Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huyện Bình Chánh thiếu nơi khám, chữa bệnh thông thường cho người dân

Huyện Bình Chánh (TP.HCM) kiến nghị sử dụng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị gần Bệnh viện huyện Bình Chánh làm nơi khám, chữa bệnh thông thường cho người dân.

Trao đổi với Zing trưa 10/7, ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết một ngày trước, huyện gặp khó khăn trong việc chuyển 200 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 đến bệnh viện.

Tuy nhiên, ngay trong đêm 9/7, 200 bệnh nhân này đã được đưa đến bệnh viện dã chiến tại khu tái định cư 30 ha Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh).

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp chiều 9/7, lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết vừa qua, địa phương này phát hiện hơn 300 trường hợp dương tính với nCoV qua test nhanh. Tuy nhiên, huyện mới chuyển được 100 trường hợp đến bệnh viện tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B để thu dung, còn lại 200 ca chưa có bệnh viện tiếp nhận.

"Nếu không chuyển các ca dương đi kịp thời thì nguy cơ rất cao cho khu dân cư", đại diện huyện Bình Chánh cho hay. Ngoài ra, việc này cũng ảnh hưởng đến kết quả thi đua thực hiện Chỉ thị 16 mà thành phố phát động.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 1

Cuộc họp trực tuyến phát động thi đua thực hiện Chỉ thị 16 chiều 9/7. Ảnh: HMC.

Ngoài ra, huyện cho biết Sở Công Thương dự kiến chọn khu vực An Phú Tây làm điểm tập kết sản phẩm nông nghiệp tươi sống để phục vụ người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, huyện đánh giá khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch.

Do đó, lãnh đạo UBND TP.HCM đã đồng ý tái sử dụng chợ Bình Điền làm điểm tập kết lương thực, thực phẩm tươi sống phục vụ người dân. Huyện Bình Chánh đề nghị có biện pháp kiểm soát dịch với khu vực này.

"Thời gian qua, dịch bùng phát ở chợ Bình Điền. Đặc biệt, số ca liên quan chợ Bình Điền lên đến gần 300 ca. Nếu dùng khu này thì phải có biện pháp phòng chống dịch như thế nào thời gian tới", lãnh đạo huyện đặt vấn đề.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2

TP.HCM tiến hành trưng dụng nhiều khu tái định cư làm bệnh viện dã chiến hoặc nơi cách ly tập trung. Ảnh: Duy Hiệu.

Một vấn đề khác được huyện Bình Chánh đặt ra là thành phố đã trưng dụng Bệnh viện huyện Bình Chánh làm bệnh viện điều trị Covid-19 nên người dân không có nơi để khám, chữa bệnh thông thường. Chiều 8/7, huyện Bình Chánh đã kiến nghị sử dụng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị gần Bệnh viện huyện Bình Chánh làm nơi điều trị tạm thời cho người dân.

Tuy nhiên, hiện tại, bác sĩ Bệnh viện huyện Bình Chánh đang tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19. Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh thì tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Do đó, huyện chưa có bác sĩ để phục vụ điều trị cho các bệnh thông thường ở "bệnh viện" tạm thời này.

Đến trưa 10/7, Chủ tịch huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng cho biết TP.HCM vẫn đang sắp xếp bác sĩ cho cơ sở tạm thời này. Đến nay, chưa có thông tin cụ thể.

Trước thực tế này, huyện đề nghị Sở Y tế bố trí bác sĩ cho khu vực khám chữa bệnh tạm thời để điều trị cho người dân trên địa bàn huyện.

Từ khi áp dụng Chỉ thị 16, huyện này đã thành lập 27 tổ kiểm tra để xử lý các trường hợp vi phạm. Huyện cũng hoàn chỉnh khu cách ly tập trung tại Vĩnh Lộc B và đang chuyển các F1 từ khu cách ly tập trung cũ về điểm cách ly mới theo hướng dẫn của thành phố.

Ngày 8/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã ký công văn số 2279 về áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.

Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.

Từ ngày 27/4 đến trưa 10/7, TP.HCM ghi nhận 10.815 ca mắc Covid-19, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.

Năng lực xét nghiệm của TP.HCM hiện ra sao?

Nhờ được chi viện, hỗ trợ, TP.HCM nâng công suất xét nghiệm lên 450.000 mẫu gộp PCR/ngày trong 2-3 ngày tới. 1,6 triệu test nhanh cũng sẵn sàng.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm