Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

‘Hot boy’ Lê Thanh Tùng: 10 năm chấn thương đeo bám và giấc mơ Olympic

23 tuổi, có cho mình 3 tấm HCV thế giới và châu lục, Lê Thanh Tùng là VĐV nam được kỳ vọng nhất ở đội Thể dục dụng cụ (TDDC) nam hiện nay.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 1Le Thanh Tung,  ASIAD anh 2

23 tuổi, có cho mình 3 tấm HCV thế giới và châu lục, Lê Thanh Tùng là VĐV nam được kỳ vọng nhất ở đội TDDC nam hiện nay. Xét trên mọi đấu trường, Thanh Tùng có cho riêng mình bộ sưu tập các danh hiệu từ trong nước, khu vực và cả thế giới.

Anh cùng với Đinh Phương Thành được coi là thế hệ tiếp theo nối tiếp thành công của lứa VĐV trước khi Phan Thị Hà Thanh đã nghỉ thi đấu, còn Phạm Phước Hưng thì không còn ở thời kỳ đỉnh khi bước sang tuổi 30. Xuất hiện trong đoạn phim ngắn về thể thao Việt Nam của nước tăng lực Sting và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trước thềm ASIAD, Lê Thanh Tùng đã cho thấy sự khổ luyện không ngừng nghỉ cùng sự cổ vũ, động viên hết mình của các cổ động viên Việt Nam chính là những yếu tố quan trọng tạo nên một vận động viên tài năng của môn TDDC như hiện nay.

Video - Phía sau kỳ tích của những niềm hy vọng vàng TTVN Bên cạnh quá trình khổ luyện, ý chí kiên cường của các VĐV, sự cổ vũ từ cổ động viên là yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ giúp các niềm hy vọng vàng giành chiến thắng.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 3

Bén duyên với TDDC từ năm lên 4 tuổi. 3 năm sau đó, chàng trai TP.HCM bắt đầu có những chuyến tập huấn dài hạn đầu tiên. Ở cái tuổi mà nhiều bạn cùng trang lứa còn đang mải mê chơi trò đuổi bắt, Thanh Tùng đã bị gò vào giờ giấc tập luyện đầy vất vả với những HLV, chuyên gia người Trung Quốc.

8 năm đằng đẵng sau đó là những chuyến tập huấn quanh năm tại Trung Quốc. Với một cậu bé còn đang tuổi ăn, tuổi chơi đã phải xa gia đình, thật khó để diễn ra hết những lúc nhớ nhà, những cảm xúc ngây thơ rất “đời”.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 4Thế nhưng, chính những thử thách ngay từ thửa còn “vắt mũi chưa sạch” đã tạo nên một Lê Thanh Tùng đầy bản lĩnh, sắt đá, một niềm tự hào của thể thao Việt Nam như ngày hôm nay.

Trong những ngày chuẩn bị cho ASIAD 2018, có dịp được ngồi nói chuyện trong giờ nghỉ giải lao với Thanh Tùng mới thấy được ở chàng trai này có sự tự tin nhưng không tới mức tự kiêu, góc nhìn từ chàng trai sinh năm 1995 cũng rất tươi mới và tràn đầy năng lượng.

Chẳng thế mà, khi hỏi về vấn đề sức khỏe, chấn thương mà các VĐV chuyên nghiệp thường xuyên phải đối mặt, Thanh Tùng “tỉnh queo”: “Tôi chưa gặp chấn thương nào quá nặng chứ VĐV môn nào cũng thế, gãy chân gãy tay là điều khó tránh khỏi”.

Nói như vậy chứ ai hiểu chuyền đều biết Thanh Tùng đang phải “sống chung với lũ” bởi những chấn thương đã trở thành mãn tính. Trước mỗi buổi tập, VĐV TP.HCM phải tốn thời gian xoa bóp, khởi động vùng cổ do chứng cứng cơ - một loại bệnh lý có thể dẫn tới nhiều nguy cơ khác nhau.

Không chỉ vậy, anh còn bị viêm màng cơ xương ở tay và chân trái. Theo Tùng chia sẻ, những chấn thương này đã theo anh từ năm 14 tuổi tới bây giờ và không có cách nào để chữa trị dứt điểm. “Khi vui thì nó ít đau để mình tập luyện và thi đấu tốt. Khi buồn thì nó đau nhiều, mình lại phải nghỉ tập. Những vết thương kiểu này không có quy luật gì cả nên mình phải cố gắng sống chung và chấp nhận nó”, anh chia sẻ.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 5Được biết, trước mỗi buổi tập hay thi đấu, Tùng phải tốn thời gian gần gấp đôi so với những VĐV khác để xoa bóp, làm nóng vùng cơ vai - cổ. Chỉ đến khi những cử động vùng cổ thực sự linh hoạt, anh mới dám bước vào tập luyện các động tác ẩn chứa đầy sự nguy hiểm.

Ở nội bộ đội tuyển TDDC, các VĐV còn được “điều trị” bằng phương pháp khá đặc biệt. HLV Trương Minh Sang thường dùng nhang ngải cứu (được làm từ lá ngải cứu) để điều trị những vấn đề về cơ bắp cho học trò của mình bằng cách hơ nóng để tinh chất ngấm vào cơ thể. Đây là bài thuốc nam rất hiệu quả điều trị những chứng đau cơ, mỏi cơ.

Dù khả năng gặp chấn thương luôn thường nhật, nhưng Lê Thanh Tùng vẫn không ngừng nghỉ cùng HLV và các VĐV trong đội tuyển TDDC tập luyện mỗi ngày. Sự quyết tâm ấy đến từ chính sự cổ vũ hết mình và niềm tin mà cổ động viên Việt dành cho Thanh Tùng nói riêng và các VĐV của đoàn Thể thao Việt Nam nói chung.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 6

Đến lúc này, Tùng đang là một trong những VĐV nhảy chống hàng đầu châu Á. Không chỉ vậy, theo lời HLV Trương Minh Sang, Thanh Tùng còn là vận động viên thi đấu ở nội dung toàn năng khá tốt (thi đấu hỗn hợp 6 nội dung thuộc bộ môn TDDC).

Chính bởi việc Tùng theo toàn năng, nên nhìn cơ thể của chàng VĐV sinh năm 1995 này cân đối và “nuột” hơn hẳn những người đồng đội khác như Phước Hưng hay Đinh Phương Thành, bởi anh phải tập luyện đều tất cả nhóm cơ nhằm phục vụ việc thi đấu tổng hợp.

Đánh giá tiềm năng của cậu học trò, HLV Trương Minh Sang chia sẻ: “Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng của Thanh Tùng. Bởi thế đội TDDC đang dành những gì tốt nhất cho cậu ấy và các VĐV khác. Ban huấn luyện đội cũng đang tính toán đầu tư để Thanh Tùng có thể giành vé tới Olympic 2020 như trường hợp của Phước Hưng”.

Không nhiều người biết, để có được sự quan tâm, đầu tư như bây giờ, Lê Thanh Tùng từng phải trải qua quãng thời gian có thể coi là nốt trầm trong sự nghiệp.

Vấn đề của Tùng, sau này được lý giải là do yêu cầu quá cao của chuyên gia người Trung Quốc. Trong khi đó, với đặc thù của môn TDDC, yêu cầu đầu tiên là phải thực hiện đúng và đẹp mắt.

“Thanh Tùng vẫn đang ở dạng tiềm năng chứ chưa phát triển hết thực sự và cần được bồi dưỡng, thay vì cố gắng nhồi nhét. Nhưng em ấy phải thực hiện nhiều động tác có độ khó cao, nguy cơ thất bại dẫn đến bị trừ điểm lớn. Đó là những yêu cầu quá sức và rất khó để tập trung vào độ ổn định cũng như tư thế”, HLV Trương Minh Sang trả lời về nguyên nhân khiến Tùng thi đấu liên tục nhưng không đạt được kết quả.

