Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hư bóng Tết hoàng tộc

Tục xưa đã phai nhạt hết rồi, cái Tết hoàng tộc Huế nay chẳng qua là hư bóng ngày xưa.

Với người Huế, hoa trong dịp Tết không gì bằng hoàng mai. Có khi chậu mai kiểng trăm tuổi chỉ một bông hoa mai vàng nở trên vách đá đã là quá đủ cho một cái Tết. Ấy thế mà cũng có phủ đệ còn lưu giữ cả gốc lão hoàng mai gần 200 năm tuổi, mỗi mùa Xuân hoa nở rợp cả khu vườn - phủ Tùng Thiện Vương.

Hậu duệ Nguyễn Phước tộc làm lễ cúng đầu năm ở Thế Miếu - nơi thờ các vua triều Nguyễn Ảnh: Cảnh Tăng
Hậu duệ Nguyễn Phước tộc làm lễ cúng đầu năm ở Thế Miếu - nơi thờ các vua triều Nguyễn Ảnh: Cảnh Tăng

Dưới cội mai già

Phủ của một trong hai “Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường” (thơ Tự Đức) nằm bên sông An Cựu, hiện giao lại cho cháu đời thứ tư là ông Bửu Tộ coi sóc. Nơi đây, ngoài thờ Thi Ông (qua đời năm 1870), trước đó đã thờ mẹ ông là vợ vua Minh Mạng.

Trong phủ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có hàng trăm tấm mộc bản triều Nguyễn được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Phủ thờ có tiếng linh thiêng nên du khách ghé đến dâng hương cầu phúc cũng nhiều.

Với ông Bửu Tộ, từng lá cây, ngọn cỏ trong phủ đệ đều là di sản, đặc biệt là cội mai già, nên ông hết lòng chăm sóc. Cứ mỗi đầu tháng chạp, ông dành một buổi tắm cho mai, lấy khăn làm sạch rêu bụi, mạng nhện từng nách lá cành, nụ búp. Mai không phụ công người, hằng năm cho hoa đều, sung túc.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh bên tác phẩm bản kinh “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” thêu tay đạt kỷ lục Việt Nam Ảnh: Cảnh Tăng
Nghệ nhân Lê Văn Kinh bên tác phẩm bản kinh “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” thêu tay đạt kỷ lục Việt Nam Ảnh: Cảnh Tăng

Phủ có quy định con cháu không được vào ở cùng mà chỉ chọn ai ở gần phủ thì cử ra coi sóc. Vì vậy, phủ Tùng Thiện Vương là một trong rất ít phủ đệ còn khá nguyên vẹn, không bị lấn chiếm. Hằng năm, vào tháng chạp, con cháu rủ nhau lên đồi Từ Hiếu tảo mộ Thi Ông, rồi về phủ nấu cơm cúng. Phủ năm nào cũng làm thiệp chúc Tết. Lau chùi sửa soạn bàn thờ trước Tết cả tháng. Sáng mùng 1 mở cửa, con cháu năm bảy chục người về bái lạy tổ tiên.

Ngược lên phía cầu Bến Ngự, có ngôi nhà Lạc Tịnh Viên của Nguyễn Phước Hồng Khẳng - con trai thứ 13 của Tùng Thiện Vương. Đây là một trong những nhà vườn đẹp nhất Huế còn tồn tại và chăm chút giữ nếp nhà.

Bà Khánh Nam là con cháu trong nhà, năm nay đã 85 tuổi nên ít mở cửa đón khách nhưng hoa trái trong vườn vẫn được chăm chút cẩn thận. Từ ngôi nhà này, cố Hiệp tá đại học sĩ Hồng Khẳng phu nhân đã viết sách Thực phổ Bách Thiên dạy nấu 100 món ăn bằng thơ nổi tiếng. Mâm cỗ cúng Tết của gia đình bày biện cũng vài chục món theo lối xưa.

Tết đến tại Lạc Tịnh Viên, họ hàng về sum họp, làm bánh mứt, ôn chuyện xưa, đón khách ghé chơi. Bạn thân thì được mời lên sập gỗ trong nhà. Khách xa thì sau khi tham quan nhà, vườn, có thể dừng chân trên các bàn ghế đá thưởng thức trà, nhấm mứt gừng, nghe thiên nhiên đang lắng lại trong mình một cảm giác mùa Xuân bình yên, lâng lâng khó tả.

Nhớ Tết xưa...

Lão nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh (87 tuổi, cháu ngoại của Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Giáo) sở hữu nhiều kỷ lục và bảo vật trong cung phủ nổi tiếng. Quan tham tri ngày xưa đưa cụ Kinh vào trong phủ nuôi từ năm 4 tuổi nên ấu thơ ắp đầy môn quan.

Ngày đó, có 6 lính lệ giúp việc hằng ngày, Tết càng bận rộn song quan cũng cho luân phiên thay nhau về lo gia đình. Quan gia thì bếp núc bận rộn, nào làm mứt, gói bánh chưng, bánh tét, nào làm thịt lợn gà... Chiều 28 Tết, quan mời cơm các lính lệ, rồi thưởng tiền.

29 Tết, bạn tâm giao chí thân cùng nhau tất niên, đuổi hết lính lệ, người nhà bởi hồi đó nhóm ông tham tri có ý chống Pháp, sợ rượu vào lời ra, có kẻ mách lại thì không hay. Mà người xưa cũng quan cách phong kiến lắm, người cha cả năm không ăn cơm với vợ con, phải đến chiều 30 Tết sau cúng tất niên mới ăn cơm với gia đình.

Sáng mùng 1, các quan vào bái lạy chúc tụng vua ở điện Thái Hòa, dùng yến, rồi đi thăm nhau. Ngày Tết đi đâu ông ngoại cũng dắt ông Kinh theo, cho mặc áo gấm xanh, đi giày hạ. Nếu có ai lì xì thì ông tham tri cho mới được nhận mà nhận thì phải quỳ xuống nhận và nói cám ơn. Nếu có người lì xì mà thấy mắt ông tham tri nhìn thẳng là phải biết xoa tay, đi thụt lùi từ chối.

Ông Kinh nói bây giờ tục xưa bỏ hết rồi, cái Tết hoàng tộc chẳng qua là hư bóng ngày xưa... Ngày trước, nhà nào Tết cũng chơi bài tới, nay thì thi thoảng mới thấy. Bài tới đã thế huống chi bài chòi, mấy câu “Còn duyên mua thị bán hồng/Hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ/ Gặm xơ hết lại gặm cùi/ Dành riêng mớ hột để lùi cho con” thì còn ai nhớ nữa.

Hay như trò xăm hường, xưa nhiều nhà khá giả ưa chuộng, nay tiếng reo xăm hường đổ bát không thấy vang tai nhiều… Mâm cổ cúng bái nhiều nhà cũng sơ qua chiếu lệ, lớp trẻ thua xa lớp già về nữ công gia chánh, mứt bánh cũng ít làm. Nhiều người bận rộn công việc làm ăn, đến giáp Tết mới ào vào chợ Đông Ba mua các thứ mang về, khỏi phải bày ra làm lụng lục đục.

Mà quả thật, ngay cả bánh chưng, bánh tét giờ mà bày ra gói, nấu thì khói um cả nhà, thôi thì qua xóm Nhật Lệ đặt cho nhanh; cầu kỳ chút nữa thì chạy về làng Chuồn đặt trước Tết cả tháng, vừa ngon vừa sang.

Chín lạy cái ấn

Ông Lê Văn Kinh kể hằng năm, vào 20 tháng chạp, ông ngoại làm lễ treo ấn nghỉ Tết. Ấn được rửa bằng rượu, bỏ vào hộp, bày trên án, rồi ông ngoại thay phẩm phục bái lạy chiếc ấn chín lạy (chiếc ấn được xem như thay mặt vua). Có lần ông ngồi xem ông ngoại làm, lấy cái tăm xỉa vào cái ấn, lập tức bị một bớp tai. Thì ra xưa kiêng cữ ghê lắm, mời tăm cũng chỉ để trên khay chứ không đưa tận tay, nói chi đến xỉa tăm vào ấn. Đến mùng 7 Tết, sau khi hạ nêu, ấn mới được đem ra, chuẩn bị công việc năm mới.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nghi-le-tet-hue-hu-bong-tet-hoang-toc-20150209213855028.htm

Hồ Đăng Thanh Ngọc/ Người lao động

Bạn có thể quan tâm