Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng
Diễn viên: Lương Mạnh Hải, La Quốc Hùng, Trần Huy Anh
Zing.vn đánh giá: 6/10
Năm 2011, Hot boy nổi loạn (tên đầy đủ: Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt) gây sốt trong làng điện ảnh Việt nhờ nội dung khắc họa trực diện cuộc sống của những người thuộc tầng lớp đáy xã hội: gái mại dâm, trai đứng đường và kẻ tật nguyền.
Sự lãng mạn, tính nhân văn cùng những khung hình đẹp nên thơ của đất Sài Gòn khiến đây trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh đáng nhớ nhất đến từ đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
Hot boy nổi loạn 2 ra đời sau 6 năm và gây ra sự tò mò nhất định bởi ai cũng muốn biết câu chuyện dang dở của những nhân vật trong phần một sẽ tiếp tục có diễn biến ra sao, và liệu đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có thể tìm lại phong độ sau khi anh có dấu hiệu “xuống tay” rõ rệt qua Con ma nhà họ Vương hay Vòng eo 56.
Song, ở Hot boy nổi loạn 2, chỉ có tuyến truyện mại dâm nam của Lương Mạnh Hải, La Quốc Hùng được tiếp nối. Còn “thằng Cười và cô gái điếm” do lần lượt Hiếu Hiền và Phương Thanh khắc họa không còn trở lại. Thay vào đó, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng giới thiệu thêm một số nhân vật phụ mới.
Trọng tâm của bộ phim tiếp tục là Lam (Lương Mạnh Hải) - người tưởng như đã bị đánh chết ở cuối phần một khi gã bị khách mua dâm gài bẫy và trả thù. Vượt qua thời khắc thập tử nhất sinh, Lam bỏ ra bốn năm ở Nha Trang để truy tìm tung tích người yêu cũ là Khôi (Hồ Vĩnh Khoa) nhưng bất thành.
Cuối cùng, gã quyết định trở về Sài Gòn, tiếp tục con đường làm “đĩ đực”. Lúc này, Lam tái ngộ người cũ Long (La Quốc Hùng) - người thầm yêu gã suốt bấy lâu nay, dù bản thân Long cũng có kẻ đem lòng yêu đơn phương (Trần Huy Anh). Tiếp tục đi vẫy khách ở công viên cũ, Lam lại phải đối diện với nhiều cạm bẫy của công việc mại dâm phi pháp.
“Phong cách lạ” nhưng không phù hợp
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chọn xoáy sâu vào thế giới đồng tính nam bởi có lẽ anh muốn tạo ra phần nội dung tập trung, cô đọng hơn so với phần một đôi lúc còn bị dàn trải.
Song, sự xuất hiện của nhiều nhân vật phụ mới chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Người xem nhiều lần chưa kịp thấu cảm nỗi giày vò hàng ngày của Lam về thân phận gã thì đã bị phân tâm bởi những tình tiết và gương mặt mới.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tỏ ra khá "cứng đầu" khi vẫn theo đuổi những dấu ấn nghệ thuật của riêng anh dù chúng không thực sự phù hợp với toàn bộ tác phẩm. |
Một trong những “đặc sản” của phim Vũ Ngọc Đãng là các chàng trai tuyệt đẹp với cơ bụng như vừa bước ra từ phòng gym, cùng gương mặt hoàn hảo như tượng. Với Hot boy nổi loạn 2, sự sạch sẽ, bóng bẩy của họ có phần không phù hợp với bối cảnh chung.
Tác phẩm kém chất lượng Con ma nhà họ Vương từng gây ra thắc mắc bởi một trường đoạn ngắn trong khu chợ lụp xụp nhưng lại đầy ắp các chàng trai sáu múi, cơ bắp cuồn cuộn, ăn mặc sạch sẽ. Bộ phim mới khiến người xem đặt ra nhiều câu hỏi tương tự.
Tại sao xưởng nước đá hay đồn điền cao su lại có những anh chàng mang ngoại hình hoàn hảo như diễn viên đóng phim quảng cáo? Tại sao Lam sống đầu đường xó chợ, không xu dính túi nhưng lúc nào quần áo cũng bảnh bao, hợp mốt? Hay tại sao Cuội dầm mưa dãi nắng ngoài đồng mà lại mặc áo thun bó trắng tinh rất “gợi cảm”?
Đây có thể coi là “phong cách lạ” của Vũ Ngọc Đãng, nhưng nó chắc chắn gây ảnh hưởng không nhỏ tới cảm nhận của khán giả về cuộc sống của những cá nhân thuộc tầng lớp đáy xã hội.
Diễn xuất nhập tâm của Lương Mạnh Hải
Là bộ phim Việt Nam đầu tiên bị dán nhãn C18, Hot boy nổi loạn 2 hứa hẹn chứa đựng nhiều cảnh quay nóng bỏng và ngôn từ thô tục. Tuy nhiên, tất cả đều được tiết chế vừa phải, không đến mức dung tục.
Những câu chửi bậy hay hành động bạo lực mà Lam nhắm vào bọn ma cô, giang hồ giúp khắc họa chân thực cuộc sinh tồn khắc nghiệt nơi đường phố mà gã phải trải qua mỗi ngày.
Lương Mạnh Hải thực sự là linh hồn của Hot boy nổi loạn 2 với phần diễn xuất nhập tâm của anh. |
Trường đoạn ấn tượng nhất có lẽ là lúc Lam phải vật lộn để thoát ra khỏi đường ống cống, nơi gã bị bọn ma cô ném xuống. Đây là cảnh quay chứa đựng tâm huyết và tài năng của toàn bộ ê-kíp, đặc biệt là nam diễn viên Lương Mạnh Hải. Anh đã lột tả thành công cảm xúc tuyệt vọng, uất ức khi đứng trước nguy cơ phải bỏ mạng ở một nơi bẩn thỉu.
Trong khi Lương Mạnh Hải có vai diễn “đàn ông” nhất sự nghiệp, thì dàn nhân vật phụ cũng hoàn thành khá tốt vai trò của mình. La Quốc Hùng tuy xuất hiện ít nhưng cũng có vài cảnh quay đáng nhớ, dù câu chuyện của anh hơi một màu.
Đặc biệt thú vị là nhóm nhân vật mẹ, em gái cùng cha dượng của Lam ở quê. Họ mang đến cho người xem một góc nhìn khác về bạo lực gia đình, nơi những người phụ nữ phải cắn răng chịu đựng cuộc sống khổ sở dưới tay người chồng, người cha say xỉn. Vì thế, phân cảnh “rượt đuổi” giữa gia đình Lam và cô Tám hàng xóm vừa hài hước, vừa đắng cay.
Điểm yếu lớn nhất của Hot boy nổi loạn 2 chính là nằm ở phần kịch bản với nhiều chi tiết thừa thãi, thiếu tính liên kết, ví dụ như cô gái quê “thả thính” anh Cuội rồi bỗng dưng biến mất chỉ sau vài cảnh.
Chưa kể, Lam tuy là một kẻ đứng đường nhưng lại thường xuyên “ho ra thơ, thở ra văn”, với nhiều câu thoại mang tính triết lý, sáo rỗng. Bộ phim chưa lý giải được tại sao gã lại “yêu” nghề làm đĩ đến thế. Kể cả khi có lối thoát, Lam vẫn nhất quyết quay trở lại với cuộc sống đầy tủi nhục, nay đây mai đó.
Tuy còn chứa đựng nhiều bất cập về mặt nội dung, Hot boy nổi loạn 2 vẫn nằm ở mức khá của điện ảnh Việt Nam vào thời điểm hiện tại. |
Nhìn chung, công chúng cũng cần phải ngợi khen ê-kíp thực hiện Hot boy nổi loạn 2 bởi những khung hình tuyệt đẹp, đậm chất nghệ thuật. Vì tên nhân vật chính là Lam, Vũ Ngọc Đãng không tiếc công dàn dựng bối cảnh để sao cho gần như trong mỗi khung hình, người xem đều thấy thấp thoáng màu xanh u buồn, hoang hoải.
Có lẽ những người mà toàn thân đã ngã xuống bùn như Lam, như Khôi, rất khó có thể tìm thấy hạnh phúc riêng cho mình. Nhưng cái kết của bộ phim lại giống như một cú tát vào mặt người xem, làm mất đi giá trị nhân văn mà khán giả tưởng như tác phẩm đang cố gắng xây dựng.
Tuy chưa thể đủ tinh tế như phần một, nhưng Hot boy nổi loạn 2 thực sự là một nỗ lực đáng khen của Vũ Ngọc Đãng sau quãng thời gian dài anh phải hứng chịu nhiều chỉ trích. Nếu tính trên mặt bằng chung của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua, tác phẩm xứng đáng nằm ở mức khá.