Bản thân nam VĐV người TP.HCM cũng chia sẻ rằng phải tới khi chính người thầy của mình dựng lại bài thi phù hợp hơn, với độ khó tương tự, anh mới thành công với tấm HCV Cúp thế giới tại Doha năm 2017. Từ đây, Thanh Tùng bước sang ngã rẽ mới đầy hy vọng và thành công tiếp nối với tấm HCV châu Á và 3 HCV SEA Games 2017.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 7

Chứng kiến bước tiến mang tính nhảy vọt của cậu học trò, HLV Trương Minh Sang không giấu được sự hãnh diện. Anh khẳng định Thanh Tùng là VĐV rất có tố chất, bản lĩnh và đặc biệt là cực kỳ kiên cường.

Hồi tháng 6 vừa qua, Lê Thanh Tùng đã vượt qua hàng loạt ứng viên sừng sỏ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia khác để lần thứ 2 đăng quang tại cúp thế giới, sau đúng 1 năm. Điều này cho thấy sự phát triển đáng kể của VĐV sinh năm 1995.

Nói về thành công của mình, Lê Thanh Tùng giữ thái độ hết sức khiêm nhường: “Trước đây do chuyên gia yêu cầu những động tác khó quá sức nên tôi thi đấu không tốt. Sau khi chuyên gia về nước, nhờ HLV Trương Minh Sang dàn dựng, chỉnh lý, khắc phục điểm yếu lại các bài thi nên giờ tôi mới có thành công như vậy”.

Ngược lại, cựu VĐV TDDC Minh Sang lại cho rằng tiềm năng của Thanh Tùng sẽ còn rất lớn. Chỉ cần có thêm thời gian để Tùng trau dồi, rèn bài thì sẽ có cơ hội cơn hon ở vòng loại Olympic.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 8

Là một trong những VĐV xuất sắc nhất châu Á, Lê Thanh Tùng hoàn toàn tự tin trước ngày tranh tài tại ASIAD 2018. Theo anh, đối thủ lớn nhất chính là bản thân mình.

Đây cũng là điều mà HLV Trương Minh Sang lo lắng nhất trước ngày lên đường tới Indonesia. “Khác với nhiều môn thể thao khác, TDDC tập luyện quanh năm chỉ để thi đấu trong ít phút ngắn ngủi. Vì thế, không có chỗ cho những sai lầm”, HLV này chia sẻ.

Trước thềm ASIAD 2018, Lê Thanh Tùng đã cùng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan bật mí hành trình bước đến bục vinh quang của chính mình trong một đoạn phim ngắn sản xuất bởi nhãn hàng nước tăng lực Sting và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Đó không chỉ đúc kết từ mồ hôi, lòng quyết tâm trau rèn mỗi ngày, là sự kiên cường, tinh thần thép luôn rạo rực nơi con tim mà còn là kết quả của sự cổ vũ hết mình vì màu cờ sắc áo từ các cổ động viên Việt Nam.

Động tác dứt khoát của Lê Thanh Tùng, ánh nhìn đầy cương quyết của của Hoàng Xuân Vinh, hay tiếng thét đầy dũng khí của nữ võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan trong đoạn phim ngắn đầy cảm xúc của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã thay cho lời cam kết rằng các VĐV Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo dân tộc.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 9

Chính sự động viên, dõi theo dù không có mặt trực tiếp trên khán đài thi đấu vào những giờ phút quan trọng của các cổ động viên đã giúp vận động viên, những Lê Thanh Tùng, Nguyễn Thị Ngoan hay Hoàng Xuân Vinh vững tin thi đấu, mang về cho Tổ quốc những tấm HCV danh giá trên đấu trường quốc tế.

Trong suốt quá trình chuẩn bị cho ASIAD, Thanh Tùng và các đồng đội “đóng cửa” rèn quân tại trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn. Điều này được lý giải bởi theo kế hoạch từ đầu năm, đội xác định không đi tập huấn, dành thời gian tập luyện xuyên suốt ở nhà để tránh mất thời gian đi lại, làm quen dụng cụ.

Càng tới sát ngày lên đường, những bài kiểm tra với sự góp ặt của đầy đủ chuyên gia, lãnh đạo môn, ngành thể thao được coi là cách vừa đánh giá lại khả năng để đưa ra điều chỉnh vừa giúp các VĐV làm quen với không khí thi đấu, tăng sự tự tin khi chính thức bước vào sàn đấu.

Cả nhóm 5 VĐV nam tham dự ASIAD ở môn TDDC còn được theo dõi chi tiết, khắt khe từ chế độ ăn uống, tình hình sức khỏe để đảm bảo có phần thi đạt điểm số cao nhất.

Với riêng cá nhân Thanh Tùng, BHL không đặt nặng chỉ tiêu phải giành huy chương, mặc dù khả năng của anh đang nằm trong diện tranh chấp với những VĐV hàng đầu thế giới tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc…

Tùng cho biết, hiện tại anh vẫn trong quá trình cùng HLV của mình dựng bài thi chính với mục tiêu giành quyền tham dự Olympic 2020. Bởi thế, tại ASIAD sắp tới, anh sẽ chỉ đem ra “bài tủ” và cất “át chủ bài” cho giải thế giới.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 10Trong suốt câu chuyện, Lê Thanh Tùng chỉ một lần bày tỏ mong muốn được góp mặt tại Olympic mà không hề nhắc tới những mục tiêu trong tương lai. “Hot boy” này chia sẻ rằng anh không quá tham lam mà cứ sống, thi đấu như những gì mình được dạy, mọi việc tự khắc đến.

Thậm chí, khi nhắc về những chấn thương, Tùng khá bình thản và cho rằng mình may mắn khi “không phải đóng đinh vào chân tay”. Bởi vậy, anh luôn xác định rằng sẽ thi đấu hết mình tới ngày nào còn có thể. Anh nghĩ rằng, thể thao đã cho mình rất nhiều để có được như ngày hôm nay, nên bản thân luôn tự nhủ sẽ làm hết sức mình để tri ân lại nền thể thao nước nhà.

“Tương lai thì khó ai nói trước được điều gì. Nếu chẳng may gặp chấn thương phải giải nghệ, tôi vẫn vui vẻ vì TDDC đã cho tôi nhiều thứ. Tôi tin rằng với những trải nghiệm, những gì có được từ môn thể thao này, tôi sẽ sống tốt”, Tùng nói.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 11

Khi được hỏi về mong ước những lúc thi đấu của Tùng là gì, anh trả lời đơn giản rằng giá như TDDC thu hút được nhiều sự chú ý hơn. “Sự cổ vũ, động viên luôn là liều thuốc tinh thần cực lớn để các VĐV thi đấu. Tôi mong rằng người hâm mộ sẽ đồng hành, tiếp sức cho tôi và các VĐV Việt Nam thi đấu thành công”, Tùng nói.

Tại ASIAD 2018, Thanh Tùng tham gia 3 nội dung là đơn môn nhảy chống, toàn năng nam và đồng đội nam. TDDC nam Việt Nam còn có Phạm Phước Hưng và Đặng Nam thi vòng treo và Đinh Phương Thành ở nội dung xà kép. VĐV thứ 5 Đỗ Vũ Hưng thì tham gia ở nội dung đồng đội.

Le Thanh Tung,  ASIAD anh 12

Vinicius gap han hinh anh

Vinicius gặp hạn

0

Tin dữ ập đến với Real Madrid khi tiền đạo chủ lực Vinicius Jr. dính chấn thương bắp đùi trái và dự kiến phải nghỉ thi đấu 3 tuần.

Đỗ Hải - Hà Mỹ Giang

Ảnh: Việt Hùng
Thiết kế: Trương Luật

Bạn có thể quan tâm