Phận bi đát của "đệ nhất hùng quan"
Nhiều năm qua, cụm di tích Hải Vân quan trên đỉnh đèo Hải Vân bị biến thành phế tích. Công trình từng được ví là đệ nhất hùng quan bị bỏ mặc giữa mưa nắng, không được trùng tu.
Lý do là việc phân ranh giới địa lý của Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế chưa được thống nhất. Sự giằng co diễn ra kéo dài, đôi lúc còn xảy ra tranh chấp căng thẳng.
Hải Vân quan bị kẹt giữa câu chuyện địa giới dai dẳng này và dần dần thành phế tích trong sự xót xa của du khách.
Hải Vân quan bị xuống cấp nghiêm trọng. |
Trải qua thời gian dài không được bảo tồn, nhiều hạng mục của cụm công trình bị đổ nát, phủ đầy rêu. Du khách tới đây thản nhiên leo trèo lên công trình chụp ảnh, xả rác gây ô nhiễm.
Thiếu sự quản lý, khu vực đỉnh đèo Hải Vân dưới chân Hải Vân quan luôn xảy ra tình trạng lộn xộn.
Chung tay cứu Hải Vân quan
Trong khi câu chuyện địa giới vẫn chưa rõ ràng, ngành văn hóa Huế và Đà Nẵng đã cùng ngồi lại để cứu Hải Vân quan.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cho biết ngày 17/11, đơn vị vừa có buổi làm việc với Sở VH-TT-DL Thừa Thiên - Huế. Hai bên thống nhất cùng làm chung bộ hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích Hải Vân quan.
Trước đó, ngày 4/11, tại TP Huế, hai địa phương đã tổ chức hội nghị bàn phương án cứu hùng quan Hải Vân.
Ông Hùng cho biết trước nay có tình trạng cha chung không ai khóc. Huế muốn trùng tu bảo vệ cũng không được mà Đà Nẵng muốn làm cũng khó. Nay cả hai bên phải chung tay.
“Sau khi được công nhận rồi thì sẽ áp dụng luật Di sản văn hoá để bảo vệ, chứ hiện nay không có cơ sở để bảo vệ. Cụ thể như việc phục hồi, tu bổ, tái tạo… những công trình xây dựng, công trình phòng thủ, lối đi đã xuống cấp để phát huy giá trị của Hải Vân quan.
Mình sẽ cử người bảo vệ, thuyết trình giới thiệu cho du khách và khai thác du lịch”, ông Hùng cho biết.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cho hay kế hoạch bắt đầu khởi động từ tháng 11 và phấn đấu hoàn thành việc công nhận di tích này vào giữa năm 2017.