6h sáng 27/7, lễ truy điệu bà Nguyễn Thị Mười diễn ra tại nhà riêng ở làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu). Đến viếng, người dân làng chài Phước Hải quen gọi bà là má Mười Riều, còn bộ đội hải quân gọi là má Mười huyền thoại.
Đem hết gia sản đóng tàu không số
Ông Nguyễn Sơn, một trong sáu chiến sĩ của Đoàn tàu không số Phước Hải, kể lại, năm 1961, bà Mười lúc đó tròn 40 tuổi. Chồng bà là ông Lê Văn Riều ở đơn vị 555 (sau này đơn vị đổi phiên hiệu là 1500). Lúc đó việc đóng thuyền chở chiến sĩ bí mật vượt biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí cực kỳ khó khăn.
Đại đội trưởng Dương Nam Đông tập trung đơn vị lại quán triệt: “Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, đơn vị chúng ta tổ chức vượt đường biển ra Bắc tiếp nhận đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Bây giờ phải có ghe. Đơn vị có ai có tiền không?”. “Có, tôi có 100 đồng!” - nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Mười đáp gọn.
Ngay sau đó, bà Mười về bàn với hai cháu con trai chị gái dùng số tiền 100 đồng mua thuyền, mua máy chạy ghe cùng 12 cheo lưới, sáu bộ quần áo nâu, làm sáu giấy tờ thế thân (giấy căn cước). Tiếp theo, bà Mười về bàn với gia đình bán hơn 20 cây vàng và đôi bông tai làm của hồi môn để tiếp tục mua gỗ đóng tàu.
Má Mười Riều cùng con trai Lê Hà lúc còn khỏe mạnh. |
Đầu năm 1962, trên chiếc ghe do chính má Mười bỏ tiền ra mua, người con trai đầu của má Mười là ông Lê Hà và năm người khác đã vượt biển ra Bắc. Trên chiếc ghe mui trần ấy, mỗi người đem theo một ống sữa bò, ít gạo, muối, 12 cheo lưới. Về sau, ông Lê Hà là thuyền trưởng của một tàu không số.
Má Mười còn được biết đến là người tổ chức đón và chuyển vũ khí từ đoàn tàu không số. Từ năm 1963 đến 1965, má Mười tổ chức đón và chuyển trên 50 tấn vũ khí của ba lượt đoàn tàu không số. Số vũ khí sau đó được chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, hai chuyến vũ khí sau cùng chi viện cho chiến dịch giải phóng Bình Giã.
Trong niềm tiếc thương mẹ, ông Lê Hà nhắc về nhân cách cao đẹp của người mẹ, người đồng đội của mình: “Sau này, cách mạng có trả lại số tiền và vàng má đã hiến cho cách mạng nhưng má nhất quyết không nhận. Trong chiến đấu, má là đồng đội, là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Đời thường, má là gương sáng về đức hy sinh để con cháu học tập. Từ nay má chẳng còn để tôi gọi tên má nữa…”.
Góp hai chỉ vàng cho con nuôi cưới vợ
Chiều 24/7, tôi nhận được tin nhắn của TS Nguyễn Bá Cường, Giám đốc nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội: “Anh ơi, má Mười Riều từ trần rồi. Buồn quá!”.
Chiều 26/7, tôi đón anh Cường từ TP Bà Rịa rồi chở anh đến làng Phước Hải. Thời gian hơn một giờ đủ nghe anh kể lại chuyện má Mười nhận anh làm con nuôi. Giọng anh Cường xúc động: Năm 1996, má Mười ra Hà Nội dự Hội nghị tuyên dương toàn quốc những gia đình có công.
Sau khi ban tổ chức giới thiệu má Mười lên sân khấu, công bố câu chuyện bà má miền Nam đã hiến cả gia sản của gia đình mình để đóng tàu không số, chiếu đoạn phim về má Mười cùng đồng đội và nhân dân Phước Hải vác vũ khí ở bến Lộc An đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng mọi người, nhất là những sinh viên trẻ có mặt hôm ấy.
Giờ giải lao ngoài bậc thềm hội trường, tôi chạy đến bên má nói: “Cho con xin chụp với má tấm ảnh nhé".
Chụp ảnh xong tôi bảo con xin nhận làm con nuôi của má được không? Má Mười cười: “Được chớ. Má có hai đứa con, một đứa bị tâm thần do dư chấn tiếng động bom. Có thêm con ở Hà Nội là má mừng rồi”.
Năm 2003, anh Cường vào thăm má Mười và báo tin với má anh cưới vợ. Lần ấy má cho chiếc nhẫn vàng hai chỉ. Từ chối không được, anh Cường xin nhận nhưng xin gửi lại để má dưỡng già nhưng nhất thiết má không đồng ý.
“Má còn bảo nếu không nhận là má không nhận con làm con nuôi nữa. Tôi và má đã ôm nhau khóc ở hiên nhà. Chính má đã cho tôi lý tưởng sống và phấn đấu trở thành giảng viên. Nghe tin má mất, tôi đáp máy bay vào đây ngay”, anh Cường nghẹn lời kể lại. Thắp nén nhang kính cẩn khấn má Mười, giọt nước mắt của người con nuôi chảy dài thương tiếc.
Nước mắt đồng đội
Nghe tin má Mười từ trần, Ban Liên lạc đường Hồ Chí Minh trên biển do ông Hồ Kim, đại tá, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125, làm trưởng đoàn cùng nhiều cựu chiến binh, thế hệ cán bộ, chiến sĩ tới viếng.
Trước linh cữu người đồng đội, mắt Đại tá Kim nhòa đi xúc động. Ông thắp nén nhang tiễn đưa người đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Giọng ông nghèn nghẹn: “Hành động cao đẹp của má mãi mãi là hành trang, là chí khí cách mạng cho lớp trẻ hôm nay. Đoàn tàu không số luôn tri ân và ghi ơn má. Tên má sẽ mãi vang vọng trên đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Để tỏ lòng tôn kính với má Mười, mấy chục năm qua Lữ đoàn 125 luôn hỏi thăm, động viên và phụng dưỡng má.
Hình ảnh má Mười hiến vàng mua gỗ đóng tàu cho con trai mình và các chiến sĩ vượt biển ra Bắc thời đó làm chúng tôi xúc động. Lúc đó tôi là chiến sĩ Lữ đoàn 125. Tấm gương vì Tổ quốc quên thân mình của bà vẫn là câu chuyện đáng để cho thế hệ thanh niên hôm nay học tập.
Cựu binh Nguyễn Viết Chức, nguyên chiến sĩ đoàn tàu không số