Chính quyền huyện Yihuang (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) tuyên bố cung cấp các ưu đãi về nhà ở, việc làm và còn trợ cấp sinh sản cho những người phụ nữ “còn sót lại” ở địa phương nếu họ chịu lấy chồng.
“Ngày nay, hiện tượng nữ cán bộ, công nhân viên lớn tuổi sống độc thân ở huyện ta đã trở thành vấn đề nổi cộm, cần sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội”, trích nội dung một văn bản do chính quyền Yihuang ban hành, đề cập đến những phụ nữ trên 26 tuổi.
Đặc biệt, các lãnh đạo tại địa phương này cũng cố gắng khuyến khích phụ nữ kết hôn với đàn ông thất nghiệp.
Theo đó, họ đưa ra lời hứa sẽ giúp người chồng đào tạo nghề và khởi nghiệp, cho vay vốn kinh doanh, đồng thời ưu tiên các vị trí dịch vụ công.
Theo The Paper, những chính sách dân số nêu trên lập tức gây tranh cãi trong dư luận. Một số phụ nữ đã bày tỏ sự bất bình của mình trên mạng xã hội.
"Tôi đã biết vì sao tỷ lệ kết hôn và sinh con tại Trung Quốc đang tiếp tục giảm. Nếu họ không tôn trọng phụ nữ hoặc không coi phụ nữ là con người, sự diệt vong của loài người không còn xa!”, một người chia sẻ trên Weibo.
Một người khác viết: “Tại sao lại cho rằng một phụ nữ 26 tuổi là ‘còn sót lại’ và ép họ phải sinh con với một người thất nghiệp yếu kém?”.
Chính sách khuyến khích phụ nữ trẻ lấy đàn ông thất nghiệp bị chỉ trích tại Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone. |
Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng sụt giảm tỷ lệ kết hôn và sinh sản nghiêm trọng. Điều này thúc đẩy hàng loạt địa phương đưa ra chính sách để đối phó, trong đó có thể kể đến một số biện pháp như thiết lập cơ sở dữ liệu mai mối, tổ chức hoạt động hẹn hò và quy định mức tiền trợ cấp dựa trên số lượng trẻ em trong một gia đình.
Huyện Yihuang, với dân số 240.000 người, cũng đang thu thập thông tin những phụ nữ độc thân để thiết lập cơ sở dữ liệu cho mục đích mai mối.
Năm 2021, đề xuất từ một quan chức địa phương về việc ghép đôi phụ nữ “còn sót lại” ở thành thị với đàn ông chưa vợ tại nông thôn cũng gây ra nhiều chỉ trích trên mạng xã hội.
Ở Trung Quốc, phụ nữ “còn sót lại” là một thuật ngữ thường dùng để mô tả những phụ nữ ở độ tuổi 27, sinh sống ở thành thị, có học vấn tốt và chưa kết hôn.
Theo SCMP, vào năm 2021, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, bất chấp việc đã chấm dứt chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2016 và cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con vào năm ngoái.
Cũng trong năm 2021, phụ nữ Trung Quốc chỉ sinh 10,62 triệu trẻ sơ sinh, giảm 11,5% so với con số 12 triệu trẻ vào một năm trước đó, số liệu thống kê chính thức cho thấy.
Tỷ lệ sinh trên toàn quốc giảm từ 8,52 (năm 2020) xuống 7,52 ca sinh trên mỗi 1.000 dân, mức thấp kỷ lục kể từ khi thống kê.