy hay Walmart”.
Một bộ đầu tuốc-nơ-vít. Trong ngày đầu tiên đi làm, nhân viên của iFixit sẽ được cấp cho một chiếc bàn với nhiệm vụ đầu tiên là phải lắp nó một cách chuẩn xác. Ảnh: Inc. |
Wiens và Soules (32 tuổi - đồng sáng lập) lớn lên tại Oregon. Họ gặp nhau vào năm 2003, trở thành bạn cùng phòng, đối tác kinh doanh 50-50. Wiens nói nhiều và ngủ ít hơn so với Soules. Anh này cũng là gương mặt đại diện của iFixit. Soules phụ trách điều hành các thị trường nước ngoài và quản lý nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc.
Wiens có một chiếc Apple iBook G3 bị hỏng. Anh mày mò trên mạng để tìm cách sửa nó. Từ khi còn nhỏ, anh và người em trai thường xuyên tháo tung những chiếc radio và vật dụng nhà bếp bị hỏng.
Apple, tất nhiên, không chia sẻ những kiến thức về sản phẩm của mình cho khách hàng. Điều này khiến Wiens không hài lòng. Đó là chiếc máy tính của anh ta, tại sao anh không được tìm hiểu cách nó hoạt động. “Điều này thật không công bằng”, Wiens nhớ lại. Đó là cơ sở để họ đưa ra ý tưởng cho ngành kinh doanh độc đáo này.
“Ban đầu, chúng tôi rất cẩn thận trong việc hướng dẫn khách hàng kiến thức về các linh kiện”, Wiens nói. “Sau đó khách hàng nói: ‘tốt, nhưng làm cách nào tôi lắp đặt nó?’, do đó chúng tôi viết cho họ một bản hướng dẫn. Sau đó họ lại nói ‘nhưng chúng tôi không có công cụ’, và chúng tôi bán công cụ cho họ. Họ lại nói ‘công cụ này quá đắt’, do đó, chúng tôi tự tạo ra nhưng bộ công cụ giá rẻ. Có vẻ như chúng tôi làm những việc không ai từng làm”.
Theo nghĩa nào đó, iFixit là một câu chuyện thành công phổ biến. Họ làm ra tiền, mặc dù không nhiều như họ có thể. Một trong các lý do là Wiens không hứng thú với các nhà đầu tư. “Tôi nghĩ cả 2 chúng tôi đều sợ trách nhiệm phải phát triển và kiếm tiền bằng mọi giá”, Soules nói.