Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huawei đi đường vòng để mua linh kiện từ Mỹ

Huawei đang lên kế hoạch cấp phép thiết kế sản phẩm của hãng cho bên thứ 3 để có thể tiếp cận với linh kiện, phần mềm bị Mỹ cấm vận.

Ngày 15/11, Bloomberg đưa tin Huawei đang xem xét cấp phép những thiết kế di động của hãng cho Công ty Thiết bị Viễn thông và Bưu chính Trung Quốc (TPAC). Sau đó, TPAC sẽ tìm cách mua các linh kiện của Mỹ, bị cấm trong danh sách đen thời Tổng thống Donald Trump để sản xuất điện thoại.

Trước đó, đơn vị Xnova thuộc TPAC từng bán smartphone mang thương hiệu Nova của Huawei trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho biết doanh nghiệp Trung Quốc TD Tech cũng sẽ tham gia sản xuất các thiết kế từ Huawei dưới thương hiệu của mình.

Huawei di duong vong de mua linh kien cua My anh 1

Huawei cung cấp thiết kế cho các công ty bên thứ 3 sản xuất, nhằm tiếp cận linh kiện của Mỹ. Ảnh: Getty.

Động thái này có thể giúp Huawei cứu vãn hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng sau các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Doanh số ngành smartphone của hãng Trung Quốc giảm sút trong 4 quý liên tiếp, thị phần dần bị thu hẹp. Những ảnh hưởng lớn nhất của lệnh cấm vận là Huawei không được làm việc với công ty sản xuất chip TSMC, hệ điều hành Android và modem 5G từ Qualcomm.

Hãng đã bán thương hiệu con Honor cho một tập đoàn ở Thâm Quyến khoảng một năm trước. Việc này giúp Honor được giải phóng khỏi lệnh cấm của Mỹ. Ông George Zhao, Giám đốc điều hành của Honor cho biết công ty đã có thể mua linh kiện từ nhà sản xuất của Mỹ như Qualcomm. Thành công của bước đi này khiến Huawei có thêm động lực để tìm hướng đi mới, chống lại lệnh cấm vận từ Mỹ.

Bloomberg cho biết kỹ sư của Huawei đã bắt đầu thiết kế lại vi mạch của các dòng điện thoại bán chạy để tương thích với chip của Qualcomm hay MediaTek. Huawei kỳ vọng việc kết hợp với đối tác bên ngoài có thể giúp tăng lượng máy xuất xưởng lên mức 30 triệu chiếc vào năm tới.

Công ty Trung Quốc đã phải vật lộn để tìm nguồn thu bù đắp khoản lỗ lớn từ mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng của hãng. Năm 2020, doanh thu của Huawei đạt được vào khoảng 483 tỷ nhân dân tệ (tương đương 75,6 tỷ USD). Việc hợp tác với các công ty bên thứ 3 có thể không giúp tăng doanh thu cho nhà sản xuất này. Đổi lại, mảng sản xuất điện thoại thông minh của hãng có thể được duy trì giữa lệnh cấm vận của Mỹ.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 24/9, Chủ tịch luân phiên của Huawei, Từ Trực Quân nói rằng các lệnh cấm vận của Mỹ đang gây tổn thất ít nhất 30 tỷ USD doanh thu hàng năm liên quan đến mảng điện thoại di động của của tập đoàn.

Theo Reuters, Mỹ đã chấp thuận để các doanh nghiệp trong nước cung cấp chip cho Huawei, nhằm sản xuất màn hình và cảm biến trên xe hơi. Những giấy phép được cấp sau khi Huawei chuyển hướng kinh doanh sang những loại sản phẩm ít chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm thương mại giữa Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Biden vẫn tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu những mặt hàng điện tử cho Huawei, đặc biệt là linh kiện phục vụ sản xuất thiết bị 5G.

Chính quyền Biden giáng đòn mới lên Huawei và ZTE

Tổng thống Joe Biden hôm 11/11 đã ký luật ngăn chặn các công ty vốn bị xem là đe dọa an ninh như Huawei và ZTE nhận được giấy phép cho thiết bị mới từ cơ quan quản lý của Mỹ.

Smartphone Huawei cao cấp được dự đoán sẽ dùng chip của Mỹ

Dòng Huawei Mate 50 có thể sẽ được trang bị Snapdragon 898, dòng chip mới nhất của Qualcomm. Tuy nhiên, SoC trên máy bị cắt giảm kết nối 5G.

Mỹ cấm cửa công ty làm phần mềm hack iPhone

Chính quyền Mỹ vừa đưa NSO Group, công ty bảo mật hàng đầu của Israel với các cáo buộc về tấn công mạng, vào danh sách đen tương tự Huawei.

Xuân Sang

Theo Bloomberg

Bạn có thể quan tâm