Đây là “tối hậu thư” vừa được UBND tỉnh Đắk Lắk gửi đến người đại diện phần vốn nhà nước tại BCCE. Bởi sở giao dịch hàng hóa này, được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột với vốn điều lệ hơn 75,5 tỷ đồng, đến nay vẫn “chưa sáng đèn” sau một năm đưa vào hoạt động.
Sau đúng một năm khai trương, đến nay Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột vẫn vắng hoe, chưa thể đưa vào hoạt động do thiếu vốn và cả cơ chế. |
Hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều
Chiều 10/3, đúng một năm sau ngày khai trương BCCE, chúng tôi trở lại đây và chứng kiến một quang cảnh vắng hoe, khu vực tiền sảnh không một bóng người. Khu văn phòng chỉ có hai nhân viên ngồi, các khu vực khác phần lớn đều khóa trái cửa không hoạt động, cũng không có bóng dáng một khách nào.
Theo đề án thành lập, BCCE có 4 cổ đông gồm phần vốn nhà nước đăng ký 32 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam đăng ký góp vốn 33 tỷ đồng, Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Long Yến đăng ký góp 10 tỷ đồng tiền mặt, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 đăng ký 500 triệu đồng.
Lao động bỏ đi
Theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk, “BCCE phải đảm bảo việc tiếp nhận toàn bộ số lao động (32 người, không kể giám đốc) từ Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột và ký hợp đồng theo quy định”.
Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 4-5 nhân viên cũ ở lại, còn tất cả đã bỏ đi vì “suốt ngày chỉ đi ra đi vào, nhổ cỏ rất chán”, chưa kể nhiều nguyên nhân khác.
Tuy nhiên, đến nay Công ty Long Yến mới góp 1,5 tỷ đồng, Công ty 2-9 góp 100 triệu đồng đăng ký. Riêng Công ty CP Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam vẫn chưa góp đồng nào.
Ông Huỳnh Văn Tiến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đắk Lắk, cho biết theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, sau 90 ngày kể từ khi thành lập (giấy phép kinh doanh của BCCE đề ngày 25/2/2015), các cổ đông phải hoàn thành việc góp vốn.
Để tạo điều kiện, UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần gia hạn việc góp vốn của các cổ đông để công ty đi vào hoạt động ổn định, nhưng các cổ đông vẫn cứ khất lần khất lữa.
“Sau ngày 3/3, nếu các cổ đông vẫn không góp vốn, chúng tôi sẽ tham mưu để UBND tỉnh xử lý theo quy định. Cụ thể, cổ đông chưa thanh toán cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty, và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần cho người khác.
Những cổ đông chỉ mới thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua chỉ được hưởng quyền lợi trên số cổ phần này, không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đối với số cổ phần chưa thanh toán cho người khác” - ông Tiến thông tin.
Cũng theo ông Tiến, việc các cổ đông chưa góp vốn có nguyên nhân chủ quan từ phía Nhà nước là việc định giá tài sản Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột cũng chậm.
Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam góp 33 tỷ đồng, trong đó có 12 tỷ đồng là góp bằng phần mềm giao dịch, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành việc định giá nên việc góp vốn gặp khó khăn.
Hơn nữa, việc giao dịch qua sàn của BCCE đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì còn khá nhiều vướng mắc về pháp lý nên các doanh nghiệp cũng nghi ngại...
Không vốn, thiếu cả cơ chế hoạt động
Năm 2008, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột được khai trương, với hy vọng cà phê Việt Nam sẽ được bán thẳng ra thế giới với giá thời điểm. Tuy nhiên sau 7 năm hoạt động, các chuyên gia đánh giá mô hình của trung tâm này không thu hút được nông dân, các đại lý mua bán cà phê bởi những quy định xa lạ với cách làm truyền thống.
Tháng 3/2015, trung tâm này được chuyển đổi thành BCCE. Mục tiêu của BCCE là mọi giao dịch sẽ được kết nối trực tiếp với Sàn giao dịch hàng hóa Liffe (Anh) và Chicago Mercantile Exchange (Mỹ). Khi đó cà phê Việt Nam sẽ theo sát giá thế giới, xóa bỏ hiện tượng ép giá đối với người sản xuất cà phê, cũng như giảm bớt tình trạng bị giới đầu cơ làm giá...
Ông Võ Thanh Châu - Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn nhà nước tại BCCE - cho biết hơn 90% sản lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu nên việc thành lập một sàn giao dịch để nông dân bán cà phê trực tiếp, sát giá thị trường thế giới là rất hữu ích.
Tuy nhiên, BCCE hiện đang gặp khó khăn khi các cổ đông không góp vốn, chưa kể hành lang pháp lý để cà phê Việt Nam được bán qua sàn giao dịch cũng chưa có.
Thậm chí, theo ông Châu, Nghị định 158 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về việc thành lập sở giao dịch hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, được ban hành vào tháng 12/2006, nhưng đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể!
“Các đại lý và doanh nghiệp hiện chỉ cần nhấc điện thoại là có thể mua bán những lô hàng cà phê và có lãi rất dễ dàng mà không rắc rối. Nay tất cả các lô hàng được đưa lên sàn, công khai để người mua biết, cơ quan chức năng kiểm soát... thì cần phải có chính sách cụ thể thu hút nông dân, đại lý.
Hơn nữa, muốn giao dịch qua sàn thì hành lang pháp lý về thuế, hóa đơn chứng từ, trung tâm thanh toán bù trừ... cần hoàn thiện và phù hợp với các thông lệ quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa có. Với những vướng mắc kể trên, chưa biết đến bao giờ cà phê VN mới có thể giao dịch qua sàn quốc tế” - ông Châu phân tích.