Trong báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam của Khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu HSBC mới công bố, các chuyên gia tại đây cho biết dù chịu nhiều thách thức chưa từng diễn ra trước đây nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ.
Theo đó, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương năm 2020 (2,91%) nhờ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả và quay lại hoạt động bình thường, xuất khẩu các mặt hàng điện tử tăng trưởng mạnh.
Theo HSBC, những khó khăn có thể còn kéo dài sang năm 2021, tuy nhiên, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức lạc quan. Trong đó, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định.
HSBC kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh trong năm nay với mức tăng trưởng GDP đạt 7,6%. Trong khi đó, áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục ở mức vừa phải, lạm phát toàn phần dự kiến ở mức 3,3%, thấp hơn mức trần 4% Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
MỘT SỐ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 | |||||
Nhãn | Fitch Ratings | HSBC | World Bank | Chính phủ | |
Tăng trưởng GDP so với năm 2020 | % | 8.6 | 7.6 | 6.8 | 6.5 |
Theo đánh giá của khối nghiên cứu, nhờ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả mà hoạt động sản xuất của Việt Nam khôi phục nhanh trong năm vừa qua. Giá trị xuất khẩu vượt trội so với các nước trong khu vực với tăng trưởng 6,5% cả năm.
Tuy nhiên, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống (dệt may, da giày) giảm 10%, do ảnh hưởng từ thị trường châu Âu và Mỹ. Ngược lại, tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng điện tử lại tăng 10% do số hóa và nhu cầu làm việc tại nhà; giá trị xuất khẩu thiết bị máy móc cũng tăng 48% và sản phẩm gỗ tăng 15%. Riêng về xuất khẩu gỗ, thị trường tăng chính của Việt Nam là Mỹ khi tăng hơn 30% do nhu cầu nhà ở tại đây tăng vọt trong đại dịch.
Theo HSBC, điều này đã mang lại một số kết quả không mong muốn, khi thặng dư thương mại 2 nước đến tháng 11/2020 đã tăng lên mức kỷ lục 57 tỷ USD, cao hơn 70% so với năm 2019.
Tháng 10/2020, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng đã khởi xướng 2 cuộc điều tra về hoạt động buôn bán gỗ và chính sách tiền tệ của Việt Nam, đến tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ quyết định gán Việt Nam là nước thao túng tiền tệ.
Tuy vậy, các chuyên gia HSBC đánh giá tác động kinh tế của dự kiện này đối với thương mại Việt Nam khá hạn chế, do quy mô xuất khẩu gỗ còn nhỏ. Ngoài ra, phía Việt Nam và Mỹ cũng đang trong giai đoạn đàm phán về sự kiện này.
Các chuyên gia ngoại hối của HSBC cho rằng sẽ có một kịch bản ôn hòa được đưa ra và cả 2 bên sẽ đi đến một thỏa thuận, hoặc một mốc thời gian, liên quan đến việc cải cách dần chế độ tỷ giá hối đoái tiền đồng.
Trong năm 2021, HSBC cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là vấn đề then chốt cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2021.
Một trọng tâm khác cũng được dự báo tập trung phát triển là quá trình tư nhân hóa, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Trong giai đoạn 2011-2015, gần 600 doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa, đạt 96% mục tiêu. Tuy nhiên, từ 2016 đến tháng 9/2020, mới chỉ có 37/128 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, chưa đạt 30% so với mục tiêu đề ra. Cùng với dịch bệnh, các yếu tố như kiểm toán và quản lý đất đai có thể đã làm chậm quá trình này.
Theo HSBC, việc Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021-2025 có thể chuyển thành một lộ trình chi tiết hơn trong giai đoạn sắp tới.