Liên quan đến việc huyện Phước Sơn (Quảng Nam) là một trong 56 huyện nghèo nhất nước, đang hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nhưng xây tượng đài chiến 14 tỷ khiến dư luận có nhiều ý kiến.
Ông Võ Hồng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho rằng hiện tại chưa thể đánh giá việc xây dựng tượng đài có hợp lý hay không và phải nhìn vào tổng thể.
"Việc chi 14 tỷ để xây dựng tượng đài phải đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội địa phương như điều kiện phát triển hay ngân sách hàng năm của HĐND huyện. Bây giờ nói lớn hay nhỏ cũng chưa chính xác", ông Hồng nói.
Huyện Phước Sơn xây dựng tượng đài 14 tỷ. Ảnh: Thanh Đức. |
Ông Hồng nói địa phương nghĩ đến việc làm công trình vì nơi đây là cái nôi của cách mạng, từng là chiến trường lớn. Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam lý giải thêm Phước Sơn là huyện nghèo nhưng là một trong 4 địa phương tự cân đối ngân sách của tỉnh.
"Phước Sơn nếu xét về cấp độ của tỉnh là một trong 4 huyện miền núi phát triển mạnh nhất của miền núi Quảng Nam. Tỉnh đã từng có chủ trương xây dựng Phước Sơn thành một thị xã ở miền núi", lãnh đạo HĐND tỉnh cho hay.
Cùng quan điểm với ông Hồng, ông Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc làm của huyện Phước Sơn là không sai.
"Phước Sơn là huyện nghèo nhưng ngân sách Trung ương đưa về có làm sai mục tiêu không? Huyện nghèo không có nghĩa là không được làm gì cả. Trong luật Ngân sách quy định rõ về tiền đầu tư xây dựng cơ bản, tiền hỗ trợ dân sinh, tiền giảm nghèo…", ông Quang nói muốn làm việc gì phải có chủ trương, xin ý kiến đồng ý và thiết kế dự toán để HĐND thông qua.
UBND huyện Phước Sơn cho hay việc xây dựng tượng đài 14 tỷ lấy từ nguồn ngân sách tiết kiệm qua nhiều năm. Ảnh: Thanh Đức. |
Một nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam khác thì cho rằng những địa phương còn khó khăn, có nhiều yêu cầu bức xúc với đời sống người dân như đường sá, trường học, điện đường thì không nên xây tượng đài lớn.
"Những nơi còn nghèo, có nhiều yêu cầu đời sống bức xúc trong khi ngân sách có hạn thì trước hết phải dành chăm sóc cho dân. Nếu làm tượng đài mà chỉ ghi ngày tháng, địa điểm xảy ra sự việc thì chỉ cần một tấm bia nhỏ là đủ, không nhất thiết phải chi đến 14 tỷ", vị này nói.
Nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nhắc đến việc san lấp một ngọn đồi để làm tượng đài. Theo vị này, sẽ khó chấp nhận vì san lấp sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan, địa chất khu vực.
"Đồi núi nói chung không được phá đi, nếu như vậy sẽ làm kết cấu thay đổi, sạt lở. Việc này vừa làm tốn tiền, vừa làm xấu cảnh quan mà còn ảnh hưởng địa chất", vị này chia sẻ.
Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nơi có 75% là người dân tộc Bhnong. Cùng với các huyện Tây Giang, Nam Trà My (Quảng Nam), Phước Sơn là một trong 56 huyện nghèo của cả nước đang được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ.
Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phước Sơn là 56%, đến năm 2019, tỷ lệ này giảm còn 25%.
Theo báo cáo của UBND huyện Phước Sơn năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 597,1 tỷ đồng, đạt 106,3% dự toán huyện giao. Tổng thu ngân sách của huyện Phước Sơn gấp 42 lần so với kinh phí dự toán xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức.