Hot boy Lâm Vinh Hải: 'Vợ làm quản lý nhóm nhảy của tôi'
Không chỉ chia sẻ cách vượt qua khó khăn để đến với nghề nhảy, quán quân "So you think you can dance" còn tiết lộ về gia đình nhỏ và thời gian dành cho con gái vừa tròn 1 tuổi.
Lau chùi hồ cá để có tiền học nhảy
Nhìn những bước nhảy điêu luyện của Hải trên sân khấu So you think you can dance, mọi người đoán, niềm đam mê nhảy đã ngấm vào máu anh từ nhỏ. Sự thật không như vậy, Hải cười bảo, hồi nhỏ cậu chưa bao giờ nghĩ là sẽ theo nghiệp nhảy: "Lúc học tiểu học, tôi nghĩ sau này mình sẽ trở thành thầy giáo thể dục vì dạy thể dục tương đối đơn giản, phù hợp với thể lực, sức vóc của tôi. Lên trung học, tôi lại muốn mở cửa hàng kinh doanh thú cưng, vì tôi rất thích động vật".
Lúc học tiểu học, tôi nghĩ sau này mình sẽ trở thành thầy giáo thể dục, vì dạy thể dục tương đối đơn giản, phù hợp với thể lực, sức vóc của tôi. |
Cậu bé Lâm Vinh Hải vẫn ấp ủ niềm đam mê kinh doanh ấy cho đến năm 2004, thời điểm phong trào hip hop đang rất thịnh hành ở Sài Gòn. Sau lần tình cờ cùng các bạn lên nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) chơi, anh gặp một nhóm nhảy đang tập luyện, thấy hay hay nên xin vào tập thử. Sau vài buổi như thế, anh đâm ra mê mẩn. "Trưởng nhóm nhảy ấy mời tôi gia nhập vào câu lạc bộ của họ. Phần vì muốn biết thêm những điều mới mẻ từ bộ môn nhảy, phần vì muốn chứng tỏ khả năng, tôi quyết định tham gia", Hải hồ hởi kể. Từ đó, đều đặn mỗi ngày anh lại đạp xe đến nhà thiếu nhi quận 10 để tập luyện.
Đến năm 2008, Hải cùng nhóm riêng casting vào vũ đoàn nhảy trong liveshow của Mỹ Tâm và may mắn được chọn. Đó cũng là lúc anh có cơ hội được học tập và làm việc với các vũ sư nhảy Hàn Quốc. "Cuối năm 2009, tôi được mời tham gia đóng một clip quảng cáo cho nước tăng lực. Tình cờ gặp anh John Huy Trần làm biên đạo cho bài nhảy trong clip. Anh hỏi tôi có muốn tập jazz không. Tôi lại thấy tò mò và tiếp tục theo học anh John. Đến giờ, tôi là thành viên của hai nhóm nhảy MTE và UDG, vẫn tham gia đi diễn đều đặn", Hải nói.
Càng nghe Hải kể, tôi càng tò mò hơn về quá trình tập luyện để trở thành một vũ công thành thạo. Hải trầm ngâm: "Tập luyện phải cực khổ. Hồi mới thích môn này, ngày nào cũng đạp xe từ nhà đến nhà thiếu nhi quận 10 để tập luyện với nhóm. Tôi nhớ, lúc học lớp 12, một thời gian phòng tập chuyển sang Phú Nhuận, cần trả phí mặt bằng để có tiền đóng, tôi nhận lau chùi hồ cá cho người ta. Sáng tan học, tôi tranh thủ nghỉ trưa từ 11h đến 13h chạy sang nhà người ta làm việc. Làm xong chưa kịp ăn uống lại quay về trường học tiếp. Đến 6h chiều, học xong tôi đạp xe đến lớp học nhảy tập tới 8h tối, về đến nhà người đã mệt lử đi vì đói".
Tôi chỉ biết cười khi người ta bảo tôi "bóng"
Để đến được với nhảy, có được tố chất và sự chăm chỉ trong tập luyện là một vấn đề, nhưng với Hải, gia đình còn là vấn đề to tát hơn. Anh bảo, từ lúc biết anh mê nhảy, ba mẹ buồn lắm. "Ba tôi làm phục vụ ở nhà hàng, mẹ ở nhà nội trợ và bán hủ tiếu vào buổi sáng. Cuộc sống gia đình không khá giả, đôi lúc còn thiếu thốn. Đã thế, từ khi tôi đam mê theo nhảy không phụ giúp được công việc nhà gì cho ba mẹ. Cả ba và mẹ đều mong tôi sau này sẽ đi theo nghề nào đó ổn định để không phải vất vả như ba mẹ", anh nói.
Khi thấy anh chăm chỉ tập luyện, đi tập cũng đi bằng xe đạp, học phí không tốn kém vì hầu hết là miễn phí, mỗi lần đi diễn, kiếm được tiền về đưa hết cho ba mẹ, dần dần hai ông bà cảm thấy vui và không có ý định ngăn cản con trai theo nhảy. Đến nay, gần 8 năm theo nghiệp nhảy, anh kể, chính thức kiếm tiền nuôi sống bản thân là từ năm lớp 12, lần đầu tiên kiếm được tiền từ nhảy là trong một giải đấu ở nhà thi đấu Phú Thọ năm 2005. Lúc đó, cả nhóm thắng giải được 8 triệu đồng, chia ra cho mỗi người thì được khoảng 400.000 - 500.000 đồng.
Nếu mình biết tiết kiệm, bao nhiêu cũng xài đủ. Nếu không biết tiết kiệm, có nhiều bao nhiêu cũng thấy thiếu. |
Tôi thắc mắc, với số tiền cát-xê trả cho vũ công rất thấp như bây giờ, làm sao anh có thể nuôi sống được bản thân và gia đình. Anh cười: "Đủ hay không là tùy thuộc vào nhu cầu chi tiêu của mỗi người thôi. Nếu mình biết tiết kiệm, bao nhiêu cũng xài đủ. Nếu không biết tiết kiệm, có nhiều bao nhiêu cũng thấy thiếu. Hơn nữa, tôi không chỉ nhảy minh họa cho ca sĩ còn làm biên đạo múa cho các event. Ngoài ra, tôi còn đi dạy thêm bên ngoài. Tôi thích một câu vô tình đọc được trên mạng: 'Khi bạn chọn được nghề đam mê và yêu thích, suốt đời bạn không cần phải làm việc'".
Anh cho biết, mỗi tháng kiếm được tiền, một phần anh trích đưa ba mẹ, một phần trích cho vợ mua tã sữa chăm con và chi tiêu những nhu cầu sinh hoạt khác trong nhà. Phần ít ỏi còn lại, anh dùng tiêu vặt hoặc phụ cấp đóng học phí, xăng xe cho em trai đang học trung cấp.
Tôi nửa đùa nửa thật hỏi, làm việc cực nhọc thế, số tiền kiếm được cũng hạn chế thế, vậy đã có một phút chùng lòng nào anh muốn bỏ nghề chưa. Hải lại cười bảo, ai chẳng có lúc thấy nản và muốn bỏ, nhất là một nghề lắm gian nan và không thiếu thị phi như nghề này.
"Như lúc đi nhảy, ký hợp đồng với người ta nhưng diễn xong, bầu show lặn mất tăm không chịu trả cát-xê, gọi điện họ chặn cả số điện thoại.
Như những ánh mắt của người xung quanh dòm vào, họ quy nạp, các bạn theo học nhảy, múa đều có vấn đề về giới tính. Có một chuyện vui thế này. Khi tôi tham gia trình diễn trong So you think you can dance, một bạn ngồi dưới hàng ghế khán giả quay sang hỏi bạn bên cạnh: 'Ê, Lâm Vinh Hải kìa, đẹp trai gớm, nhưng không biết anh ấy có bóng không?'. Bạn ngồi bên cạnh chưa bao giờ tiếp xúc với tôi nhưng khẳng định chắc nịch: 'Lâm Vinh Hải bóng đấy mày ạ!'. Tôi nghe xong chỉ biết bụm miệng cười vì quan điểm của người ta đã thế, mình chẳng thể nào thay đổi được, cũng không nhất thiết phải chạy lại giải thích với người ta". Hải khẳng định, niềm đam mê của anh đã lấn át tất cả những phút nản lòng đó, anh tin rằng mãi sau này, anh vẫn theo đuổi nghiệp vũ công đến cùng.
Hãy tận dụng cuộc sống bây giờ, đừng lo xa
- Mới 23 tuổi anh đã có gia đình với một cô công chúa nhỏ xinh xắn vừa tròn 1 tuổi. Anh "đeo gông vào cổ" sớm thế có thấy lãng phí tự do tuổi trẻ không?
- Tôi không cảm thấy đây là điều quá bất ngờ. Nhiều người quan niệm con trai phải lập gia đình trễ, có sự nghiệp vững chắc mới nghĩ đến chuyện vợ con. Tôi lại nghĩ khác. Với tôi, việc có gia đình sớm dù đúng là khó khăn nhưng nó chính là động lực giúp tôi cố gắng và phấn đấu hơn trong công việc. Thêm nữa, nghề của tôi suốt ngày phải ở ngoài, tôi muốn lập gia đình sớm, có em bé sớm để mẹ chăm cháu sớm. Đợi đến năm tôi 30 tuổi, lúc đó mẹ tôi già không chăm cháu giúp tôi được, tôi và vợ lại không có thời gian ở bên con gái tội cháu lắm.
- Nếu sinh con ra khi điều kiện kinh tế đã vững chắc, con được uống sữa 2-3 triệu đồng một hộp, học trường quốc tế... chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều?
- Tôi nghĩ mọi chuyện còn phụ thuộc vào duyên số. Nhiều người cố gắng làm lụng, cày bừa cho thành đạt mới lấy vợ, nhưng ai biết đến lúc lấy vợ sinh con phá sản và còn tệ hơn tôi bây giờ làm sao? Tôi nghĩ, tại sao mình không tận dụng cuộc sống bây giờ, tận dụng thời tuổi trẻ để sống hết mình với tình yêu, gia đình, sự nghiệp. Tôi không muốn lo xa vậy cho cực.
"Tôi và cô ấy quen nhau khi cùng tham gia casting vào vũ đoàn nhảy cho liveshow Mỹ Tâm". |
- Tôi tò mò anh gặp duyên số thế nào mà cưới vợ sớm thế?
- Tôi và cô ấy quen nhau khi cùng tham gia casting vào vũ đoàn nhảy cho liveshow Mỹ Tâm. Cô ấy nhỏ hơn tôi 1 tuổi. Lúc đó, cả hai chỉ biết nhưng chưa bắt chuyện với nhau nhiều. Sau này đi diễn chung và hay đi tỉnh cùng nhau nên cả hai bắt đầu quan tâm, chăm sóc nhau. Hai đứa quen nhau được ba năm rưỡi là cưới.
- Lúc cưới, ba mẹ hai bên có phản đối không vì thực sự đó chưa phải là độ tuổi đủ chín chắn để lập gia đình?
- Ngược lại gia đình hai bên đều rất tán thành. Từ lúc mới quen, tôi đã dắt cô ấy về ra mắt gia đình tôi và ngược lại. Lúc đó, cả hai cùng chung nhóm nhảy lại thích nhau nên để cho tiện đi lại, hai đứa đi chung một xe. Tới giờ đi tập, tôi qua nhà đón cô ấy, nhiều lúc ở lại ăn cơm ở nhà cô ấy luôn. Ba mẹ cô ấy thấy tôi chân thật nên rất quý. Hai gia đình cũng thân thiết nên cả hai ngỏ ý muốn cưới, người lớn đều đồng ý.
Hết giờ tập luyện, tôi về nhà thay tã cho con
- Nhiều cặp vợ chồng trẻ lấy nhau thường cãi vã vì chưa đủ trải nghiệm để hiểu hết nhau. Vợ chồng anh có thế không?
- Tôi và vợ tôi cùng là vũ công lại trạc tuổi nhau nên ngoài tình yêu còn có tình bạn, tình đồng nghiệp nên cả hai thấu hiểu nhau rất tốt. Khi tôi nhảy cặp với một bạn nữ khác, cô ấy không ghen vì hiểu đó là công việc. Dĩ nhiên, có những lúc cả hai bất đồng quan điểm nhưng lúc đó, chúng tôi không cãi vã lớn tiếng mà im lặng, tự nhìn lại bản thân rồi làm hòa với nhau.
Lâm Vinh Hải và Mỹ Tâm để lại ấn tượng trong MV Sai. |
- Bây giờ, sinh con rồi vợ anh vẫn làm vũ công chứ?
- Từ khi sinh con, vợ tôi hạn chế xuất hiện trên sân khấu vì cần có thời gian ở bên cạnh con. Bây giờ, công việc chủ yếu của cô ấy là làm quản lý cho nhóm nhảy của tôi.
- Nhìn anh teen thế, khi ở nhà anh thể hiện vai trò của một người đàn ông, chồng và cha như thế nào?
- Bình thường, tôi làm việc về rất trễ. Mỗi sáng sớm nếu không có việc, tôi ngủ đến 11h mới dậy. Dậy xong tôi đến phòng tập tập luyện cùng các bạn đến 4h chiều là về. Về nhà, tôi giúp vợ thay tã cho con gái, cho bé uống sữa rồi dẫn bé đi chơi. Với vợ, dù có con nhưng thi thoảng tôi cũng hâm nóng tình yêu bằng cách gửi con gái cho bà nội trông, dắt vợ đi ăn, đi xem phim.
- Sau "So you think you can dance" anh có kế hoạch gì cho thời gian sắp tới?
- Tôi biết, nghề nhảy cũng không kéo dài được lâu, sau 30 không thể đứng nhảy trên sân khấu. Vì thế, tôi đang cố gắng tập luyện để trở thành biên đạo múa và là một vũ sư thực thụ.
Theo Mốt và cuộc sống