Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hốt bạc nhờ các dịch vụ ăn theo đại dịch

Không nhiều người nghĩ các đợt dịch bệnh như cúm, sởi, hay việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện lại trở thành cơ hội cho dân buôn kiếm lời.

Thuốc Tamiflu bán tràn lan vẫn cháy hàng vì dịch cúm

Năm 2009, đại dịch cúm A H1N1 hoành hành khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Loại thuốc đặc trị cúm thường được cung cấp điều trị miễn phí trong các bệnh viện là Tamiflu được cho là điều trị hiệu quả cúm A H1N1 bất ngờ tăng giá chóng mặt. Từ mức 450.000 đồng/hộp 10 viên, giá đã đội lên tới 1,5 triệu đồng/hộp và luôn trong tình trạng cháy hàng.

Thuốc Tamiflu bán tràn lan vẫn cháy hàng vì dịch cú.  Ảnh: macleans
Đây cũng không phải lần đầu tiên Tamiflu trở thành thứ hàng hóa được săn mua rầm rộ, không theo chỉ định của bác sĩ. Năm 2005, khi dịch cúm H5N1 bùng phát, một lượng thuốc Tamiflu cũng được nhiều cửa hàng dược phẩm bán ra thị trường với giá lên tới 1 triệu đồng/vỉ. Cùng với đó, một số loại thuốc trị cảm cúm khác, khẩu trang y tế, khẩu trang có chứa than hoạt tính cũng tăng giá gấp vài lần, từ 3.000 đồng lên 6.000 - 7.000 đồng/chiếc.

Giá thuốc tăng theo nỗi sợ đau mắt đỏ

Trong thời điểm dịch đau mắt đỏ hoành hành tại thành ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam vào tháng 9/2013, giá thuốc đặc trị bán theo đơn của bác sĩ được nhiều hiệu thuốc tự ý tăng giá mạnh, từ 5% đến 50% so với bình thường. 

Khảo sát tại một số điểm bán cho thấy dù giá thuốc cao ngất ngưởng nhưng vẫn luôn trong tình trạng "cháy" hàng. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, người mua thuốc thường phải chờ từ 3 đến 5 ngày mới được cung ứng.

Dịch đau mắt đỏ đẩy giá thuốc đặc trị tăng 5-50%. Ảnh:  Báo Công Thương.

Nỗi lo lắng, sợ hãi quá lớn khiến nhiều người bệnh "phớt lờ" thông tin từ các bác sĩ chuyên khoa, việc điều trị bệnh đau mắt đỏ thực tế khá đơn giản. Đây là bệnh chủ yếu dùng thuốc nhỏ mắt, không nhất thiết phải uống thuốc. Đau mắt đỏ do adenovirus gây ra, nên theo y văn, dù không điều trị bệnh cũng tự khỏi trong 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, nếu được điều trị bệnh sẽ khỏi nhanh hơn, thậm chí chỉ cần dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt cũng đủ để bệnh nhanh khỏi. 

Dịch sởi đẩy giá hạt mùi già tăng gấp 5 lần, thầy lang hốt bạc

Từ mức giá chỉ 100.000 đồng/kg, "nhờ" dịch sởi hoành hành từ dịp sau Tết 2014 gây ra nhiều biến chứng nặng nề ở trẻ em, hạt mùi già được cho là "phương thuốc Nam" phòng ngừa hữu hiệu căn bệnh này, đã tăng giá chóng mặt.  Khảo sát tại các chợ khu vực nội thành Hà Nội trong những ngày giữa tháng 4, giá hạt mùi già đã tăng gấp 3-5 lần, trở thành mặt hàng được giao dịch rầm rộ nhất trên các trang mạng dành cho cha mẹ.

Dịch sởi đẩy giá hạt mùi già tăng gấp 3-5 lần. Ảnh: FBNV

Bên cạnh đó, tin đồn xuất hiện hạt mùi giả, hạt mùi Trung Quốc trà trộn, nguồn cung khan hiếm và tâm lý nghi ngờ chất lượng vacxin cũng là nguyên nhân khiến giá hạt mùi tăng mạnh. Một số đại lý thuốc Nam, thuốc Bắc và sạp hàng khô tại chợ tiêu thụ hàng trăm kg hạt mùi mỗi ngày với giá 400.000 - 500.000 đồng/kg.

Không chỉ các dân buôn hưởng lợi từ trận dịch nguy hiểm này, nhiều cơ sở quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh sởi bằng các phương pháp Đông Y, Nam Y cũng hút mạnh bệnh nhân tìm đến. Những lời quảng cáo thường bắt đầu bằng vài dòng chia sẻ, đồng cảm, đánh trúng tâm lý thân nhân người bệnh sau đó kết thúc bằng cam kết "bệnh viện trả về cũng chữa được" khiến khách hàng dễ bị thuyết phục bất chấp việc những cơ sở khám chữa bệnh trên có uy tín hay không.

Rắn lục đuôi đỏ khiến củ nén tăng giá đột biến, khan hàng

Đợt "dịch" gần nhất giúp dân buôn hốt bạc chính là nạn rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tại miền Trung từ đầu tháng 11 vừa qua. Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện khắp Quảng Ngãi sau đó tới Đà Nẵng khiến người dân đổ xô mua củ nén rải quanh vườn phòng ngừa rắn.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, tại các chợ Châu Ổ (huyện Bình Sơn), Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa), chợ Quảng Ngãi… củ nén được người dân mua nhiều gấp ba lần so với tháng trước; giá mỗi nơi mỗi khác, từ 350.000 đến 600.000 đồng/kg. Vì nhu cầu tăng đột biến nên nguồn cung không đủ. 

Củ nén có tác dụng đuổi rắn hiện được rao bán đắt gấp 5-10 lần giá trước đây, đắt nhất trên thị trường mạng là 700.000 đồng/kg. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Trên thị trường chợ mạng, thời điểm trước tháng 11, mỗi kg củ nén được rao bán trên các diễn đàn mạng phổ biến ở mức 40.000 đồng - 70.000 đồng/kg, nhưng hiện tại đã là 500.000 - 700.000 đồng/kg, luôn được các chủ shop cảnh báo "sắp cháy hàng".

Bác sĩ Lê Quang Quỳnh, giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Ngãi khuyến cáo việc dùng nén chỉ có tác dụng xua đuổi chứ không thể trị rắn cắn, người dân phải phân biệt rõ điều này. Nếu bị rắn cắn phải đưa gấp đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Diệp Sa (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm