Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hy Lạp, Canada gặp thảm họa tài chính vì sự kiện thể thao

Hy Lạp mắc khoản nợ 36 năm vì Olympic Athens 2004. Người Nhật và Mỹ vốn làm kinh tế rất giỏi cũng không tránh nổi thảm họa tài chính vì đăng cai các giải thể thao lớn.

Chắc chắn bị đội giá

Lịch sử những kỳ ASIAD gần đây cho thấy, quốc gia chủ nhà đăng cai luôn bị đội kinh phí so với dự trù ban đầu. Thái Lan dự chi 80 triệu USD để đăng cai ASIAD 1998 nhưng con số thực tế bỏ ra là hơn 600 triệu USD, tăng gần 8 lần. ASIAD 2010 tại Quảng Châu, chủ nhà Trung Quốc dự chi gần 3 tỷ USD rồi "vụt" lên 19,7 tỷ USD.

Ngay cả một quốc gia có cơ sở hạ tầng tuyệt vời và đầy kinh nghiệm đăng cai các sự kiện thể thao tầm cỡ như Hàn Quốc cũng không tránh được việc bị đội giá. Năm 2002, họ đăng cai ASIAD tại Busan với dự trù kinh phí 167,4 triệu USD nhưng cuối cùng tổng chi là hơn 2,9 tỷ USD.

Kinh phí tổ chức ASIAD 2014 tại Incheon đã bị đội lên từ cách đây 2 năm. Ngay cả người dân Incheon cũng không quá hào hứng trước sự kiện này.
Kinh phí tổ chức ASIAD 2014 tại Incheon đã bị đội lên từ cách đây 2 năm. Ngay cả người dân Incheon cũng không quá hào hứng trước sự kiện này. Ảnh: OCA

Có được bài học đắt giá từ quá khứ, Hàn Quốc cũng không tránh được việc tăng kinh phí cho ASIAD 2014 tại Incheon cuối năm nay. Họ dự chi 1,62 tỷ USD cho sự kiện này, trong đó thành phố Incheon gánh 78,9% (1,3 tỷ USD) và chính phủ Hàn Quốc gánh phần còn lại.

Tuy nhiên, từ cách đây 2 năm, kinh phí đã bị đội lên. Incheon có hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất rất hiện đại nhưng với việc xây dựng 103 địa điểm thi đấu, tập luyện cũng như xây dựng trung tâm báo chí đã khiến BTC Incheon phải chi ra tổng cộng 1,39 tỷ USD. Đây chưa phải con số cuối cùng. Số tiền chắc chắn sẽ tăng thêm sau khi ASIAD năm nay kết thúc.

Với trường hợp của Việt Nam, trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Thế Phương, thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cũng nêu rõ “không nước nào tổ chức ASIAD chỉ với 150 triệu USD cả” và “hơn gấp đôi cũng không đủ”.

Coi chừng nợ nần

Đăng cai các sự kiện thể thao lớn đi liền với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, địa điểm thi đấu, quảng bá du lịch. Nhiều quốc gia đã hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng màu hồng. Trong lịch sử, nhiều quốc gia phải "è cổ" trả nợ sau mỗi kỳ Olympic.

Điển hình nhất là Hy Lạp, quốc gia đăng cai Olympic Athens 2004. Họ chi quá hào phóng cho công tác tổ chức với số tiền lên đến 9 tỷ euro, trong đó có 7 tỷ euro là ngân sách quốc gia. Chi phí tổ chức đã vượt quá khả năng chi trả của Hy Lạp 60% (theo tính toán của Đại học kinh doanh Said Oxford), khiến quốc gia này lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng.


Năm 2004, đội tuyển bóng đá Hy Lạp vô địch EURO đầy bất ngờ. Nhưng cú hích đó cũng không cứu được quốc gia này tránh được cảnh nợ nần, tất cả chỉ vì kinh phí tăng quá mức cho Olympic Athens. Nhiều công trình xây dựng cho sự kiện đó đã bị bỏ hoang. Ảnh: IOC

Cụ thể hơn, Hy Lạp rơi vào cảnh nợ nần, buộc mỗi người dân phải gánh khoản vay 50.000 euro và trả trong 36 năm mới hết. Bên cạnh đó là sự lãng phí các công trình xây dựng và 50 triệu euro/năm cho phí bảo dưỡng các sân thi đấu.

Tương tự Hy Lạp là Canada với Olympic Montreal 1976. Việc quản lý yếu kém và chi phí đội lên khiến thành phố này mắc nợ 1,5 tỷ USD sau khi Olympic kết thúc. Đúng 30 năm sau (năm 2006) món nợ cuối cùng mới được trả hết. Vào thời điểm đó, người dân thành phố này đã mỉa mai gọi trại tên sân vận động Olympic, vốn bị bỏ hoang và chuyển đổi thành một nơi tập bóng chày, từ “Big O” (chữ O lớn) thành “Big Owe” (món nợ lớn).

Người Nhật và Mỹ vốn làm kinh tế rất giỏi cũng không tránh nổi thảm họa tài chính vì các sự kiện thể thao. Nhật tổ chức Olympic mùa đông tại thành phố Nagano năm 1998 với việc kinh phí bị đội lên đến 56% so với tính toán ban đầu.

Thị trấn Lake Placid thuộc bang New York, Mỹ, là nơi diễn ra Thế vận hội Mùa đông 1980. Thời điểm đó, chi phí tổ chức không nhiều như bây giờ nhưng sau khi kết thúc, số tiền đầu tư vượt 320% so với dự trù, cán cân thu chi âm 8 triệu USD. Kết cục, thị trấn này đã phải cầu cứu khoản cứu trợ của chính quyền bang New York.

Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm