HSBC dự đoán kinh tế Việt Nam phục hồi vào quý IV
Công bố kết quả chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 8, HSBC cho biết, kinh tế có thể dần phục hồi vào 3 tháng cuối năm.
Ngân hàng HSBC vừa công bố kết quả chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8. Theo đó, chỉ số này đã tăng từ 43,6 điểm trong tháng 7 lên 47,9 điểm trong tháng 8. PMI càng tăng, càng thể hiện các điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tiếp tục giảm. Dù thế, theo HSBC, mức giảm của tháng 8 nhẹ và yếu nhất kể từ tháng 5.
Nguyên nhân khiến cho PMI tháng 8 giảm, theo HSBC, là số lượng đơn đặt hàng mới tại nhà máy, công ty thấp xuống, khối lượng công việc mới cũng giảm kể từ tháng 7, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cũng thấp đi do nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế đều yếu. Đơn hàng giảm, lượng công việc chưa được thực hiện cũng giảm, các công ty phải cắt giảm nhân công. Mặt khác, hoạt động mua bán hàng cũng trên đà giảm, dù tốc độ thấp hơn tháng 7. Trong khi đó, chi phí đầu vào trung bình của các nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam tăng trong tháng 8.
Chuyên viên kinh tế Trịnh Nguyễn- Ngân hàng HSBC đánh giá, dù các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam vẫn khó khăn, song có thể kinh tế sẽ dần hồi phục vào quý IV. “Với nhu cầu trong nước thấp, đặc biệt khi nhiều người Việt Nam cố gắng cắt giảm công nợ, GDP năm nay sẽ chậm lại còn 5,1%, so với mức 5,9% của năm trước”, chuyên viên này cho biết.
Bà này cũng dự đoán, lạm phát theo tháng tăng trở lại do giá hàng hóa tăng cao, bằng chứng là giá cả đầu vào cao hơn, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ sẽ can thiệp bằng cách tiếp tục giảm lãi suất thị trường mở (OMO) và dùng biện pháp hành chính để thúc đẩy tiêu dùng.
Trước đó, CPI tháng 8 đã tăng 0,63% sau 2 tháng giảm liên tiếp.
PMI (Purchasing Managers’ Index)- chỉ số nhà quản trị mua hàng là chỉ số tổng hợp dựa vào 5 trong số các chỉ tiêu riêng biệt với các trọng số: sản lượng (0,25%), số đơn đặt hàng mới (0,3%), tình hình giao hàng của nhà cung cấp (0,15%), lượng hàng tồn kho (0,1%), tình hình việc làm (0,2%). Đây là cơ sở quan trọng cho thấy bức tranh toàn cảnh về tình hình sản xuất của tháng trước đó. Các nhà đầu tư trên thế giới luôn theo dõi sát sao về diễn biến của chỉ số này để ra quyết định đầu tư, và dấu mốc quan trọng nhất là 50- ranh giới giữa sự thu hẹp và mở rộng sản xuất. Chỉ số PMI từ 50 điểm trở lên tức là có tăng trưởng, dưới 50 điểm là thụt lùi. |
Lan Anh
Theo Infonet