Ngày 16/10, ông Vũ Xuân Bắc đặt cọc một chiếc iPhone 13 Pro Max tại đại lý FPT Shop chi nhánh Hồ Thị Hương, TP. Long Khánh, Đồng Nai. Theo cam kết của cửa hàng, người dùng sẽ nhận được máy từ ngày 22-30/10. Ông Bắc đặt cọc tại đại lý số tiền 1 triệu đồng.
Đến ngày 25/10, ông Bắc đến chi nhánh nói trên để nhận máy nhưng được thông báo chưa có hàng. Nhân viên của đại lý gợi ý khách chuyển sang phiên bản iPhone 13 Pro Max màu vàng, 256 GB đang có sẵn, nhưng ông Bắc từ chối.
Ông Bắc phải chấp nhận hủy đơn hàng iPhone 13 Pro Max sau gần nửa tháng chờ đợi. |
Đến tối ngày 30/10, hạn cuối nhận máy theo biên lai đặt cọc, một người tự xưng là nhân viên của FPT Shop gọi điện thông báo đại lý vẫn chưa có sản phẩm ông Bắc đặt trước nên đơn hàng sẽ bị hủy.
“Tôi đặt sớm để có máy tặng vợ nhân dịp 20/10. Tuy nhiên, tôi đợi gần nửa tháng mà chẳng có hàng, trải nghiệm mua sắm rất tệ. Vì vậy, tôi phải đồng ý nhận lại tiền cọc”, nhân vật chia sẻ với Zing.
Sau khi hủy đơn hàng, ông Bắc được chuyển khoản 1 triệu đồng với nội dung "trả cọc" từ số tài khoản cá nhân, không thông qua quy trình trả cọc của hệ thống.
Tuy nhiên, ngay trong buổi tối cùng ngày, tổng đài FPT Shop gửi tin nhắn thông báo một chiếc iPhone đã được kích hoạt bảo hành tại đại lý bằng số điện thoại đặt hàng của ông Bắc.
Kiểm tra theo IMEI của tin nhắn, sản phẩm được kích hoạt là model iPhone 13 Pro Max 256 GB màu vàng, đúng chiếc máy mà nhân viên đại lý đề xuất đổi cho khách hàng trước đó.
Sau khi bị hủy đơn, khách hàng nhận được tin nhắn kích hoạt bảo hành sản phẩm. |
“Tôi nghi ngờ đơn đặt trước của mình đã bị hủy để chuyển máy sang cho người khác”, ông Bắc chia sẻ.
Sau khi nhận được phản hồi, nhân viên chăm sóc khách hàng của đại lý gọi điện cho ông Bắc để giải thích. Người này cho biết việc tin nhắn được gửi đến số của ông Bắc là vì nhân viên đã nhập nhầm số điện thoại của một vị khách mua sản phẩm iPhone 13 Pro Max khác.
“Vị khách hàng kia có ba số cuối là 714, nhưng nhân viên nhập nhầm thành 741 nên hệ thống đẩy thông tin về số của anh”, nhân viên tại chi nhánh trả lời nghi vấn của khách hàng.
Phóng viên đã liên hệ với chủ nhân số điện thoại có đuôi 714 nói trên, nhưng người dùng này cho biết chưa từng đặt hàng iPhone 13 Pro Max.
Trao đổi với Zing về vụ việc nói trên, đại diện FPT Shop cho biết nhân viên cửa hàng đã tự ý chuyển suất mua iPhone 13 Pro Max bản 256 GB sang cho một "khách hàng thân thiết" để vẫn được hưởng doanh số bán tại đại lý, thay vì hủy cọc và trả máy về kho (có thể được bán cho người đặt cọc tiếp theo, giao máy ở chi nhánh khác).
Đại diện hệ thống trên cũng cho biết không có chuyện "nhập nhầm số điện thoại" để kích hoạt máy như những gì nhân viên cửa hàng nói với khách. Nhân viên nói trên đã không trung thực khi giải thích về vụ việc.
“Chúng tôi đã kiểm tra và sẽ xử lý nhân viên cũng như quản lý cửa hàng về hành vi này. FPT Shop khẳng định đây là việc làm tắc trách đơn lẻ của nhân viên chứ hoàn toàn không có chuyện tuồn hàng ra ngoài như khách hàng nghi ngại. Qua vụ việc, FPT Shop cũng sẽ thắt chặt quy trình bán hàng để đảm bảo không xảy ra sự việc tương tự”, đại diện FPT Shop trả lời Zing.
iPhone 13 chính hãng được mở bán từ ngày 22/10 tại các đại lý. Sau ngày đầu, mẫu iPhone 13 Pro/Pro Max 128 GB đã hết hàng ở một số nhà bán lẻ, khách phải đợi đợt sau. Trên thị trường chợ đen, những mẫu máy này được bán lại cao hơn 2-5 triệu đồng so với giá niêm yết tại đại lý chính hãng.
Trái ngược với tình trạng "cháy hàng" iPhone 13 series tại các hệ thống lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop... các cửa hàng nhỏ lẻ ít tên tuổi hầu như không có hàng để bán hoặc chỉ có với số lượng ít. Nguyên nhân đến từ việc tình hình dịch bệnh khiến iPhone xách tay không thể về nước sớm như các năm, các cửa hàng nhỏ lẻ không nhập trực tiếp từ Apple sẽ phải tìm cách để có hàng bán, duy trì việc kinh doanh.
“Vì khan hàng, giá máy niêm yết thấp hơn nhiều so với mức ngoài thị trường xách tay nên dễ xảy ra hiện tượng nhân viên tuồn hàng, ăn chênh lệch”, ông N.B., chủ cửa hàng bán iPhone tại thành phố Vũng Tàu, nhận định.