Trong ngày 1/3, Canada sẽ kết luận liệu họ có đồng ý dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ hay không. Huawei vẫn đang tiếp tục chiến dịch thanh minh trước những cáo buộc từ Mỹ.
Trong những ngày này, những phát ngôn từ Huawei là tổng hợp của những sự khôn ngoan, châm biếm và bất chấp, trước những cáo buộc về việc theo dõi cho chính phủ Trung Quốc. Đây là một sự thay đổi lớn so với những năm trước, khi mà nhà sáng lập Nhậm Chính Phi hầu như né tránh mọi ống kính dư luận.
CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG CHĨA VÀO MỸ
Tại MWC 2019, chủ tịch luân phiên Guo Ping đã chỉ trích Mỹ vì làm xấu hình ảnh của Huawei sau vụ yêu cầu Canada bắt Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu tháng 12/2018. Ông nói với những người tham gia họp báo và gặp mặt tại Barcelona rằng không thể dùng chính trị để chi phối an ninh mạng, và chính những công ty của Mỹ cũng theo dõi người dùng. Nghe tới những câu này, nhiều người trong đám đông đã hưởng ứng.
Tại MWC 2019, chủ tịch luân phiên Guo Ping của Huawei đã chỉ trích Mỹ vì tạo hình ảnh xấu cho Huawei, trong khi cũng theo dõi người dùng. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, kể từ khi bà Mạnh bị bắt ngày 1/12/2018, Huawei từ thế bị động đã chuyển sang chiến thuật chủ động thanh minh. Bị Mỹ buộc tội hỗ trợ chính quyền Trung Quốc trong việc theo dõi các công ty và cá nhân, Huawei đang nói nhiều hơn bao giờ hết. Dường như những nỗ lực của họ đang có kết quả tốt.
Mặc dù Mỹ cảnh báo sẽ không hợp tác với các nước sử dụng thiết bị viễn thông Huawei, trong những tuần gần đây nhiều nhà mạng châu Âu ngỏ ý muốn tìm giải pháp để vừa sử dụng thiết bị Huawei, vừa đảm bảo an ninh. Những người đứng đầu chính phủ tại New Zealand, Ý, Đức và Vương quốc Anh đều lên tiếng phản đối áp lực của Mỹ.
“Mỹ có vẻ đã gặp khó khăn bởi phản ứng nghi ngại từ Anh và các chính phủ khác, khi họ muốn nhìn vụ Huawei một cách cụ thể hơn”, ông Graham Webster, một nhà nghiên cứu tại Washington chia sẻ trên Bloomberg.
Trước những vụ ồn ào gần đây, rất ít người phương Tây biết đến cái tên Huawei. Ông Nhậm nhiều năm liền không trả lời báo chí nước ngoài. Trong vài năm trở lại đây, Huawei bắt đầu vươn ra thế giới với những hợp đồng tài trợ, quảng cáo và công bố báo cáo kinh doanh.
Công bố nhật ký của bà Mạnh Vãn Châu chỉ là một trong rất nhiều hành động mà Huawei đang thực hiện nhằm lôi kéo sự thông cảm. Ảnh: Bloomberg. |
Nhưng những điều đó rất khác cách mà Huawei công bố một đoạn trong nhật ký của bà Mạnh, dịch sang tiếng Anh, ngay sau khi bà bị bắt. Phía Huawei cho biết bà vẫn giữ thói quen viết nhật ký và đây là cách bà chia sẻ cảm xúc trước những sự việc mới diễn ra. Đoạn nhật ký có phần mô tả bà Mạnh xúc động như thế nào khi biết nhiều người cùng phản đối vụ bắt giữ.
Tới tháng 1/2019, Huawei mời rất nhiều phóng viên nước ngoài tới để gặp trực tiếp ông Nhậm, nghe ông phủ nhận những cáo buộc từ Mỹ và gọi Tổng thống Donald Trump là “một vị tổng thống vĩ đại”. Từ thời điểm đó, ông Nhậm liên tục xuất hiện trên những kênh truyền thông quốc tế, với những phát ngôn như “chính phủ Mỹ không thể đánh gục chúng tôi” trên BBC.
