Theo báo cáo trên, nhân viên của Huawei ở Hà Lan và Trung Quốc có thể đã nghe lén cuộc gọi của cựu Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende và nhiều quan chức có quan điểm đối lập về Trung Quốc.
Báo cáo trên được Capgemini thực hiện cho KPN, một trong những mạng viễn thông lớn nhất Hà Lan, vào năm 2010. Báo cáo này sau đó được đăng tải bởi De Volkskrant.
Dù KPN thừa nhận sự tồn tại của bản báo cáo, công ty này tuyên bố vào ngày 19/4 rằng họ "chưa bao giờ thấy Huawei đánh cắp thông tin khách hàng". Mạng viễn thông này đồng thời khẳng định không đối tác nào của họ "có khả năng truy cập trái phép hoặc được quyền kiểm soát không hạn định đối với hệ thống của KPN".
Huawei cũng phủ nhận cáo buộc: "Chúng tôi chưa bao giờ bị chính phủ cáo buộc về hành vi phạm pháp cả".
Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông hứng chịu nhiều cáo buộc đánh cắp thông tin nhất ở châu Âu. Ảnh: Shutterstock. |
KPN bắt đầu sử dụng công nghệ của Huawei vào năm 2009. Sau khi AIVD, cơ quan tình báo nội địa Hà Lan, cảnh báo về khả năng bị nghe lén, KPN đã đặt hàng báo cáo nói trên.
Báo cáo kết luận rằng người dùng của KPN "có thể mất niềm tin" vào mạng viễn thông này "nếu biết chính phủ Trung Quốc có thể giám sát cuộc gọi của các số di động thuộc KPN".
Ngay cả khi nhận được báo cáo từ phía Capgemini, KPN vẫn tiếp tục mua các thiết bị kỹ thuật để thiết lập mạng 3G và 4G của Huawei, theo Guardian.
Tuy nhiên, vào năm 2020, KPN trở thành một trong những doanh nghiệp viễn thông đầu tiên ở châu Âu loại trừ Huawei ra khỏi chương trình phát triển mạng 5G. Thay vào đó, KPN chọn Ericsson từ Thụy Điển để phối hợp xây dựng hệ thống mạng 5G của mình.
Trong khi đó, chính phủ Hà Lan cũng siết chặt quy định đối với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông, bao gồm kiểm tra lý lịch đối với nhân viên có quyền truy cập vào mạng.