Các biện pháp cấm vận mới nhắm vào Huawei được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng 8. Theo đó, các nhà sản xuất chip quốc tế sẽ phải xin giấy phép đặc biệt để bán chip chứa công nghệ Mỹ cho Huawei.
Trong những tuần gần đây, các nhà sản xuất Hàn Quốc và Đài Loan đều cho biết sẽ tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ và ngừng cung cấp bán dẫn cho Huawei. Trước đó, chính quyền nhiều quốc gia cũng đã loại bỏ Huawei ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G.
Nguồn tin Reuters cho biết dù chưa tuyên bố chính thức, Canada âm thầm buộc các công ty viễn thông nước này "nghỉ chơi" với Huawei. Trước Canada, các thành viên nhóm "Ngũ Nhãn" như Anh, New Zealand và Australia đều đã cấm cửa Huawei.
"Hoạt động sản xuất chip của chúng tôi sẽ ngừng vào ngày 15/9. Trung Quốc không có ngành công nghiệp sản xuất chip để hỗ trợ chúng tôi", đại diện Huawei thừa nhận tháng trước. Hiện doanh nghiệp Trung Quốc mới chỉ sản xuất được microchip 14 nm. Trong khi đó, Samsung (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan) có khả năng sản xuất thế hiện chip mới hiện đại hơn.
Huawei đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: Getty. |
Ngành bán dẫn toàn cầu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghệ Mỹ, từ thiết kế phần mềm cho đến thiết bị sản xuất. Do đó, nhiều chuyên gia mô tả lệnh cấm của chính phủ Mỹ là "án tử hình" đối với Huawei. Thậm chí SMIC, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, cũng thông báo sẽ tuân thủ lệnh cấm của Mỹ và ngừng bán chip cho Huawei.
"Sự thống trị của công nghệ Mỹ trong ngành bán dẫn toàn cầu đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ sẽ bó chân bó tay doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc", VOA dẫn lời nhà phân tích John Lee của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator.
Tuần trước, chính quyền Trung Quốc công bố một loạt chính sách mới nhằm mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn nội địa. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ phải mất rất nhiều năm mới có thể thu hẹp được khoảng cách công nghệ với Mỹ.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu Huawei có thể cầm cự trong bao lâu. Các nguồn tin từ Trung Quốc cho biết Huawei đã tích trữ đủ lượng chip để dùng trong 2 năm. Tháng trước, nhà sản xuất chip Đài Loan MediaTek cho biết đã trình chính phủ Mỹ đơn xin giấy phép bán hàng cho Huawei.
"Trước mắt, rất khó để các công ty Trung Quốc xoay xở khi đối mặt với lệnh cấm của Mỹ", nhà phân tích Lee nói. Chuyên gia James Lewis thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để cứu Huawei trước nguy cơ sụp đổ vì đây là công ty rất quan trọng với ngành công nghệ nước này.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, Trung Quốc sẽ dần sản xuất được bán dẫn cơ bản. "Trong tương lai xa, Trung Quốc sẽ phát triển được chuỗi cung ứng bán dẫn nội địa, nhưng có đuổi kịp trình độ công nghệ phương Tây hay không lại là chuyện khác", chuyên gia Lee đánh giá.