Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huawei sẽ trở thành một Samsung thứ hai

Samsung từng nổi lên như một hiện tượng toàn cầu với những sản phẩm có thiết kế và thông số ấn tượng, giờ đây, Huawei, cũng đang làm được điều tương tự.

Samsung nổi lên như hiện tượng toàn cầu và bắt đầu tạo dựng chỗ đứng riêng trong ngành sản xuất điện thoại thông minh kể từ 2010 với sự kiện ra mắt Galaxy S. Những điều mà Samsung làm được với Galaxy S thực sự ấn tượng bởi lần đầu tiên, một chiếc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android đạt đến các thông số kỹ thuật xuất sắc và bỏ xa tất cả những sản phẩm sao chép iPhone đang tràn ngập thị trường vào thời điểm đó. Chính thành công này của Samsung đã tạo thành tiền đề cho các nhà sản xuất điện thoại khác cùng vượt lên và “bứt phá” khuôn mẫu của những thông số kỹ thuật cùng kiểu dáng thiết kế độc đáo từ Apple. 

Rất nhanh chóng, Huawei với lợi thế là một “đại gia” sản xuất thiết bị viễn thông tại Trung Quốc đã học hỏi “công thức” thành công từ Samsung và khôn khéo pha trộn thêm nhiều ưu điểm khác của các hãng sản xuất tên tuổi khác trên thị trường. Nhờ vậy mà cái tên Huawei dần định vị được thương hiệu giữa một “biển” các sản phẩm điện thoại thông minh đang dần bão hòa.

Tại sự kiện công nghệ IFA năm nay, Huawei đã cho ra mắt sản phẩm mới là chiếc Mate S với màn hình rộng 5,5 inch. Nếu như được hỏi Mate S có gì đặc sắc thì bạn sẽ nhận được khá nhiều câu trả lời. Trước hết là phải nhắc tới công nghệ Force Touch đã được Huawei nhanh nhạy cập nhật trên mẫu điện thoại mới nhất. Với công nghệ này, màn hình cảm ứng của Mate S sẽ nhận biết được nhiều loại lực nhấn khác nhau, và một ứng dụng vui là màn hình của Mate S có thể cân được quả cam. 

Trước Huawei, Apple đã từng sử dụng công nghệ Force Touch trên các sản phẩm như Apple Watch và MacBook, đồng thời có rất nhiều tin đồn xung quanh việc Apple sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ này cho dòng iPhone chuẩn bị ra mắt. Tuy nhiên, Huawei đã “đi trước một bước” khi hiện thực hóa tin đồn và đưa công nghệ này vào sản phẩm mới nhất của mình. 

Đây không phải là lần đầu tiên Huawei “chơi đòn phủ đầu” như vậy đối với Apple. Trong sự kiện IFA năm ngoái, Huawei đã khiến mọi người ngỡ ngàng khi ra mắt Ascend P7 phiên bản giới hạn với màn hình tinh thể sapphire, điều mà mọi người vẫn đinh ninh là sẽ xuất hiện trên siêu phẩm iPhone 6. Mặc dù, thực tế Huawei chỉ sản xuất được một vài sản phẩm điện thoại màn hình sapphire nhưng điều này cũng đủ để giới công nghệ phải nể phục. Trước giờ chỉ có những thương hiệu xa xỉ như Vertu mới đủ công nghệ và kỹ thuật để sản xuất thành công điện thoại màn hình đắt đỏ này. Vì thế, việc Huawei ghi thêm tên mình vào danh sách ít ỏi của những nhà sản xuất “chịu chơi” đã góp phần không nhỏ trong việc định vị thương hiệu này thêm một tầm cao mới.

Chiến lược của Huawei là kết hợp ưu điểm của nhiều hãng khác nhau trên thị trường, không riêng gì Apple nên bạn sẽ không thấy làm lạ khi thiết kế thân máy kim loại nguyên khối của Mate S tương tự với thiết kế của dòng điện thoại trứ danh HTC One. Mate S cũng có những góc cạnh vát tinh tế, phần lưng máy uốn cong nhẹ nhàng và một số chi tiết nhựa được đặt khéo léo trên bề mặt trơn mịn của vỏ máy kim loại, vốn đều là các chi tiết đặc trưng cho thiết kế của HTC One. Thậm chí, Huawei còn đưa cả thiết kế nigh-on của HTC One M9 với đặc trưng hình dáng camera sau có gờ nổi nhẹ vào dòng máy Mate S (mặc dù HTC One M9 mới ra mắt vào hồi đầu tháng 3 năm nay). Tuy nhiên, Huawei thông minh trong cách sao chép ý tưởng từ các hãng khác vì Huawei biết cách chọn lọc ý tưởng hay và dở. Tránh vết xe đổ đi trước, Mate S không bắt chước vị trí của nút nguồn và cách đặt loa BoomSound ngay gần màn hình như HTC đã làm trên M9.

