'Hung thần' Mỹ nếm đòn tại Việt Nam
Kênh truyền hình Discovery vừa bình chọn 10 loại vũ khí gieo rắc sự khiếp đảm nhất. Kết quả đoạt ngôi quán quân là phi cơ AC-130 của Mỹ song "xe tăng bay" này từng có một quá khứ đen tối tại chiến trường Việt Nam.
Máy bay phóng pháo AC-130 có thể thực hiện các hoạt động tác chiến độc lập, không kích vào mục tiêu mặt đất nằm sâu trong hậu phương của đối phương, thực hiện các nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ căn cứ không quân, cô lập và phong tỏa các khu vực tác chiến đơn lẻ, trinh sát và quan sát, theo dõi và kiểm soát các hoạt động ở cấp chiến thuật.
Tổ hợp vũ khí trang bị trên AC-130U (từ phía đằng đầu máy bay đến cánh đuôi ):
- 25 mm súng tự động ổ quay 5 nòng Gatling của General Electric GAU-12/U (tốc độ bắn 1.800 phát/phút, cơ số 3000 viên đạn);
- 40-mm pháo phòng không L-60 Bofors (tốc độ bắn 100 phát/phút, cơ số 256 viên đạn );
- 105 mm lựu pháo Howitzer M-102, được thiết kế dựa trên nguyên mẫu lựu pháo tiêu chuẩn của quân đội (tốc độ bắn 6-10 phát/phút, cơ số đạn là 98 viên).
Hiện nay những chiếc AC-130 của quân đội Mỹ tiếp tục được cải tiến nâng cấp với các công nghệ điện tử tối tân nhất. Vũ khí cũng được lắp đặt thêm cả pháo bắn thẳng cỡ lớn khiến nó được mệnh danh là "xe tăng bay" của quân đội Mỹ. Chính sức hủy diệt lớn và độ nguy hiểm của AC-130 đã khiến nó được kênh Discovery xếp đứng đầu 10 loại vũ khí gieo rắc nỗi khiếp đảm nhất trên chiến trường.
Những nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên mà máy bay phóng pháo này thực hiện là cuộc chiến tranh ở Việt nam. Quân đội Mỹ đã sử dụng AC-130 để săn đuổi và bắn hạ các xe vận tải trên đường mòn Hồ Chí Minh. Vào năm 1969–1970, trên đường Trường Sơn chỉ có hai máy bay tham chiến, sau đó số lượng máy bay càng ngày càng tăng lên.
Các phi vụ tác chiến trên đường mòn Hồ Chí Minh được tiến hành vào mùa khô, khi các đoàn vận tải quân sự Việt Nam tăng cường các chuyến hàng tiếp viện. Mùa mưa bắt đầu vào tháng 5 và trong vòng 6 tháng, các tuyến đường tiếp vận từ Lào vào Việt Nam bị bắt buộc phải dừng do trời mưa liên tiếp và các con đường không thể cơ động được. Dựa trên những kinh nghiệm thu được từ năm 1969 đến 1970. Không lực Mỹ đưa ra những xác định khả năng tiêu diệt mục tiêu:
- Xe vận tải được xác định là đã bị tiêu diệt, khi bị bắn trúng bằng đạn 40 mm Bofors hoặc bốc cháy.
- Xe vận tải được xác định là đã bị bắn hỏng, khi bị bắn trúng bằng đạn 20 mm Vulcan hoặc đạn 40 mm nổ phá trong đường kính 3 m cách ô tô.
"Hung thần" AC-130 đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh khác nhau. |
Mùa khô năm 1970–1971, máy bay cường kích hỏa lực AC-130H tác chiến hiệu quả nhất. Truyền thông Mỹ khi đó cho rằng, các tay thợ săn đêm nặng nề này đã bắn cháy và bắn hỏng 12.741 chiếc xe vận tải của đối phương. Quả thực con số này rất đáng nghi ngờ. Theo tin tức tình báo của Mỹ, quân đội Việt Nam có trong biên chế khoảng gần 18.000 xe vận tải, nếu tính như vậy thì chỉ trong mùa khô đó, máy bay Mỹ đã phá hủy hết tất cả các xe vận tải của Binh đoàn Trường Sơn, có những xe còn bị phá hủy nhiều lần. Rõ ràng các phi công AC-130H đã "thổi" lên nhiều lần thành tích của mình.
Đến năm 1972, tình hình hoàn toàn không dễ chịu, máy bay trinh sát đường không của Mỹ đã phát hiện một số tổ hợp tên lửa phòng không S-75. Đối với AC-130, đây là mối nguy hiểm chết người, tránh khỏi tên lửa đất đối không SAM-2, với AC-130 động cơ cánh quạt nặng nề là không thể. Nhưng hủy bỏ các chuyến săn đêm thì các sĩ quan Mỹ không muốn, do hiệu quả cao của máy bay đối với các xe vận tải của đối phương.
Vào ngày định mệnh 31/3/1972, chiếc АС-130 được trang bị pháo 105 mm bị một quả đạn tên lửa có đầu dẫn radar bắn hạ. 15 thành viên phi hành đoàn nhảy dù và được trực thăng cứu hộ đón về căn cứ. Nhưng hai ngày sau tên lửa của tổ hợp S-75 lại quật một máy bay phóng pháo АС-130 khác xuống rừng Trường Sơn, toàn bộ phi hành đoàn tử vong. Bị mất liên tiếp hai chiếc máy bay đắt đỏ, đồng thời nhìn thấy kết quả thê thảm trong tương lai, 2/4/1972 Không lực Mỹ ra quyết định chấm dứt sử dụng AC-130 trên chiến trường Việt Nam.
Sau chiến tranh tại Việt Nam, máy bay AC-130 không tham gia các hoạt động tác chiến trong một thời gian dài, thời gian nghỉ việc của AC-130 bị gián đoạn bởi cuộc cuộc xâm lược vào Grenada của Mỹ tháng 10/1983.
Tổn thất trên đã khẳng định lại một sự thật hiển nhiên từ chiến tranh tại Việt Nam: Trong một trận chiến có dày đặc lực lượng phòng không, AC-130 dù được trang bị "khủng" đến mấy vẫn không phải vô đối do tốc độ quá chậm và nặng nề.
Theo Tiền Phong