Vụ bắt giữ không chỉ ảnh hưởng kinh tế hoặc nền công nghệ Trung Quốc, mà còn kích hoạt cảm giác trở thành nạn nhân của người Trung Quốc mỗi khi họ gặp khó khăn ở nơi xa
Tạp chí Foreign Policy
Huawei còn lập một trang web và tài khoản Twitter có tên @Huaweifacts, đồng thời tập trung giới thiệu các công nghệ mới nhất của họ như 5G hay mẫu điện thoại màn hình gập Huawei Mate X.
Tới ngày 26/2, chủ tịch Guo Ping xuất hiện trên Financial Times, chỉ trích vụ tấn công vào máy chủ Huawei của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
“Rõ ràng là thiết bị Huawei càng phổ biến thì NSA càng khó thu thập thông tin. Nói cách khác, Huawei đang làm cho nỗ lực theo dõi bất kỳ ai của Mỹ khó khăn hơn. Đây là lý do họ tổ chức những chiến dịch nhắm vào chúng tôi”, ông Guo viết.
Chủ tịch luân phiên trước đó, ông Ken Hu thậm chí còn trả lời Tổng thống Donald Trump trên Twitter khi ông đang nói về sức mạnh của Mỹ và mong muốn dẫn đầu bằng công nghệ chứ không phải bằng cách chặn những công nghệ hiện đại hơn.
“Thưa Tổng thống, tôi rất đồng ý với ông. Công ty chúng tôi luôn sẵn sàng xây dựng mạng lưới 5G đích thực cho Mỹ, bằng cách cạnh tranh lành mạnh”, ông Hu trả lời trên Twitter.
THỜI KHẮC QUAN TRỌNG SẮP ĐẾN
Trong nội bộ công ty, theo Bloomberg, ông Nhậm lên dây cót tinh thần cho các lãnh đạo phải “sẵn sàng chiến đấu” trước những sự cạnh tranh toàn cầu.
“Có nhiều nước muốn ngăn chặn chúng ta đầu tư vào nghiên cứu, học hỏi các công nghệ hiện đại. Chúng ta phải sẵn sàng trước những thử thách này”, ông Nhậm nói trong một cuộc họp ngày 16/2.
Nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi chỉ bắt đầu tiếp xúc với truyền thông nước ngoài từ đầu năm nay, sau khi con gái của ông bị bắt. Ảnh: Bloomberg. |
Đội ngũ truyền thông của Huawei cho biết họ đang nỗ lực hết sức để phản ứng lại những thông tin sai lệch. Theo ông Glenn Schloss, người phát ngôn của Huawei thì công ty Trung Quốc đã quá im lặng trong quá khứ bởi họ vẫn là công ty tư nhân. Tuy nhiên điều này, kết hợp với ngành kinh doanh quá cạnh tranh có thể “khiến chúng tôi bị hiểu nhầm là thích hoạt động bí mật”, ông Schloss chia sẻ.
Tất cả những nỗ lực truyền thông này sẽ sớm đi tới hồi kết, khi công tố viên tại Seattle, Mỹ công khai hồ sơ về Huawei, trong đó có những cáo buộc về tội ăn cắp sở hữu trí tuệ trong ngày 28/2. Trong ngày 1/3, Canada sẽ kết luận liệu họ có đồng ý dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ hay không.
Bài phát biểu của ông Guo tại MWC 2019 có thể là nỗ lực cuối cùng để cho châu Âu thấy rằng Mỹ cũng không phải là vô tội trong những cáo buộc về theo dõi, thậm chí là theo dõi nước khác. Dù vậy, những chính phủ phương Tây vẫn sẽ cảnh giác với Huawei, đồng thời tìm kiếm giải pháp 5G từ những công ty khác như Samsung.
“Tôi không nghĩ rằng Huawei có thể dễ dàng đạt được mục đích của họ. Nếu họ tiếp tục tỏ ra kém thân thiện, tôi không chắc hậu quả về sau sẽ như thế nào”, ông Graham Webster chia sẻ.