Không chỉ “góp nhặt” các ưu điểm từ Apple và HTC, danh sách các sản phẩm “khuôn mẫu” của Huawei còn có Sony và Samsung. 

Nếu như Huawei tìm được ở HTC thiết kế thân máy nguyên khối mạnh mẽ thì nó còn học được ở Sony Xperia thiết kế màn hình vuông thành sắc cạnh. Vì thế, so với HTC, thiết kế màn hình của Mate S đẹp và tinh tế hơn hẳn. Không dừng lại ở đó, Huawei còn sao chép công nghệ màn hình OmniBalance của Sony để ứng dụng cho dòng sản phẩm Aspire. 

Về giao diện cho phần mềm, mặc dù Huawei có nỗ lực sáng tạo nên một số chi tiết “làm của riêng” nhưng phần lớn vẫn là sự sao chép có chọn lọc từ “lớp đi trước” như Samsung và HTC. Ngoài ra, Huawei còn tạo một bản sao hoàn hảo của giao diện Spotlight để ứng dụng cho Mate S. Để bật tắt đèn pin, người dùng Mate S cũng phải thao tác kéo màn hình từ góc dưới lên y như trên giao diện của iOS. Nếu như từng đó chi tiết chưa làm bạn ấn tượng với tinh thần “Học, học nữa, học mãi” của Huawei thì hãy nhìn vào hộp dây tai nghe của Mate S. Chắc hẳn bạn sẽ phải gật gù với ý kiến đánh giá: Huawei là “gã học lỏm” xuất chúng.

Không chỉ giỏi bắt chước, Huawei rất khôn ngoan trong việc xử lý kín kẽ để tránh những rắc rối về bản quyền. Như trường hợp Mate S ứng dụng công nghệ Force Touch, Huawei chỉ giới hạn việc bán sản phẩm này tại một số thị trường mà luật sư của Apple có muốn cũng không kiện được Huawei. 

Tuy nhiên, mọi việc đều có giá của nó, mặc dù hướng xử lý này có thể giúp Huawei tránh được các rắc rối nhưng lại cản trở việc tăng doanh số bán ra vì thị trường bị hạn chế. Ở một khía cạnh khác, cách “ăn theo” này lại giúp Huawei tranh thủ cơ hội được quảng cáo và nhắc tên miễn phí trong các cuộc thảo luận sôi nổi và sát sao về các công nghệ mới của Apple. Vì thế, có thể bạn sẽ không hứng thú với việc mua một chiếc Mate S có ứng dụng công nghệ Force Touch thì chí ít bạn vẫn biết Huawei có các sản phẩm với công nghệ tương tự Apple.

Nếu như Samsung thành công nhờ chiến thuật đánh vào điểm yếu của đối thủ thì Huawei lại tìm cách để “dựa bóng” vào kẻ mạnh. Để trở thành tâm điểm của báo chí, giới công nghệ, Huawei góp nhặt tất cả các công nghệ tối ưu và hiện đại từ các sản phẩm đi đầu thị trường để đưa vào sản phẩm của mình. Kiên định với cách học hỏi và bắt chước, nhà sản xuất Trung Quốc không phải tốn nhiều thời gian hay chi phí mà vẫn có được sản phẩm mang thương hiệu riêng và quy tụ những tính năng tốt nhất từ các thương hiệu khác. 

Giá thành cũng là một lợi thế của Huawei. Nhờ cắt giảm được chi phí nghiên cứu, các sản phẩm của Huawei được định giá vô cùng hấp dẫn và phải chăng. Bằng cách này, Huawei đã “chệm chệ” ngồi ở ngôi vị số 3 thế giới trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại. Mặc dù việc bắt chước của Huawei không phải là một “hành động” đẹp và không phải ai cũng ủng hộ, nhưng rõ ràng là cách làm này vô cùng hiệu quả trong ngành công nghiệp vốn nhiều cạnh tranh.

http://ictnews.vn/kinh-doanh/ho-so/huawei-se-tro-thanh-mot-samsung-thu-hai-129896.ict

Theo B.N/ICTNews

Bạn có thể quan tâm